Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay
Bản tin chiều 11-12 của Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận 16.141 ca mắc COVID-19 mới, đây là mức cao nhất kể từ tháng 10 trở lại đây.
Tính từ 16h ngày 10-12 đến 16h ngày 11-12, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.141 ca nhiễm mới, trong đó 37 ca nhập cảnh và 16.104 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.285 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố, có 9.478 ca trong cộng đồng.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP.HCM (1.441 ca), Bình Phước (1.164), Tây Ninh (903), Khánh Hòa (794), Bến Tre (756), Đồng Tháp (750), Cà Mau (722), Cần Thơ (689), Sóc Trăng (617), Vĩnh Long (576), Hà Nội (548), Tiền Giang (545), Bạc Liêu (505),
Bà Rịa - Vũng Tàu (498), Trà Vinh (456), Bình Dương (418), Kiên Giang (409), Đồng Nai (390), An Giang (368), Hậu Giang (347), Bình Thuận (317), Bình Định (286), Thừa Thiên Huế (240), Bắc Ninh (213), Hải Phòng (212), Lâm Đồng (198), Đà Nẵng (186), Gia Lai (177), Thanh Hóa (148),
Quảng Nam (139), Ninh Thuận (123), Hưng Yên (110), Nghệ An (92), Hà Giang (81), Đắk Nông (79), Long An (71), Quảng Ninh (69), Vĩnh Phúc (62), Phú Yên (45), Thái Bình (45), Thái Nguyên (40), Hải Dương (34), Quảng Ngãi (34), Quảng Bình (30), Phú Thọ (27),
Nam Định (25), Hòa Bình (18), Kon Tum (15), Hà Nam (14), Lào Cai (14), Sơn La (13), Cao Bằng (11), Yên Bái (10), Bắc Giang (10), Hà Tĩnh (7), Điện Biên (6), Tuyên Quang (4), Quảng Trị (2), Bắc Kạn (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (-277), Cà Mau (-100), Hà Nội (-89).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Phước (+585), TP.HCM (+215), Khánh Hòa (+207).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 14.789 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.398.413 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.393.034 ca, trong đó có 1.050.608 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (486.043), Bình Dương (286.877), Đồng Nai (91.880), Long An (39.165), Tây Ninh (37.776).
Số ca tử vong vẫn ở mức cao, nhưng đã có xu hướng giảm hơn
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.084 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.053.425 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.558 ca, trong đó: thở oxy qua mặt nạ: 5.059 ca; thở oxy dòng cao HFNC: 1.319 ca; thở máy không xâm lấn: 270 ca; thở máy xâm lấn: 893 ca; ECMO: 17 ca.
209 ca tử vong tại TP.HCM và 19 tỉnh, thành phố
Từ 17h30 ngày 10-12 đến 17h30 ngày 11-12 ghi nhận 209 ca tử vong. Tại TP.HCM (67) trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Bình Phước (1), Bình Dương (1), Đồng Nai (2), Đồng Tháp (1), Hậu Giang (1), Trà Vinh (1).
Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (17), An Giang (13), Bình Dương (13), Cần Thơ (13), Tây Ninh (12), Kiên Giang (11), Đồng Tháp (10), Tiền Giang (10), Long An (8), Sóc Trăng (7), Bình Thuận (7), Bến Tre (5), Cà Mau (4), Trà Vinh (4), Bình Định (2), Bến Tre (2), Khánh Hòa (2), Nghệ An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 221 ca. So với các ngày trước đây, hôm nay là ngày thứ 2 liên tiếp số ca tử vong có chiều hướng giảm hơn, dù vẫn đang giữ ở mức cao.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.611 ca, chiếm tỉ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Ngày 10-12 có 720.109 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 131.816.392 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 74.713.350 liều, tiêm mũi 2 là 57.103.042 liều.
Một quận và 13 phường ở Hà Nội thuộc "vùng cam"
Theo công bố đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống Covid-19 của TP Hà Nội, chiều 11/12, toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng), 21 quận, huyện cùng cấp độ 2.
8 quận, huyện, thị xã cấp độ 1 (nguy cơ thấp, màu xanh) gồm: quận Long Biên, các huyện Ba Vì, Ứng Hoà, Sóc Sơn, Thạch Thất, Phúc Thọ, Phú Xuyên và thị xã Sơn Tây. Trong số tám đơn vị đạt cấp độ 1, có đến 7 huyện thị vẫn duy trì cấp độ như trong lần đánh giá trước, riêng Long Biên từ cấp độ 2 tuần trước chuyển sang cấp độ 1.
Với trên 1.300 ca mắc mới trong hai tuần qua và tỷ lệ số ca mắc cộng đồng/100.000 dân là 177, quận Đống Đa được đánh giá ở cấp độ 3. Quận này cũng chiếm 7 trên tổng số 13 phường, xã cấp độ 3 (Khâm Thiên, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Phương Liên, Khương Thượng, Thổ Quan) ở Hà Nội.
6 phường, xã cấp độ 3 khác gồm: Phường Hàng Gai (Hoàn Kiếm); phường Đội Cấn (Ba Đình), phường Quảng An (Tây Hồ); Các xã Yên Viên, Yên Thường (Gia Lâm) và xã Vân Nội (Đông Anh);
Thành phố có 439 xã, phường, thị trấn cấp độ 1 (giảm 84 đơn vị so với tuần trước); 127 xã, phường cấp độ 2 (tăng 74 đơn vị so tuần trước); 13 phường cấp độ 3 (tăng 10 đơn vị so với tuần trước) và không có địa bàn nào cấp độ 4.
Trẻ em mắc Covid-19 ở TP.HCM nhập viện tăng cao
Sở Y tế TP.HCM cho biết, số ca mắc Covid-19 mới là trẻ em tăng cao trong những ngày gần đây, phần lớn nguyên nhân là trẻ bị lây từ người thân trong gia đình. Điều này cho thấy chủng Delta lây lan rất cao.
PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Dược kiêm Trưởng Đơn vị Điều trị Covid-19 - Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết những trẻ có triệu chứng nhẹ sẽ được hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà. Riêng với các trường hợp có triệu chứng nặng, mắc bệnh nền sẽ được nhập viện điều trị.
Hiện tại Đơn vị Điều trị Covid-19 Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) số trẻ nhập viện vì Covid-19 đang tăng cao.
Theo các bác sĩ, hiện là thời điểm chuyển mùa, thời tiết, độ ẩm không khí thay đổi khiến cơ thể không thích ứng kịp, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp, phát triển. Đây là một trong những lý do khiến số trẻ mắc Covid-19 nhập viện tại các BV chuyên khoa nhi tăng.
BV Nhi Đồng 1 TP.HCM đang điều trị gần 60 trẻ F0 và 60 phụ huynh (vừa là F0, F1), đa số trẻ nhập viện có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, mắc bệnh tim bẩm sinh, suy thận… Trong đó có 14% trẻ chuyển nặng. Số trẻ nhập viện tăng khoảng 30%-50% so với hồi giữa tháng 10.
BS Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Covid-19 BV Nhi Đồng 2 TP.HCM, cho hay tại đây đang điều trị gần 200 bệnh nhân, trong đó có 160 là F0, còn lại là F1 (F1 là người lớn cha hoặc mẹ chăm sóc trẻ em F0). Trong 160 F0 có 100 trẻ em và 60 người lớn; trong 100 trẻ thì 40 trẻ có bệnh nền như gan, thận, não, tim... Trong 40 trẻ có bệnh nền có 17 trường hợp nặng nằm ở khoa cấp cứu.
Tương tự, tại BV Nhi Đồng Thành Phố (TP.HCM), BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV, cho biết trung bình mỗi ngày đơn vị tầm soát, phát hiện khoảng 5-15 trẻ mắc Covid-19, hầu hết được cho điều trị tại nhà vì triệu chứng nhẹ. Hiện Đơn vị Điều trị Covid-19 đang điều trị khoảng 100 trẻ, nhóm trở nặng vẫn là có bệnh nền, sinh non nhẹ cân, chậm phát triển.
BS Nguyễn Minh Tiến cho biết vừa qua tại BV đã cứu sống một bệnh nhi mắc Covid-19 bị béo phì (cân nặng 110 kg), sau hơn 1 tháng nỗ lực cứu chữa. Hiện bệnh nhi này đã được ngưng lọc máu, cai máy ECMO. Đây là một trong số ít bệnh nhi bị "bão Cytokine" tấn công, phổi tổn thương rất nặng.
Chính phủ yêu cầu phát ngay thuốc kháng virus cho người mắc Covid-19
Cùng với chỉ đạo tiếp tục thí điểm điều trị ca bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà, Chính phủ yêu cầu cấp phát ngay thuốc kháng virus cho người mắc Covid-19.
Trong trường hợp có người mắc Covid-19, Chính phủ yêu cầu cấp phát thuốc kháng virus nhanh nhất, sớm nhất theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 11/2021 với nhiều nội dung liên quan tới công tác ứng phó dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế.
Để tiếp nhận thông tin, kịp thời hỗ trợ và quản lý người mắc Covid-19, Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo hệ thống y tế và chính quyền cơ sở bố trí nhân lực, phương tiện đầy đủ.
Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ "không để xảy ra tình trạng người nhiễm có yêu cầu nhưng không nhận được hỗ trợ của chính quyền địa phương hoặc cơ sở y tế". Khi vượt quá khả năng, Chính phủ yêu cầu địa phương báo cáo ngay Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế để có phương án hỗ trợ, không để người bệnh chuyển nặng, tử vong vì không được cấp cứu, điều trị kịp thời; không để quá tải hệ thống y tế vì yếu tố chủ quan.
Trong trường hợp có người mắc Covid-19, Chính phủ yêu cầu cấp phát thuốc kháng virus nhanh nhất, sớm nhất theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc thí điểm điều trị có kiểm soát trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà và cộng đồng cũng được quán triệt tiếp tục thực hiện.
Song song với giải pháp chống dịch, Chính phủ chỉ đạo triển khai và thần tốc hơn nữa trong việc tiêm vaccine, bảo đảm tiêm hết cho các đối tượng có chỉ định tiêm chủng nhưng chưa tiêm, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền... Yêu cầu đặt ra là chậm nhất phải hoàn thành trong tháng 12.
Để tiêm vaccine nhanh cho học sinh trong độ tuổi đảm bảo an toàn và hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao chủ trì với ngành y tế và các địa phương thực hiện. Bộ Giáo dục cần lên kế hoạch cụ thể cho việc đi học trở lại của học sinh, sinh viên bảo đảm yêu cầu của công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Quán triệt sự nhất quán trong thực hiện chính sách, Chính phủ nhắc nhở bãi bỏ ngay biện pháp phòng, chống dịch áp dụng tại các địa phương trái với chủ trương, quy định, chỉ đạo của Trung ương. Theo nghị quyết của Chính phủ, các địa phương không được để ách tắc lưu thông hàng hóa, cản trở việc đi lại của nhân dân và quá trình khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhằm phục vụ mục tiêu kép, bên cạnh việc chống dịch, Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các địa phương có giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa, từng bước mở rộng đối tượng, thị trường, điểm đến trong Chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam phù hợp với đặc điểm, tình hình dịch Covid-19.
Trà Vinh: Khởi tố đối tượng khai báo gian dối làm lây lan dịch bệnh
Ngày 11/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh cho biết, vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Ngô Văn Cho (31 tuổi, ngụ xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần) về hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Đối tượng Ngô Văn Cho.
Theo kết quả điều tra, ngày 9/7 vừa qua, Ngô Văn Cho đã khai báo gian dối nhằm trốn tránh cách ly y tế tập trung sau khi từ vùng dịch trở về nhà tại xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần.
Trước đó, Ngô Văn Cho làm thuê tại chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM và ở nhà trọ tại xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Thời điểm Cho trở về quê là thời điểm TP.HCM đang thực hiện Chỉ thị 16. Khi đó, chợ đầu mối Bình Điền, quận 8, TP.HCM được xác định là ổ dịch Covid-19 và bị phong tỏa.
Tại chốt kiểm tra y tế Cổ Chiên, huyện Càng Long và Trạm Y tế xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần, Cho không khai báo trung thực mà chỉ khai báo đi lấy hàng từ tỉnh Bến Tre trở về trong ngày và có giấy test nhanh âm tính nên được lực lượng chức năng giải quyết cho theo dõi sức khỏe tại nhà.
Ngày 10/7, qua công tác nắm tình hình, lực lượng chức năng địa phương nghi vấn Ngô Văn Cho có làm thuê tại chợ đầu mối Bình Điền nên mời Cho làm việc. Cho thừa nhận do sợ bị cách ly y tế tập trung nên khai báo gian dối.
Sau khi xác định Cho trở về từ vùng dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Tiểu Cần đã đưa Cho vào cách ly y tế tập trung. Hai ngày sau đó, Cho có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Cơ quan y tế truy vết và phát hiện 16 F1, 71 F2 (trong đó có 12 trẻ em). Trong số F1, F2 này sau đó có 20 người dương tính với SARS-CoV-2.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Tiểu Cần đã ra quyết định khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh liên quan đến Cho vào ngày 14/7/2021. Quá trình điều tra, cơ quan công an mất nhiều thời gian do tác động của tình hình dịch bệnh, quá trình điều trị bệnh, cách ly y tế của đối tượng và phải đến nhiều địa phương khác nhau để thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của Cho.
Số ca mắc mới trong ngày ở Hà Nội cao kỷ lục
Theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật gần nhất, Hà Nội hiện có 6.978 trường hợp nhiễm nCoV đang phải điều trị tại bệnh viện.
Tư duy, chiến lược phòng, chống dịch bệnh của Hà Nội chuyển từ "zero Covid" sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong.
Số ca nhiễm mới tại Hà Nội chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí đã tăng lên ngưỡng hơn 800 trường hợp trong 24 giờ qua.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội tối qua 10/12, trong 24 giờ qua, số F0 trong cộng đồng là 272 người. Ngoài ra, 478 người được phát hiện ở khu cách ly và 113 ca trong vùng phong tỏa.
Đây cũng là số người dương tính với SARS-CoV-2 cao nhất từ trước đến nay của Hà Nội sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam. Kỷ lục trước đó được xác lập vào ngày 6/12 (774 ca).
Trong đó, 272 ca cộng đồng được phân bố tại 25/30 quận, huyện, thị xã: Hai Bà Trưng (84), Đống Đa (28), Hoàng Mai (28), Thanh Xuân (19), Gia Lâm (19), Đông Anh (9), Hà Đông (9), Tây Hồ (8), Cầu Giấy (7), Chương Mỹ (7), Hoàn Kiếm (7), Thạch Thất (6), Nam Từ Liêm (6), Hoài Đức (5), Long Biên (5), Thanh Trì (4), Thanh Oai (4), Thường Tín (4), Ba Đình (4), Bắc Từ Liêm (3), Mỹ Đức (2), Ứng Hòa (1), Sơn Tây (1), Quốc Oai (1), Ba Vì (1).
Như vậy, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội có tổng cộng 16.822 ca mắc Covid-19. Trong đó, số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 6.341 ca.
Theo số liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng, đến nay, thành phố có tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm mũi 2 là 90,63%.
Trong khi đó, theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật gần nhất ngày 8/12, Hà Nội hiện có 6.978 trường hợp nhiễm nCoV đang phải điều trị tại bệnh viện.
Trong số này, 5.916 người diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng. Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 979 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 83 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch, 80 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 2 người ăn phải thở máy không xâm lấn và 1 ca thở máy xâm lấn.
Bên lề kỳ họp HĐND Hà Nội sáng 10/12, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà đã thông tin cụ thể về sự thay đổi về tư duy, chiến lược phòng, chống dịch bệnh của Hà Nội trong thời gian tới khi thành phố chuyển từ "zero Covid" sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, quan điểm của thành phố hiện giờ là thích ứng an toàn, sống chung và chấp nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao trong cộng đồng. Dẫn số liệu ca mắc trong những ngày gần đây, bà Hà cho biết số mắc có thể chạm ngưỡng 1.000 ca/ngày, tuy nhiên, đến 90% là số ca nhẹ và không triệu chứng.
Vì vậy, mấu chốt chống dịch trong thời điểm này theo bà Hà là bình tĩnh, thận trọng và khoa học. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh và hướng tới mục tiêu kiểm soát số ca tử vong, ngành y tế và toàn bộ 30 quận, huyện phải quán triệt nguyên tắc phân tầng, phân luồng, phân tuyến F0 một cách chính xác.
Còn 7.681 ca bệnh nặng đang điều trị
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1..272 ca nhiễm, đứng thứ 33/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 14.019 ca nhiễm).
Liên tục cập nhật thông tin diễn biến dịch Covid-19 trong ngày 11/12.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.376.930 ca, trong đó có 1.049.524 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 14.487 ca/ngày.
Số bệnh được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.362 ca; Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.052.341 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.681 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 5.294 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.267 ca; Thở máy không xâm lấn: 257 ca; Thở máy xâm lấn: 849 ca; ECMO: 14 ca.
Số bệnh nhân tử vong:
Từ 17h30 ngày 09/12 đến 17h30 ngày 10/12 ghi nhận 216 ca tử vong tại: TP. Hồ Chí Minh (71) trong đó có 10 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (2), Tây Ninh (2), Tiền Giang (2), An Giang (1), Bến Tre (1), Gia Lai (1), Vĩnh Long (1).
Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (33), Bình Dương (15), Tây Ninh (14), Tiền Giang (12), Bạc Liêu (11), Cần Thơ (11), Đồng Tháp (8 ), Bình Thuận (7), Vĩnh Long (7), Kiên Giang (7), Sóc Trăng (7), Long An (5), Trà Vinh (3), Cà Mau (2), Hà Nội (1), Ninh Thuận (1), Bình Phước (1). - Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 221 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.402 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm. - Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 12/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 162.688 xét nghiệm cho 264.323 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 27.447.909 mẫu cho 70.692.311 lượt người.
Trong ngày 09/12 có 1.029.505 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 130.935.854 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 74.550.657 liều, tiêm mũi 2 là 56.385.197 liều.
F0 cách ly, điều trị tại nhà ở Hà Nội dùng thuốc như thế nào?
Theo Tài liệu hướng dẫn chăm sóc F0 điều trị tại nhà của Sở Y tế Hà Nội, thuốc điều trị cho F0 trên 18 tuổi gồm 3 nhóm là nhóm A, B và C.
Với F0 là trẻ em, Sở Y tế Hà Nội cũng hướng dẫn trẻ phải nằm phòng riêng.
Nhóm A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng. F0 tại nhà uống 1 viên Paracetamol 500mg khi sốt trên 38.5 độ C, có thể lặp lại 4 đến 6h nếu bị sốt. Về bổ sung Vitamin tổng hợp, F0 uống 1 viên/lần/ngày và Vitamin C uống 1 viên sáng, 1 viên buổi tối.
Nhóm B là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt. Theo Sở Y tế Hà Nội, khi người bệnh Covid-19 cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi tăng lên trên 20 lần/phút hoặc đo SpO2 bằng hoặc dưới 96%) phải liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng một liều duy nhất trước khi chuyển viện.
Dexamethasone 0,5mg x 12 viên uống 1 lần (12 viên tương đương 0,6 mg) hoặc Methylprednisolone 16mg x 1 viên uống. Rivaroxaban 10mg x 1 viên uống hoặc Axpixapan 2,5mg x 1 viên uống, hoặc Dabigatran 220mg x 1 viên uống.
Hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội cũng lưu ý, nhóm thuốc này không sử dụng cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú, người có mắc một trong những bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu và các bệnh lý dễ gây chảy máu khác).
Nhóm thứ ba là nhóm C bao gồm các thuốc kháng virus. Monupiravir 200mg hoặc viên 400mg, F0 uống ngày 2 lần, sáng 800mg, chiều 800mg, uống trong 5 ngày liên tục.
Hướng dẫn của Sở Y tế cũng cho biết: “Hoặc Favipiravir viên 200mg. Ngày đầu 1600mg/lần x 2 lần/ngày, các ngày sau bệnh nhân uống 600 mg/lần x 2 lần/ngày, uống từ 7-14 ngày”. Sở Y tế cũng khuyến cáo, nhóm thuốc C này không dùng trong trường hợp phụ nữ đang có thai hoặc có kế hoạch có thai, cho con bú.
Với F0 là trẻ em, Sở Y tế Hà Nội cũng hướng dẫn trẻ phải nằm phòng riêng. Trẻ từ 2 tuổi trở lên phải đeo khẩu trang. Khi trẻ sốt từ 38.5 độ trở lên dùng Paracetamol liều 10-15mg/kg/lần mỗi 6 giờ để hạ sốt.
Khi trẻ ho, phụ huynh nên ưu tiên dùng thuốc ho thảo dược. Đồng thời, người chăm sóc nên cho trẻ uống nhiều nước, đảm bảo dinh dưỡng (bú mẹ, ăn đầy đủ) và vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng cho trẻ.
Người chăm sóc phải theo dõi trẻ bằng cách đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ sốt. Đồng thời đo SpO2 (nếu có thiết bị) tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ mệt, thở nhanh, thở khó.
Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, hiện Hà Nội có 98 trường hợp F0 được điều trị tại nhà, chủ yếu nằm ở địa bàn Hoài Đức, Hà Đông.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng có quyết định phân bổ thuốc điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 (lần 1) đến các trung tâm y tế quận, huyện thị xã. Theo đó, Hà Nội có 30 quận huyện, thị xã và mỗi trung tâm y tế sẽ nhận được 200 túi thuốc, tổng cộng là 6.000 túi. Mỗi túi sẽ gồm 20 viên paracetamol 500mg và 20 viên Vitamin C 500mg (hoặc Multivitamin).
Một học sinh dương tính khi đo nhiệt độ ở cổng trường
Trưa 10/12, trao đổi với báo chí, một lãnh đạo UBND xã Tri Thủy (Phú Xuyên, Hà Nội) thông tin trên địa bàn vừa ghi nhận một nam học sinh lớp 9 mắc Covid-19.
Cụ thể, sáng 7/12, nam sinh trên đến trường học trực tiếp. Tại khu vực cổng trường, nhà trường tiến hành đo thân nhiệt, phát hiện trường hợp trên sốt, có triệu chứng nghi mắc Covid-19.
Trường THCS Tri Thủy (Phú Xuyên, Hà Nội) tạm dừng việc học tại trường sau khi phát hiện ca mắc Covid-19
Nhà trường đã đưa học sinh trên đi xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính, kết quả PCR sau đó khẳng định. Sau khi có kết quả, nam sinh này được chuyển đến Trạm y tế lưu động xã Tri Thủy để điều trị.
Sau khi phát hiện nam sinh dương tính, toàn bộ 3 lớp 9 với hơn 100 học sinh của Trường THCS Tri Thủy đã tạm thời dừng học trực tiếp. Bước đầu qua xét nghiệm nhanh toàn bộ người thân gia đình và lớp học sinh trên có kết quả âm tính.
Trước đó, Trường THCS Minh Cường (huyện Thường Tín, Hà Nội) cũng chuyển sang học online sau khi một học sinh lớp 9 tại mắc Covid-19.
Như tin đã đưa, sáng 22/11, sau thời gian dài phải học online để phòng dịch Covid-19, toàn bộ học sinh khối 9 của 17 huyện, thị xã ngoại thành của Hà Nội đã được quay trở lại trường học trực tiếp.
Tạm phong toả trụ sở UBND, Công an phường Đại Kim vì 1 cán bộ mắc Covid-19
Chiều 10/12, trao đổi với báo chí, một lãnh đạo UBND phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội xác nhận, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường Đại Kim vừa thông báo khẩn tìm người đã liên hệ và làm việc tại trụ sở Công an phường này ở số 47, ngõ 292 đường Kim Giang từ ngày 5/12 đến 9/12.
Trụ sở Công an phường Đại Kim tạm thời bị phong toả chiều ngày 10/12
Theo đó, ngành chức năng đề nghị những ai từng đến trụ sở Công an phường Đại Kim trong thời gian trên tự cách ly tại nhà, nơi cư trú và chủ động khai báo ngay với trạm y tế gần nhất hoặc trạm y tế phường Đại Kim (0243.855.2501; 0988.573.646).
"Người có kết quả dương tính SARS-CoV-2 là cán bộ Công an phường Đại Kim. Hiện trụ sở Công an phường và UBND phường đang tạm thời phong toả để điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.
Trong thời gian này mọi người tạm thời ở trụ sở vừa làm việc, vừa cách ly và chờ kết quả xét nghiệm. UBND phường cũng tạm thời dừng tiếp dân", lãnh đạo UBND phường Đại Kim thông tin.
Theo ghi nhận của phóng viên, chiều cùng ngày, trước trụ sở Công an phường Đại Kim, lực lượng chức năng căng dây, đặt biển cảnh báo "Khu vực cách ly y tế". Cùng với đó, đơn vị cũng tạm dừng tiếp đón công dân.
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay), Hà Nội ghi nhận 15.959 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 6.069 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 9.890 ca.
Bộ trưởng Y tế: Ca nhiễm và tử vong do Covid-19 xu hướng tăng
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, sáng 10/12, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, nhưng số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương.
Cụ thể, trong tuần qua số ca nhiễm Covid-19 cộng đồng tăng tại 40 tỉnh, thành.
Đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm trong nước là 1.362.111, trong đó 1.048.162 ca đã được công bố khỏi bệnh. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 14.322 ca mỗi ngày.
"Dịch bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, có nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới, có khả năng bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn", Bộ trưởng Long nói.
Vì vậy, ông đề nghị thời gian tới cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, nhất là giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, giảm tử vong, tiêm chủng vaccine.
Ông Long cũng cảnh báo, thời tiết đang chuyển mùa Đông - Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus; gia tăng giao thương đi lại dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022; nguy cơ xâm nhập của biến chủng mới.
"Bên cạnh đó, có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số đơn vị, người dân trong việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch sau một thời gian dài nới lỏng giãn cách xã hội", ông nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận