Bị cáo Ngô Văn Sơn (trái) và Lê Ngọc Hoàng (phải) tại phiên tòa xét xử |
Sáng 10/5, Tòa án nhân dân Tx. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục mở phiên tòa xét xử hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” trong vụ TNGT xảy ra cuối năm 2016 trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khiến 4 người tử vong, 6 người bị thương.
Hai bị cáo bị đưa ra xét xử là Ngô Văn Sơn (SN 1978, trú tại thôn Đông Mai, xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) và Lê Ngọc Hoàng (SN 1985, trú tại thôn Cộng Hòa, xã Thăng Long, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).
Trong buổi sáng nay, các luật sư đều nêu ra quan điểm phải xác định tư cách tham gia tố tụng bị đơn dân sự đối với Công ty TNHH Hiếu Thảo, đơn vị chủ sở hữu của chiếc ô tô sơmi rơmoóc, đầu kéo BKS 98C - 07917, rơmoóc BKS 89R - 004.85 do bị cáo Lê Ngọc Hoàng điều khiển.
Trước đấy, cơ quan điều tra đã “loại bỏ” Công ty Hiếu Thảo ra khỏi thành phần tố tụng khi bị cáo Hoàng nhận là chủ sở hữu của chiếc xe. Công ty Hiếu Thảo chỉ đứng tên vay ngân hàng và trả lãi cho Hoàng. Còn việc khai thác, vận hành xe, lợi nhuận, Công ty Hiếu Thảo không liên quan.Trong buổi sáng nay, các luật sư đều nêu ra quan điểm phải xác định tư cách tham gia tố tụng bị đơn dân sự đối với Công ty TNHH Hiếu Thảo, đơn vị chủ sở hữu của chiếc ô tô sơmi rơmoóc, đầu kéo BKS 98C - 07917, rơmoóc BKS 89R - 004.85 do bị cáo Lê Ngọc Hoàng điều khiển.
Ngoài ra, ông Nguyễn Trọng Quý, Giám đốc Công ty TNHH Hiếu Thảo cũng đã trả lời điều tra viên trong bản bút lục 151: “Thực tế Công ty Hiếu thảo đã làm hợp đồng chuyển nhượng cho anh Lê Ngọc Hoàng và anh Hoàng đã đóng cổ phần vào công ty bằng xe đầu kéo trên”.
Luật sư Bùi Đình Ứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại nhấn mạnh: “Toàn bộ hồ sơ vụ án đều cho rằng chủ sở hữu chiếc xe sơmi rơmoóc, đầu kéo BKS 98C - 07917, rơmoóc BKS 89R - 004.85 là của Công ty Hiếu Thảo. Hoàng chỉ có hợp đồng lao động và hợp đồng mua bán xe với nhau nhưng không có chứng từ, công chứng. Trong khi buổi xét xử hôm qua (9/5), bị cáo Hoàng đã khai nhận, ủy quyền cho vợ nhận lại chiếc xe từ cơ quan điều tra nhưng chị Vũ Thị Thúy (SN 1989, vợ của Hoàng) lại cho biết, chị đã gửi xe vào công ty Hiếu Thảo để quản lý và khai thác. Như vậy, có dấu hiệu tẩu tán tài sản”.
Theo luật sư Ứng, chiếc xe INNOVA và xe đầu kéo, rơmoóc phải được coi là phương tiện gây tai nạn, là vật chứng vụ án chứ không như đại diện Viện kiểm sát cho rằng vật chứng của vụ án là một hộp nhựa với những mảnh vỡ thu thập đang được niêm phong, cất giữ. Các phương tiện gây tai nạn không chỉ có ý nghĩa chứng minh các bị cáo có phạm tội hay không mà còn cả về mặt bồi thường.
“Nếu các bị cáo phạm tội thì chiếc xe sẽ là tài sản có khả năng bồi thường. Nếu không, trong thực tế theo hoàn cảnh thực tại của các bị cáo thì việc thi hành án sẽ gặp khó khăn, bồi thường chỉ nằm trên giấy”, luật sư Ứng nhận định.
Đối với chiếc xe INNOVA, chủ sở hữu là bị cáo Ngô Văn Sơn cũng đã không còn rõ “tung tích” khi gia đình bị cáo Sơn không biết xe đang ở đâu sau khi mang đi sửa.
Luật sư Bùi Đình Ứng cùng cộng sự tại phiên tòa |
“Theo điều 76, Luật Tố tụng hình sự năm 2013, cơ quan điều tra được xử lý vật chứng trong trường hợp vụ án được đình chỉ tạm giam để điều tra, Viện kiểm sát xử lý vật chứng trong trường hợp đình chỉ vụ án. Còn lại, vật chứng do HĐXX quyết định. Vậy lý do vì sao mà cơ quan điều tra lại trả vật chứng làm ảnh hưởng đến luận tội các bị cáo và công tác bồi thường cho người bị hại?”, luật sư Ứng đặt câu hỏi.
Là người trực tiếp bảo vệ cho người bị hại là anh Lê Văn Lượng, cháu Lê Tuấn Hùng (đã chết), cháu Lê Thị Phương (con anh Lượng) và chị Nguyễn Thị Viên (vợ anh Lượng), Luật sư Bùi Đình Ứng yêu cầu cơ quan tố tụng tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của những người bị hại khi gia đình chị Viên không được thông báo kết quả điều tra, không biết tỷ lệ tổn hại sức khỏe mặc dù đã đi giám định trước khi đến tham dự phiên tòa (chị Viên 14%, cháu Phương 0%), đây là sai sót, thiếu trách nhiệm của cơ quan điều tra.
Theo luật sư Phạm Quang Hưng, luật sư bào chữa cho bị cáo Ngô Văn Sơn cũng khẳng định: “Công ty TNHH Hiếu Thảo đang trốn tránh trách nhiệm dân sự của mình và có hành vi che giấu tài sản”.
Các luật sư tại phiên tòa cũng đề nghị HĐXX kê biên các phương tiện trong vụ tai nạn (chiếc xe INNOVA và đầu kéo, rơmoóc) để bảo đảm thi hành án.
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án và số tiền bồi thường |
Sau phần xét xử, Viện kiểm sát nhân dân Tx. Phổ Yên tiếp tục luận tội các bị cáo và đề nghị các mức án cùng với số tiền bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân, những người có quyền, lợi ích hợp pháp.
Đại diện Viện kiểm sát thị xã Phổ Yên giữ nguyên phần luận tội trong bản cáo trạng và đề nghị: “Bị cáo Ngô Văn Sơn chịu mức án từ 10 - 11 năm tù. Bị cáo Lê Ngọc Hoàng chịu mức án 7 - 8 năm tù. Cả bị cáo Sơn, Hoàng và Công ty TNHH Hiếu Thảo phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân, người bị hại”.
Chiều 10/5, phiên tòa tiếp tục xét xử. Báo Giao thông sẽ cập nhật thông tin đến bạn đọc.
Theo cáo trạng, vào hồi 15h39’ ngày 19/11/2016, Ngô Văn Sơn (có GPLX hạng B2) điều khiển xe ô tô loại 8 chỗ, nhãn hiệu TOYOTA - INNOVA BKS 99A - 142.53 trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, trên xe chở 10 người từ Bắc Ninh lên Thái Nguyên ăn cưới. Khi đi đến địa phận xóm Sử, xã Tân Hương, thị xã Phổ Yên, do đi quá nút giao Yên Bình nên Ngô Văn Sơn điều khiển cho xe lùi theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội để đi ra nút giao Yên Bình. Cùng lúc, Lê Ngọc Hoàng điều khiển xe ô tô sơmi rơmoóc, đầu kéo BKS 98C - 07917, rơmoóc BKS 89R - 004.85 đi đến nút giao Yên Bình, do không giảm tốc độ khi gặp chướng ngại vật nên đầu xe của Hoàng đã đâm vào đuôi xe ô tô của Sơn. Hậu quả, 4 người trên xe INNOVA chết gồm: Nguyễn Thị Sinh, Nguyễn Mai Anh, Lê Tuấn Hùng, Lê Văn Lượng. Riêng Trần Thế Khoa bị thương tích gây tổn hại sức khỏe 97% và Nguyễn Thị Viên bị thương tích 14%. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận