Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:
Nhà nghiên cứu nCoV bị bắn chết ở Mỹ do tình tay ba
Cảnh sát nhận định tiến sĩ gốc Hoa Bing Liu bị bắn chết ở Pennsylvania do mâu thuẫn tình ái, không liên quan đến công trình nghiên cứu về nCoV.
Cảnh sát thị trấn Ross, hạt Allegheny, bang Pennsylvania, ngày 6/5 cho biết Bing Liu, nhà nghiên cứu 37 tuổi của Đại học Pittsburgh, người bị bắn chết trong vụ nổ súng hôm 2/5, đã có mâu thuẫn tình ái tay ba từ lâu với nghi phạm. Cảnh sát không cung cấp thêm thông tin chi tiết về mối quan hệ này.
Liu, người gốc Trung Quốc, bị Hao Gu, 46 tuổi, bắn nhiều phát tại nhà riêng ở thị trấn Ross. Gu sau đó quay lại ôtô và nổ súng tự sát. Ban đầu có những đồn đoán cho rằng vụ giết người liên quan tới công trình nghiên cứu về nCoV của Liu, nhưng cảnh sát bác bỏ giả thuyết này.
"Chúng tôi không phát hiện bằng chứng nào cho thấy sự việc liên quan đến bất kỳ công trình nghiên cứu nào đang được thực hiện ở Đại học Pittsburgh và cuộc khủng hoảng y tế đang ảnh hưởng đến nước Mỹ cũng như thế giới", thám tử Brian Kolhepp nói.
Theo các đồng nghiệp, Liu sắp có những phát hiện rất quan trọng về nCoV, virus gây ra đại dịch khiến hơn 3,8 triệu người nhiễm, hơn 260.000 người chết trên toàn cầu. Liu đã gần xác định được cơ chế tế bào gây ra sự lây nhiễm của nCoV và cơ sở tế bào của các biến chứng sau đó.
Nhân sự thân cận của Trump nhiễm nCoV
Một lính hải quân Mỹ phục vụ Tổng thống tại Nhà Trắng được xác nhận dương tính nCoV, làm tăng lo ngại về khả năng Trump bị phơi nhiễm virus.
"Gần đây chúng tôi được đơn vị y tế Nhà Trắng thông báo rằng một thành viên quân đội Mỹ làm việc trong Nhà Trắng đã bị nhiễm nCoV", thư ký báo chí Nhà Trắng Hogan Gidley hôm nay cho biết.
Người lính bị nhiễm nCoV này là thành viên đội cần vụ Nhà Trắng. Đây là đơn vị tinh nhuệ của hải quân Mỹ chuyên phục vụ tại Nhà Trắng và thường xuyên làm các công việc gần gũi với Tổng thống Donald Trump cũng như gia đình ông.
Lính cần vụ này có biểu hiện nhiễm nCoV vào sáng 6/5 và được xác nhận dương tính với virus sau đó. Một nguồn tin cho biết Trump rất buồn khi được thông báo điều này và ông đã được bác sĩ Nhà Trắng xét nghiệm ngay sau đó.
"Tổng thống và Phó tổng thống đều đã xét nghiệm và cho kết quả âm tính với virus. Sức khỏe của hai người hiện vẫn tốt", Gidley cho biết thêm.
Trump, Phó Tổng thống Mike Pence và các nhân viên cấp cao được xét nghiệm nCoV hàng tuần. Nhà Trắng đang tiếp tục sử dụng bộ xét nghiệm nhanh Abbott Labs, cung cấp kết quả nCoV trong khoảng 15 phút.
Trung Quốc tranh cãi vì học sinh đột tử lúc chạy đeo khẩu trang
Hai nam sinh 14 tuổi đều đột tử khi đang thực hiện bài kiểm tra giáo dục thể chất. Ông Lý, bố của học sinh trường Caiyuan ở huyện Đan Thành, tỉnh Hà Nam, cho biết camera an ninh đã ghi lại hình ảnh con trai ngã gục trên đường chạy điền kinh hôm 24/4.
"Chuyện xảy ra chỉ trong 2-3 phút trong giờ thể dục. Thằng bé vừa chạy vừa đeo khẩu trang, sau đó bất ngờ ngã ngửa, đập đầu xuống đất. Giáo viên và bạn cùng lớp cố dựng cháu dậy", ông nói, cho biết con trai đeo khẩu trang y tế thông thường, không phải khẩu trang N95 và nghi ngờ con đột tử do thiếu oxy khi đeo khẩu trang chạy bộ.
Bệnh viện địa phương đã cấp giấy chứng tử cho cậu bé, ghi nguyên nhân tử vong là "suy tim". Gia đình từ chối khám nghiệm tử thi.
Cậu bé mới đi học lại 4 ngày, sau khi trường đóng cửa vì Covid-19 từ cuối tháng 1. Ông Lý, 45 tuổi và vợ, 38 tuổi, chôn cất con trai hôm 30/4, cùng ngày với một ca tử vong khác của nam học sinh ở trường thực nghiệm Xiangjun Tương lai, thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam.
Học sinh này cũng ngã gục khi vừa đeo khẩu trang vừa tham gia bài thi chạy 1.000 mét. Hiện chưa rõ gia đình cậu bé có khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân tử vong không.
Cái chết của hai học sinh trên làm dấy lên lo ngại về việc đeo khẩu trang ảnh hưởng tới hô hấp khi tập thể dục. Các trường ở những thành phố cảng lớn là Thiên Tân và Thượng Hải đã hủy thi cuối kỳ môn giáo dục thể chất.
Mỹ báo động hiện tượng người trẻ tổ chức "tiệc Covid-19"
Giới chức y tế Mỹ đang cảnh báo công chúng về một xu hướng nguy hiểm mới khi một số người cố tình bị nhiễm virus SARS-CoV-2 để hi vọng có thể đạt được “miễn dịch” với bệnh.
Một hạt ở bang Washington, Mỹ đã phát hiện một nguồn lây bệnh mới trong thời gian qua mang tên “các nhóm Covid-19”. Đây là những nhóm được tổ chức để mọi người tụ tập với một người mang mầm bệnh nhằm cố tình bị lây virus Corona mới (SARS-CoV-2). Những người này hy vọng nhiễm virus để có thể miễn dịch với bệnh trong tương lai, theo New York Times (NYT).
Meghan Debolt, Giám đốc Cơ quan Y tế cộng đồng Hạt Walla Walla, ngày 6/5 cho biết các nhà điều tra đã phát hiện ra 2 nhóm Covid-19 trong khu vực bà quản lý. Hai người tới tham dự các nhóm nói trên - với khoảng 20 thành viên - đã bị nhiễm virus.
Theo NYT, viễn cảnh những người cố tình bị mắc Covid-19 để tạo miễn dịch đã khiến các chuyên gia y tế lo ngại vì Mỹ từng có “lịch sử” về việc nhiều người chọn cách chủ động bị lây nhiễm bệnh.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) tuyên bố họ “phản đối mạnh mẽ việc tổ chức và tham gia các hoạt động trên”.
WHO muốn tiếp tục đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc Covid-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang trao đổi với Trung Quốc về việc gửi một phái đoàn tiếp theo tới nước này để điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19, một quan chức WHO nói hôm 6/5.
Các quan chức WHO trước đây cho biết, virus SARS-CoV-2 xuất hiện từ một chợ hải sản ở Vũ Hán, Trung Quốc và có khả năng bắt nguồn từ dơi sau đó lây sang người qua một "vật chủ trung gian".
Các nhà khoa học đang tiếp tục chạy đua để thử nghiệm trên các loài động vật khác nhau nhưng cho tới nay vẫn chưa tìm thấy vật chủ chịu trách nhiệm cho bùng phát dịch.
Trong diễn biến liên quan, ông Chen Xu - Đại sứ của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc ở Geneva cho biết hôm 6/5 rằng, ưu tiên của Trung Quốc trước hết là đánh bại đại dịch và chống lại chính trị hóa vấn đề Covid-19.
Khi được hỏi khi nào WHO có thể nhận được lời mời tới Trung Quốc điều tra về nguồn gốc động vật của virus SARS-CoV-2, theo AFP, ông Chen Xu trả lời: "Ưu tiên hàng đầu, trong thời điểm hiện tại, là tập trung vào cuộc chiến chống đại dịch cho đến khi chúng ta giành chiến thắng cuối cùng. Chúng tôi cần sự tập trung và phân bổ đúng nguồn lực của mình"
Tìm thấy thi thể người Việt bị nhiều vết cắt ở cổ và bụng tại Nhật
Với nhiều vết cắt ở vùng cổ và bụng của nạn nhân, cảnh sát thành phố Toyama xác định đây là một vụ giết người.
Nạn nhân được xác định là anh Nguyễn Văn Đức (21 tuổi), xuất khẩu lao động sang Nhật từ năm 2019. Anh Đức mất tích từ ngày 2/4 và sự việc này được cảnh sát địa phương ghi nhận vào ngày 7/4, theo NHK.
Vào 15h30 ngày 5/5, nhóm tìm kiếm người Việt phát hiện thi thể của một người đàn ông dưới cống thoát nước ở khu vực Akada, thành phố Toyama. Sau khi cảnh sát đến hiện trường, thi thể này được xác định là anh Nguyễn Văn Đức.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân tử vong do mất máu, đồng thời xác định thời điểm tử vong từ 1 tháng trước.
Theo cảnh sát địa phương, những vết thương trên vùng cổ và bụng do vật sắc nhọn gây ra. Cảnh sát đã xác nhận đây là một vụ giết người và đang triệu tập 80 người liên quan để lấy lời khai.
Theo NHK, nạn nhân chỉ mặc áo phông, không mặc quần dài và mang giày. Tại phòng trọ của nạn nhân, gần nơi phát hiện thi thể, cảnh sát phát hiện đồ đạc bị mất.
WHO nói tái dương tính không phải là tái nhiễm
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định các bệnh nhân đã khỏi bệnh Covid-19 nhưng xét nghiệm dương tính với virus Corona là do phổi đang đào thải các tế bào chết chứ không phải là tái nhiễm.
Tuyên bố đưa ra sau khi Hàn Quốc gần đây thông báo có 300 trường hợp dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2, làm tăng lo ngại những bệnh nhân đã hồi phục có thể tái nhiễm.
"Hiện tại, dựa trên các dữ liệu gần nhất, chúng ta biết rằng những bệnh nhân này dường như đang thải những gì còn lại trong phổi, như một phần của giai đoạn hồi phục", Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn của WHO cho biết.
Theo WHO, cần nghiên cứu thêm về các ca tái dương tính với Covid-19 để xác định liệu họ có thể lây nhiễm virus Corona chủng mới cho người khác hay không.
Covid-19 tấn công Mỹ tệ hơn vụ 11/9 và Trân Châu Cảng
“Đây là điều tồi tệ hơn trận Trân Châu Cảng. Điều này còn tồi tệ hơn Trung tâm Thương mại Thế giới. Và điều đó đáng lẽ không bao giờ xảy ra” - AFP dẫn lời Tổng thống Donald Trump phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng.
Năm 1941, cuộc tấn công bất ngờ của Nhật Bản vào căn cứ hải quân Trân Châu Cảng ở Hawaii đã lôi Mỹ vào Thế chiến 2.
Vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 giết chết khoảng 3.000 người, chủ yếu ở Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, kéo theo 2 thập kỷ chiến tranh của Mỹ và các hoạt động chống khủng bố ở Iraq, Afghanistan cùng các quốc gia khác.
Mỹ là nước có số ca nhiễm cũng như tử vong do Covid-19 đứng đầu thế giới. Theo số liệu của Worldometers, tính đến 6h30 sáng 7/5 theo giờ Việt Nam, Mỹ có 1.258.051 ca nhiễm - tăng 20.418 ca trong 24 giờ qua; 74.190 ca tử vong - tăng 1.919 ca trong 24 giờ.
Mới đây, một nghiên cứu nội bộ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ dự đoán rằng số ca nhiễm Covid-19 mới sẽ tăng gấp 8 lần lên 200.000 ca mỗi ngày vào ngày 1/6 và con số tử vong có thể lên 3.000 mỗi ngày, tăng từ 1.500 - 2.000 hiện tại.
Viễn cảnh đó khủng khiếp hơn nhiều so với dự báo của Tổng thống Donald Trump rằng Mỹ có khoảng 100.000 ca tử vong.
Lính đánh thuê kể âm mưu bắt cóc Tổng thống Venezuela đưa về Mỹ
Trong đoạn phim được phát trên Đài Truyền hình Quốc gia Venezuela VTV ngày 7/5, lính đánh thuê Luke Denman (34 tuổi), một trong 2 người Mỹ bị bắt giữ trong chiến dịch xâm nhập Venezuela bất thành hôm 3/5, kể kế hoạch của họ là bắt cóc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, áp giải lên máy bay để đưa đến Mỹ.
Denman giải thích rằng nhiệm vụ của anh ta là “gặp gỡ người Venezuela ở Colombia, huấn luyện họ và đi cùng họ đến Venezuela”.
Denman nói rằng anh ta đã bay tới Colombia vào ngày 16/1 sau khi được cựu lính đặc nhiệm Mỹ Jordan Goudreau, người thành lập Công ty An ninh Silvercorp USA trụ sở tại bang Florida liên lạc.
Denman cho biết thêm ban đầu anh ta không nhận được nhiều thông tin chi tiết về nhiệm vụ của mình và cho biết rằng anh ta sẽ được trả từ 50.000 - 100.000 USD.
Denman, cũng từng là lính đặc nhiệm Mỹ, cho hay có khoảng 60 - 70 người tham gia chiến dịch trên, chia thành nhiều nhóm và mỗi nhóm khoảng 20 người.
Truyền hình Venezuela còn phát sóng đoạn phim về Airan Berry (41 tuổi), cũng là cựu binh đặc nhiệm Mỹ, bị bắt cùng với Denman khi nhóm lính đánh thuê tìm cách xâm nhập vào Venezuela bằng đường biển hôm 3/5.
Ngày hôm sau, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo lực lượng an ninh đã tiêu diệt 8 “tên khủng bố”, bắt giữ 13 nghi phạm âm mưu cùng Mỹ trong chiến dịch xâm nhập Venezuela để lật đổ chính quyền.
Tổng thống Venezuela còn trưng ra hai hộ chiếu Mỹ của hai người bị bắt, trong đó ghi danh tính Berry và Denman. Ông Maduro cáo buộc hai người này là cựu binh đặc nhiệm và đang làm việc cho cựu binh Mỹ Goudreau.
Dịch lây nhanh ở châu Phi
Ngoại trừ Ai Cập và Nam Phi là hai nước có số ca mắc bệnh Covid-19 cao nhất châu Phi, nhiều quốc gia khác trong khu vực như Morocco, Algeria, Nigeria, Ghana, Cameroon, Senegal... cũng đang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đáng kể trong trong nhiều ngày qua.
Algeria ghi nhận thêm 159 ca mắc mới và 6 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên 4.997 người và 476 người tử vong. Trong khi đó tại Morocco, Bộ Y tế nước này cho biết đã có tổng cộng 5.408 ca mắc Covid-19 khiến 183 người tử vong, tăng thêm 189 ca bệnh và 2 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Theo số liệu thống kê cập nhật, các quốc gia châu Phi có tổng số ca cao nhất khu vực gồm có Nam Phi, Ai Cập, Morocco, Algeria, Nigeria, Ghana, Cameroon, Guinea…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận