Thời sự Quốc tế

Tín hiệu tốt đầu tiên sau cuộc họp giữa ông Tập và ông Biden

Ngay sau hội đàm cấp cao giữa lãnh đạo Mỹ - Trung, Nhà Trắng thông báo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc.

Nhấn mạnh việc tăng cường trao đổi, liên lạc để quản lý quan hệ hai nước

Theo thông báo của Nhà Trắng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc nhưng chưa nêu cụ thể thời gian diễn ra sự kiện.

Đây là kết quả bước đầu từ cuộc hội đàm kéo dài 3,5 giờ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Bali.

Trong cuộc họp, ông Biden cũng xác nhận Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken sẽ tới Bắc Kinh để tiếp tục bàn luận, duy trì các kênh liên lạc giữa hai nước. Bên cạnh đó, ông Biden khẳng định, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ tăng cường kết nối với các đối tác từ Trung Quốc.

Theo thông báo của Trung Quốc về cuộc họp, hai bên đã đồng ý tăng cường đối thoại về các vấn đề như biến đổi khí hậu, chính sách kinh tế vĩ mô, thương mại và an ninh lương thực.

img

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay, cười niềm nở trước thềm hội đàm. Ảnh - AP

Đánh giá cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Mỹ - Trung lần này, Nhà Trắng cho rằng cuộc gặp diễn ra rất thiết thực và có nhắc đến một loạt các chủ đề gai góc.

Trong vấn đề Đài Loan - điểm chính trong chương trình nghị sự của hội đàm, chia sẻ với báo giới quốc tế sau cuộc họp, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định quan điểm của Mỹ về Đài Loan không thay đổi và khẳng định không tin Trung Quốc sắp có động thái nào về quân sự với Đài Loan.

Chia sẻ quan điểm của Mỹ, ông Biden khẳng định Washington phản đối mọi sự thay đổi đơn phương từ bất cứ bên nào đối với hiện trạng của Eo biển và phản đối những hành động ngày càng gây hấn của Bắc Kinh đối với Đài Loan.

Với vấn đề thương mại, ông Biden cho biết: “Tôi đã làm rõ - chúng tôi mong muốn chứng kiến các vấn đề thương mại được giải quyết một cách hòa bình. Tôi thấy Chủ tịch Tập đã hiểu chính xác những gì tôi đang nói; bản thân tôi cũng hiểu lời của lãnh đạo Trung Quốc”.

“Chúng tôi đồng ý sẽ thiết lập một bộ tình huống trong đó có các vấn đề mà chúng tôi phải giải quyết chi tiết; đồng ý sẽ cử các thành viên nội các thích hợp cùng các thành viên khác gặp gỡ và ngồi lại để thảo luận chi tiết về mọi vấn đề mà chúng tôi đưa ra”, cũng theo ông Biden.

Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, Đài Loan là "lằn ranh đỏ" đầu tiên không được phép vượt qua trong quan hệ Mỹ - Trung.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau cuộc hội đàm, ông Tập đã nói với ông Biden rằng thế giới "đủ lớn" để hai nước cùng phát triển thịnh vượng và họ có nhiều lợi ích chung. Ông nhấn mạnh Bắc Kinh không tìm cách thách thức Mỹ hoặc "thay đổi trật tự quốc tế hiện có" và kêu gọi hai bên tôn trọng lẫn nhau.

Ông Tập Cận Bình bày tỏ phản đối chính trị hóa và vũ khí hóa quan hệ kinh tế. Chủ tịch Trung Quốc cho rằng quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington nên được định hình bởi đối thoại và hợp tác đôi bên cùng có lợi, thay vì đối đầu và cạnh tranh một mất một còn.

Vấn đề Nga – Ukraine và Triều Tiên

Về vấn đề Nga – Ukraine, theo thông báo từ Nhà Trắng, "hai lãnh đạo nhấn mạnh việc phản đối sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine”.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập đã nói với ông Biden rằng Bắc Kinh "quan ngại sâu sắc" về cuộc xung đột. "Trung Quốc đứng về phía hòa bình và sẽ tiếp tục khuyến khích các cuộc đàm phán hòa bình. Chúng tôi ủng hộ và mong muốn các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine được nối lại", Chủ tịch Trung Quốc nói.

Tổng thống Biden cũng đề cập đến những lo ngại xung quanh các động thái của Triều Tiên gần đây, cho rằng "tất cả thành viên cộng đồng quốc tế nên khuyến khích Bình Nhưỡng hành động có trách nhiệm".

Nhận định về cuộc hội đàm, tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn lời ông Wang Yiwei – một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin Trung Quốc cho rằng, cuộc hội đàm lần này rất sâu sắc.

Theo ông, Mỹ vừa tìm cách để xác định chương trình nghị sự trong quan hệ Mỹ - Trung nhưng cũng cần Trung Quốc gây áp lực đối với Nga và Triều Tiên. “Có nghĩa là, sau các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ cần nỗ lực lớn hơn để đạt được một điều gì đó về mặt ngoại giao. Do đó, ông đẩy mạnh tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề toàn cầu, bao gồm biến đổi khí hậu” – ông Wang nhận định.

Còn theo chuyên gia Shi Yinhong – Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, cả hai nước đều đang nỗ lực làm rõ các lằn ranh đỏ của mình và tìm khoảng trống mà hai bên có thể phối hợp với nhau.

Song theo ông Shi, rất khó để hai nước có thể tạo được bước ngoặt nhất là trong vấn đề Đài Loan.

“Khả năng là sẽ không có bất cứ sự thay đổi đáng kể nào dù ông Biden tăng cường nỗ lực tại Bali. Có thể sẽ có một số kết quả như khôi phục liên lạc giữa quân đội 2 nước và cả hai bên đều coi ngăn chặn xung đột là ưu tiên hàng đầu” – ông Shi nhấn mạnh.

Sự kiện hội đàm lần này là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên cương vị tổng thống, thu hút sự chú ý của báo giới trong bối cảnh quan hệ hai nước vẫn lao dốc xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Căng thẳng hai nước gia tăng sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hồi tháng 8. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.