Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:
Chuyên gia Viện Virus học Vũ Hán công bố nguồn gốc của virus Corona
Nhà virus học hàng đầu Trung Quốc, Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli), vừa công bố nghiên cứu mới nhất về nguồn gốc của virus corona.
Trong một bài viết đăng tải trên trang web Biorxiv.org, người đứng đầu Khoa Bệnh truyền nhiễm của Viện Virus học Vũ Hán, bà Thạch Chính Lệ, cho biết loài dơi móng ngựa tại Trung Quốc là vật chủ tự nhiên của các virus Corona liên quan tới SARS (SARSr-CoV).
Được công bố hôm 15/5, nghiên cứu nhận định dơi móng ngựa, nhất là protein hình gai của chúng, chứa nhiều chủng virus corona có đột biến gene khác nhau. Tài liệu cũng đưa ra bằng chứng cho thấy các chủng virus liên tục tiến hoá để phát tán mầm bệnh, báo SCMP đưa tin.
“Protein hình gai nhiễm SARS-CoV có mức gắn kết hợp chất cao với phân tử ACE2 ở người”, báo cáo này nêu rõ. Trong đó, phân tử ACE2 là một loại protein tạo điều kiện cho virus Corona “bám” vào tế bào của người.
Trước đó, một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm từng cho rằng virus corona gây ra dịch Covid-19 có kết nối gene chặt chẽ với virus corona ở loài dơi móng ngựa tại vùng Đông Nam của Trung Quốc.
Trước đó, bà Thạch Chính Lệ cũng có nhiều nghiên cứu gây tranh cãi về nguồn gốc của virus Corona.
Xe khách đâm xe khách đậu ven đường, 25 lao động Ấn Độ thiệt mạng
Một vụ tai nạn giao thông thảm khốc đã xảy ra tại miền bắc Ấn Độ làm ít nhất 25 lao động nhập cư thiệt mạng và 35 người bị thương.
Reuters đưa tin một chiếc xe khách chở khoảng 50 người đã đâm vào một xe khách khác ở vùng Auraiya (bang Uttar Pradesh, Ấn Độ) sáng 16/5.
Theo quan chức cảnh sát địa phương Abishek Singh, vụ tai nạn xảy ra khi chiếc xe khách chở khoảng 50 người trên lao vào một chiếc xe khách cũng chở lao động nhập cư vừa đậu trước một quán ăn ven đường.
Những người tử nạn toàn là đàn ông, còn phụ nữ và trẻ em nằm trong số những người bị thương, hãng tin AFP dẫn lời ông Singh cho hay.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tài xế xe khách chở khoảng 50 người ngủ gật, khiến xe bị mất lái đâm vào chiếc xe khách đậu ven đường.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi viết trên Twitter rằng vụ tai nạn là “cực kỳ bi thảm”, đồng thời cho biết công tác cứu hộ cứu nạn diễn ra khẩn trương tại hiện trường.
Vụ 39 thi thể người Việt ở Anh diễn biến ra sao?
Bị cáo người Ireland liên quan đến vụ 39 thi thể người Việt Nam trong một xe tải lạnh ở Essex (Anh) hồi năm ngoái bị cáo buộc cầm đầu một đường dây tội phạm có tổ chức. Đây là diễn biến mới nhất trong phiên tòa ngày 15/5 tại Ireland.
Tại tòa án hình sự Dublin, luật sư Bộ Tư pháp Ireland Ronan Kennedy khẳng định bị cáo Ronan Hughes bị cáo buộc đã tổ chức, trả phí và quản lý các lái xe tham gia hoạt động buôn người trong giai đoạn từ 1/5/2018 đến 2/10/2019.
Chính vì thế, luật sư Kennedy bác lập luận của phía luật sư bên bị cáo cho rằng nhiều cáo buộc đối với bị cáo Hughes xảy ra bên ngoài lãnh thổ nước Anh - bác bỏ yêu cầu dẫn độ "phi lý", ông khẳng định tòa án Ireland không nên can dự vào cuộc tranh cãi về việc liệu các nước khác có thẩm quyền để xét xử những tội danh này hay không.
Hồi tháng 4, bị cáo Hughes, 40 tuổi, đã bị cảnh sát Ireland bắt giữ theo một lệnh truy nã toàn châu Âu, với 39 cáo buộc tội danh ngộ sát và 1 cáo buộc tội danh âm mưu hỗ trợ hoạt động di trú bất hợp pháp. Hiện bị cáo Hughes đang đối mặt với yêu cầu dẫn độ sang Anh để xét xử liên quan đến vụ 39 thi thể người Việt Nam được phát hiện trong một xe lạnh ở Essex hôm 23/10/2019.
Dự kiến phiên tòa tại Dublin sẽ được nối lại vào ngày 12/6.
Tổng thống Trump cách chức Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao Mỹ
AFP ngày 16/5 đưa tin Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận thông tin Tổng thống Trump đã cách chức Tổng thanh tra Steve Linick của Bộ Ngoại giao, song không tiết lộ lý do.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel cho biết ông có thông tin rằng ông Linick đã mở cuộc điều tra nhằm vào Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
“Việc ông Linick bị cách chức khi đang mở một cuộc điều tra như vậy cho thấy rằng đây là một hành động trả đũa bất hợp pháp”, ông Engel tuyên bố.
Đài CNN dẫn lời một trợ lý trong Đảng Dân chủ cho hay ông Linick đang điều tra các khiếu nại rằng Ngoại trưởng Pompeo lạm quyền khi yêu cầu một nhân sự tại Bộ Ngoại giao thực hiện các công việc cá nhân của ông Pompeo và vợ ông.
Ông Linick, một công tố viên kinh nghiệm, được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm vào chức tổng thanh tra năm 2013 nhằm giám sát mọi hoạt động của Bộ Ngoại giao.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tổng thanh tra mới sẽ là Stephen Akard, cựu cố vấn của Phó tổng thống Mike Pence.
Mỹ sẽ khôi phục một phần tài trợ cho WHO, bằng mức Trung Quốc đóng góp
Báo Fox News ngày 15/5 dẫn nguồn tin từ bản thảo một lá thư dự kiến gửi cho Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay, chính quyền ông Trump dường như sẽ viện trợ trở lại một phần ngân sách cho tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc.
Theo đó, Mỹ được cho sẽ “đồng ý cấp ngân sách tương đương với những gì mà Trung Quốc đóng góp”.
Fox News cho biết một nguồn tin trong chính quyền Mỹ xác nhận ông Trump dường như đã “đồng ý với kế hoạch được vạch ra trong bản thảo lá thư” nhưng chưa ký.
Tổng thống Trump tạm dừng tài trợ cho WHO vào ngày 14/4, cáo buộc tổ chức này hỗ trợ cho chiến dịch “cung cấp thông tin sai lệch” của Trung Quốc về đại dịch Covid-19. Ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ mở cuộc điều tra WHO. Các quan chức WHO bác bỏ cáo buộc trong khi Trung Quốc khẳng định họ minh bạch và cởi mở.
Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Nếu Mỹ tài trợ ngang với mức đóng góp của Trung Quốc, thì theo Fox News, nguồn ngân sách mới sẽ bằng 1/10 so với ngân sách mà Mỹ từng viện trợ cho WHO. Trước đó, Mỹ chi trung bình 400 triệu USD một năm cho WHO.
“Nếu Trung Quốc tăng đóng góp cho WHO, chúng tôi sẽ cân nhắc tăng thêm ngân sách”, bản thảo lá thư viết.
WHO điều tra hội chứng lạ ở trẻ em có thể liên quan Covid-19
Tổ chức Y tế Thế giới ngày 15/5 cho biết đang điều tra mối liên quan giữa Covid-19 và một căn bệnh tương tự như bệnh viêm máu cấp tính Kawasaki ở trẻ em tại châu Âu và Mỹ.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom cũng kêu gọi các nhà khoa học trên thế giới tham gia nghiên cứu về hội chứng viêm lạ này.
Theo ghi nhận, đã có hàng trăm trẻ em mắc phải hội chứng viêm lạ này và đã có một số em tử vong.
Ca tử vong mới nhất được ghi nhận tại Pháp. Ông Fabrice Michel - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Timone ở thành phố Marseille, cho biết bệnh nhi tử vong do chấn thương thần kinh sau khi tim ngừng đập sau 7 ngày điều trị do có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Triệu chứng của bệnh nhi là sốt cao kéo dài, mẩn đỏ, đau bụng dữ dội, tim đập nhanh và lưỡi chuyển màu đỏ.
Trước đó, ngày 10/5, thống đốc bang New York (Mỹ) Andrew Cuomo thông báo về cái chết của 3 trẻ em ở bang này liên quan đến hội chứng viêm lạ này và bệnh Covid-19, một diễn biến ông gọi là "rất đáng lo ngại".
Tại Anh cũng ghi nhận trẻ em tử vong do hội chứng tương tự.
Các nước đều cho biết đang điều tra, trong đó Mỹ đang tìm hiểu có phải do gen hay không.
Một tháng, hai bộ trưởng Y tế Brazil từ chức vì bất đồng với tổng thống
Bộ trưởng Y tế Brazil Nelson Teich ngày 15/5 từ chức vì không cùng quan điểm với Tổng thống Jair Bolsonaro về cách chống dịch Covid-19.
Ông Nelson Teich đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Y tế Brazil chưa đầy một tháng đã phải ra đi. Trước đó, người tiền nhiệm của ông là ông Luiz Henrique Mandetta từ chức hôm 16/4 sau khi mâu thuẫn với Tổng thống Bolsonaro về cách chống dịch Covid-19.
Theo AFP, Tổng thống Bolsonaro không đồng tình với quy định bắt người dân phải ở nhà mà ông Mandetta khuyến cáo vì cho rằng những ảnh hưởng kinh tế còn nặng nề hơn nhiều lần.
Trong khi đó, ông Teich và Tổng thống Bolsonaro được cho là bất đồng về việc sử dụng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine để điều trị bệnh nhân Covid-19. Tổng thống Bolsonaro ca ngợi loại thuốc này là phương pháp điều trị hứa hẹn dù nhiều nghiên cứu đặt nghi vấn về mức độ hiệu quả cũng như cảnh báo về tác dụng phụ của thuốc.
Cả hai còn mâu thuẫn về việc tái mở cửa nền kinh tế. Theo Reuters, ông Teich hồi tuần trước nói Tổng thống Bolsonaro ban hành sắc lệnh cho phép mở cửa các phòng tập gym, tiệm làm đẹp, hớt tóc nhưng không tham vấn ý kiến của ông.
Máy bay tàng hình F-22 của Mỹ rơi tại Florida
Tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ rơi trong chuyến bay huấn luyện thường kỳ tại Florida vào ngày 15/5. Phi công thoát hiểm thành công và đang được theo dõi sức khỏe.
Theo thông báo của không quân Mỹ, phi công kịp thời phóng ghế thoát hiểm khỏi máy bay một cách an toàn.
Sau sự cố, phi công được chuyển đến bệnh viện trong căn cứ không quân Eglin "để giám sát và đánh giá". Thông cáo của không quân Mỹ cho biết hiện người phi công "đang trong tình trạng ổn định".
Vụ rơi máy bay diễn ra trên thao trường cách căn cứ không quân Eglin khoảng 19 km về phía bắc. Không quân Mỹ xác nhận không có thiệt hại về nhân mạng hay tài sản thường dân liên quan đến vụ tai nạn.
Vụ việc đang được tiến hành điều tra. F-22 được đánh giá là một trong những dòng tiêm kích hiện đại nhất trên thế giới. Mỹ hiện có khoảng 183 chiếc trong biên chế.
Mỗi chiếc F-22 trị giá khoảng 143 triệu USD. Mẫu này đã ngưng sản xuất từ năm 2011 vì Lầu Năm Góc tập trung cho F-35, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ V.
Với số lượng hạn chế của F-22 trong biên chế, vụ tai nạn vừa qua là một thiệt hại đáng kể đối với không quân Mỹ, theo CNN.
Slovenia trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên tuyên bố hết dịch Covid-19
Thủ tướng Slovenia Janez Jansa ngày 15/5 tuyên bố, nước này chính thức hết dịch Covid-19.
Điều này đồng nghĩa Slovenia là quốc gia châu Âu đầu tiên công bố dịch bệnh đã được đẩy lùi đồng thời mở cửa trở lại biên giới giáp các quốc gia Italy, Áo, Croatia và Hungary.
Thủ tướng Janez Jansa nhấn mạnh, qua những số liệu thống kê, Slovenia cho thấy là một quốc gia có tình hình dịch bệnh tốt nhất ở châu Âu và thời điểm này không cần phải tiếp tục sử dụng các biện pháp “đặc biệt” để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Slovenia được ghi nhận vào ngày 4/3 là một người trở về từ Italy. Tiếp đó tới ngày 12/3, nước này đã tuyên bố dịch Covid-19 bùng phát trên toàn quốc. Theo thống kê, cho tới nay, nước này đã có 1.465 trường hợp mắc Covid-19 bao gồm 103 ca tử vong.
Chính phủ cũng mở cửa trở lại biên giới cho cư dân EU có thể tự do đi lại từ các quốc gia láng giềng như Áo, Italy và Hungary nhưng phải qua các trạm kiểm soát được thiết lập từ trước, đối với công dân ngoài EU có mong muốn nhập cảnh sẽ phải cách ly bắt buộc 14 ngày.
Mặc dù chính phủ nước này tuyên bố hết dịch Covid-19 nhưng một số các biện pháp vẫn được duy trì như đeo khẩu trang bắt buộc, cấm tụ tập đông người tại nơi công cộng, đảm bảo các quy tắc về giãn cách xã hội…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận