Xã hội

Tìm về ký ức những sơn nữ răng đen nơi biên viễn

24/06/2022, 07:30

Ở rẻo cao Quảng Trị, tập tục nhuộm răng đen là nét đẹp vốn có từ lâu đời được các lớp thế hệ người Pa Cô, Vân Kiều trân trọng và lưu giữ.

Tuy nhiên, theo dòng chảy của cuộc sống, nét văn hóa này đang dần phai nhạt.

img

Tập quán nhuộm răng đen đến giờ vẫn được lớp người già Pa Cô, Vân Kiều ở các bản làng trân trọng và lưu giữ

Duyên dáng “nhân chứng” răng đen

Men theo con đường bê tông rộng vỏn vẹn chỉ hơn 1m, chúng tôi tìm tới góc nhà sàn của bà Y Dung - người có màu răng đẹp nức tiếng trong vùng thuở còn là thiếu nữ - ở bản Vây (xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Bà Y Dung năm nay đã ngoài 80 tuổi, nói tiếng Kinh không sõi, chữ được chữ mất, nhưng trông rất phúc hậu và vô cùng hiếu khách.

Rót chén nước chè óng vàng mời khách, bà Y Dung chậm rãi kể, từ xa xưa, người phụ nữ Vân Kiều, Pa Cô đã có thói quen dậy sớm nhen bếp lửa, đốt cây tăng-e, lấy nhựa để... đánh răng.

Lâu dần, thói quen ấy gần như “ngấm vào máu”. Chỉ cần bỏ lỡ một buổi vệ sinh răng miệng theo cách truyền thống này, người ta cảm thấy như có con ong, cái kiến đương bò trong da thịt. Bà Y Dung cũng không ngoại lệ.

Chuyện bà nghiện nhuộm răng thì cả bản ai cũng biết.

“Mẹ nhuộm răng từ thủa lên 10. Thiếu nữ thời ấy đều ao ước sở hữu một hàm răng bóng và đen tuyền.

Trai bản chỉ xách khèn đến nhà cô gái nào dệt thổ cẩm giỏi, hát hay và đặc biệt là có hàm răng đen thật đẹp thôi”, bà Y Dung kể.

Vừa dứt lời, bà lom khom đi vào khu bếp, lấy cây tăng-e từ trên chái xuống, chỉ tay vào rồi cho hay, cây tăng-e còn có tên gọi khác là pa hồng hoặc đu đủ, mọc ở rừng sâu nơi khu vực giáp ranh với nước bạn Lào.

Thân cây có gai, cao khoảng 2 - 2,5m, trên lá có phủ một lớp lông nhỏ mịn và cây to nhất bằng cổ tay người lớn.

img

Bà Y Dung nhuộm răng từ thuở lên 10. Dù tuổi đã cao nhưng hàm răng bà vẫn chắc, không sâu và ít rụng

Các thiếu nữ chỉ việc chặt cành, bỏ vỏ và lá, phơi khô thân cây trên giàn bếp... rồi dùng để vệ sinh răng miệng vào sáng sớm hay trước khi ngủ. Ngoài ra, quả của cây này còn dùng sắc nước uống để chữa đau bụng.

Như để khẳng định những điều mình nói, bà Y Dung dẫn chúng tôi sang nhà của bà Giã Cần (ngoài 80 tuổi, sống sát cạnh đó).

Bà Giã Cần bồi hồi nhớ lại, ngày xưa bản làng nghèo lắm, nạn đói, dịch bệnh hoành hành triền miên.

Để có cái ăn, từ người già đến trẻ nhỏ phải quăng quật suốt ngày trên nương rẫy từ tinh mơ đến tối mịt.

Rừng cho thứ gì thì dùng thứ đó. Vì vậy, cây tăng-e được bà con nơi rẻo cao ví như đặc sản trời cho vậy.

“Tục nhuộm răng đen đến với dân bản như một lẽ tự nhiên, mẹ cũng chẳng nhớ có từ bao giờ nữa.

Khi bước sang tuổi trăng tròn, thiếu nữ nào cũng đều nhuộm răng đen tuyền cả. Nó như một nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu được”, bà Giã Cần bộc bạch.

“Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen”

img

Một nhánh nhỏ cây tăng-e hái từ rừng và “đồ nghề” dùng để đánh răng

Rời bản Vây, chúng tôi xuôi về bản Pa Nho ở thị trấn Khe Sanh, huyện miền núi Hướng Hóa. Khi vừa đặt chân đến căn nhà sàn của bà Pi Cừm thì vừa lúc người phụ nữ này đi làm nương rẫy trở về.

Thấy có người ghé thăm, bà Pi Cừm đặt chiếc gùi đựng đầy lá chè xanh lẫn vài nhánh tăng-e trên vai xuống, vui mừng đón khách.

Bà luôn tự hào về hàm răng đen bóng của mình, dù đã ngoài 70 tuổi nhưng răng bà vẫn còn đều đặn và rất chắc.

Bà kể, tìm thấy cây tăng-e không phải là điều dễ dàng và cách sử dụng cũng không kém phần kỳ công.

Để chúng tôi tận mắt mục sở thị, bà lấy một thân cây tăng-e đã róc vỏ, rồi đem đốt trong bếp than hồng.

Sau đó, bà chà thân cây liên hồi lên tấm sắt mỏng. Đoạn nhựa cây bắt đầu chảy ra thành dòng, bà dùng tay quệt chất nhựa đen bóng lên răng.

Có lẽ chỉ những người gắn bó với tục nhuộm răng đen hơn nửa cuộc đời như bà mới đánh răng điệu nghệ như thế.

Thấy tôi tròn xoe mắt nhìn, ông Hồ Văn Lời (chồng bà Pi Cừm) đang ngồi vót nan tre kế bên cười: “Ngày xưa bố bị cuốn hút cũng bởi nét đẹp lạ lùng ấy đó con.

Duyên lắm, say lắm. Bôi chất nhựa tăng-e hàng ngày sẽ có hàm răng đẹp, suốt đời không phai. Nhờ nó mà răng lợi chắc khỏe lắm”.

Nói xong, ông Lời lại tiếp tục công việc của mình, miệng thì ngâm nga: “Lấy chồng cho đáng tấm chồng/Bõ công trang điểm má hồng răng đen”, “Năm quan mua lấy miệng cười/Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen”.

Phong tục dần mai một

Là người hiếm hoi giữ được nét duyên dáng răng đen, bà Y Rừng (trú bản Pa Nho) bồi hồi nhớ lại, thuở chiến tranh loạn lạc, cán bộ dưới xuôi lên đều cũng lấy làm lạ vì hàm răng đen của sơn nữ trong bản.

Sau một thời gian sống và chiến đấu ở nơi đây, hiểu hơn về tục nhuộm răng đen, ai nấy cũng quý nét văn hóa này.

Cũng theo bà Rừng, sau ngày giải phóng, nhiều anh bộ đội còn xin cây tăng-e về làm kỷ niệm, thậm chí có người vì say nụ cười răng đen nên đã trở thành rể, con của bản làng.

Không chỉ riêng bà Y Dung, Giã Cần hay Pi Cừm… tập quán nhuộm răng đen đến giờ vẫn được lớp người già ở các bản làng chốn núi rừng miền Tây Quảng Trị trân trọng, lưu giữ. Họ là nhân chứng sống trong quan niệm về cái đẹp một thời của người Pa Cô, Vân Kiều.

Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian, cuộc sống thời hiện đại với sự hội nhập và giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế nên nhận thức và quan niệm của người đồng bào cũng đã có nhiều thay đổi.

Nhiều phong tục dần mai một và tục nhuộm răng đen cũng không ngoại lệ. Đối với không ít sơn nữ hiện đại, việc lăn lộn vào rừng tìm cây tăng-e rồi lục đục chuẩn bị “đồ nghề” đánh răng hàng ngày thực sự phức tạp.

“Ngày xưa, bộ răng đen óng như một niềm kiêu hãnh của các mẹ, nhưng giờ thì khác rồi, lớp trẻ chẳng ai thích nhuộm răng hết”, bà Pi Cừm cố nén tiếng thở dài.

Nói rồi bà chỉ tay về ống kem đánh răng treo nơi bậu cửa: “Mấy đứa cháu của mẹ chỉ dùng cái xanh xanh đỏ đỏ này, chúng nó hầu như e ngại về việc nhuộm răng đen vì sợ bạn bè ở trường trêu chọc và mất thời gian nữa.

Quan niệm cái đẹp khác rồi nên mẹ cũng phải tôn trọng. Nhiều bản làng ở đây, số lượng người nhuộm răng đen giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay nữa thôi”.

Có lẽ đối với các thế hệ ngày nay, hình ảnh những người bà, người mẹ và cả những cô thiếu nữ với hàm răng óng ả hạt huyền rồi sẽ chỉ còn là một hình ảnh đẹp trong quá khứ xa xôi, khi những “nhân chứng” răng đen không còn nữa...

Không phải ngẫu nhiên phụ nữ miền sơn cước sớm gắn bó với tập tục này. Nhờ thứ “thuốc nhuộm” tự nhiên đến từ rừng xanh núi đỏ mà các bà, các mẹ đều có hàm răng chắc khỏe, không bị sâu, ít rụng.

Đặc biệt, bản thân “nụ cười đen nhánh” có sức hút đến lạ lùng, nhiều trai bản cũng bị nụ cười ấn tượng đó làm mê mẩn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.