Bất động sản

Tin quảng cáo, người mua nhà ôm nợ

16/09/2020, 06:45

Nhiều khách hàng mua nhà theo lời quảng cáo, không tìm hiểu về cơ sở pháp lý dự án nên rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”…

img
Sau 10 năm, mặt bằng Dự án Khu nhà ở Binh đoàn 12 vẫn là một khu đất trống

Từ khách hàng biến thành con nợ tiền tỷ

Hơn 1 năm nay, bà Nguyễn Hồng Hạnh (Hà Nội) - khách hàng mua nhà tại Dự án Khu trung tâm thể thao, trường học, các công trình công cộng và Khu đô thị (KĐT) ở phường Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh (tên thương mại là Dự án KĐT Vườn Sen) vẫn chưa có buổi làm việc chính thức về việc thoả thuận hoàn trả 12 tỷ đồng tiền cọc.

Trong đơn tố cáo gửi đến Báo Giao thông, bà Hạnh cho biết, do tin nhân viên tư vấn giới thiệu Dự án KĐT Vườn Sen do Cen Land (đơn vị thành viên của Cen Group) và Dabaco - một DN uy tín tại tỉnh Bắc Ninh làm chủ đầu tư nên ngày 22/5/2019 đã quyết định đặt cọc 8 lô nhà phố (shophouse), mỗi lô đặt cọc 100 triệu đồng, ký thỏa thuận trực tiếp với Cen Group. Sau đó, bà Hạnh đóng tiếp 2 đợt với tổng là 30% giá trị đất, tương đương gần 12 tỷ đồng.

Khi tới đợt 3 đóng tiếp 70% giá trị còn lại của hợp đồng, bà Hạnh đến trụ sở làm việc của Cen Land mới vỡ lẽ: Cen Land và Dabaco không phải là chủ đầu tư mà chỉ là sàn giao dịch, môi giới và làm hình ảnh.

Trước sự mập mờ về chủ đầu tư dự án, bà Hạnh đã yêu cầu làm rõ về pháp lý và hoàn trả lại số tiền đã đóng, nhưng từ tháng 9/2019 đến nay vẫn chưa được giải quyết theo yêu cầu. “Tiền bị găm tại dự án, bán cũng không được, trong khi tôi vẫn phải đi vay tiền trả lãi hàng tháng”, bà Hạnh nói.

Để có thêm thông tin về vụ việc, PV đã liên hệ qua điện thoại với đại diện truyền thông của Cen Land và được xác nhận, bộ phận pháp chế đã tiếp nhận vụ việc nhưng hai bên chưa giải quyết xong. Những câu hỏi của Báo Giao thông gửi tới Cen Land về việc “nhận vơ” là chủ đầu tư dự án vẫn chưa được phúc đáp cụ thể.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Bích, Phó tổng giám đốc Công ty Nam Hồng xác nhận, Nam Hồng vẫn chủ đầu tư của Dự án KĐT Vườn Sen, không chuyển quyền chủ đầu tư cho Cen Group hoặc Dabaco. Thế nhưng, trên rất nhiều các trang mạng, dự án trên lại được quảng cáo do Cen Group và Dabaco làm chủ đầu tư khiến nhiều khách hàng “dở khóc, dở cười”.

Tình trạng tương tự xảy ra tại dự án Khu nhà ở để bán cho cán bộ, chiến sỹ Binh đoàn 12 (dự án Khu nhà ở Binh đoàn 12) tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội, do liên danh Công ty Bất động sản (BĐS) Thuận Thành và TCT Xây dựng Trường Sơn làm chủ đầu tư.

Cuối tháng 8 vừa qua, hàng chục người đã tới trụ sở của Trường Sơn, căng băng rôn đòi quyền lợi. Những người này cho biết, năm 2010, Công ty BĐS Thuận Thành và TCT Xây dựng Trường Sơn ký hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh dự án. Đáng nói, ngay sau khi ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư, Công ty BĐS Thuận Thành đã ký hợp đồng vay vốn đầu tư và hứa hẹn bàn giao dự án vào tháng 11/2013.

Tin tưởng vào danh nghĩa liên danh doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, người mua nhà đã đóng tiền bằng 20% giá trị căn hộ (khoảng 200 triệu đồng/hộ). Nhưng đến nay, sau 10 năm, mặt bằng dự án vẫn là một khu đất trống. “Tiền vay mượn, tích lũy hưu trí tôi đã dồn hết cho dự án này nhưng đến nay tiền không còn mà nhà cũng chẳng thấy đâu”, một khách hàng nói.

Cần quản lý chặt quảng cáo trên mạng xã hội

img
Dự án Vườn Sen, Đồng Kỵ, Bắc Ninh

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp gặp rủi ro khi mua nhà theo lời quảng cáo. Trước đó, Báo Giao thông cũng đã phản ánh tình trạng tương tự xảy ra tại hàng loạt dự án như: Dự án An Bình Tower, Canary Thái Nguyên, Vườn Vạn Tuế Hưng Yên...

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hoà cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản đã cấm huy động, chiếm dụng vốn khi chưa đủ điều kiện theo quy định. Pháp luật cũng không cho phép chủ đầu tư ký thỏa thuận đặt tiền để giữ chỗ mua bất động sản… Ngoài ra, Luật Quảng cáo 2012 cũng quy định: Người quảng cáo chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo của mình trong trường hợp trực tiếp thực hiện quảng cáo trên các phương tiện; Liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện.

“Theo Điều 11, Luật Quảng cáo 2012, cá nhân hay tổ chức có hành vi vi phạm quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt VPHC; Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”, luật sư Hoàng Tùng nói và cho rằng, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với các website quảng cáo trên các trang mạng xã hội.

Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Hải Lăng, Đoàn Luật sư Hà Nội, các hành vi quảng cáo không đúng sự thật có thể xem xét, áp dụng theo Điều 198, Bộ luật Hình sự 2015 về hành vi lừa dối khách hàng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM nhận định, trong trường hợp phát hiện công ty môi giới thay tên dự án, thay pháp nhân công ty để lừa bán nhiều dự án ở các tỉnh, khách hàng muốn khiếu nại, khiếu kiện cũng rất khó khăn. “Người mua phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ pháp lý. Bởi một khi người bán đã cố tình gài bẫy thì người mua rất khó nhận ra các chiêu trò nếu không đủ kiến thức, kinh nghiệm”, ông Châu nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.