Qua 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đã có gần 200 người chết vì TNGT - (Ảnh minh họa) |
Dù những ngày đầu nghỉ Tết, số người chết do TNGT tăng cao, nhưng 2 ngày cuối mùng 4 và mùng 5 Tết, TNGT giảm sâu nên tính chung cả 7 ngày, TNGT giảm cả 3 tiêu chí. Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, trong 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất, cả nước xảy ra 218 vụ TNGT (chưa bao gồm 78 vụ va chạm giao thông) làm chết 195 người, bị thương 199 người. So với 7 ngày nghỉ Tết Nguyên Đán Đinh Dậu giảm cả 3 tiêu chí, số vụ giảm 150 vụ (-41%), giảm 8 người chết (-4%), giảm 218 người bị thương (-52%).
Chỉ tính riêng ngày hôm nay 20/2 (mùng 5 Tết), toàn quốc xảy ra 29 vụ, trong đó có 24 vụ tai nạn, 5 vụ va chạm giao thông đường bộ, làm chết 16 người, 34 người bị thương.
Về công tác xử phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ, báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, lực lượng CSGT đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý trên 19.000 vụ vi phạm trật tự ATGT đường bộ, phạt tiền trên 12 tỷ đồng, tước trên 1.000 giấy tờ các loại. Đường thủy phát hiện, xử lý 130 trường hợp vi phạm, phạt tiền 42 triệu đồng.
Bên cạnh đó, ông Thái cho biết, ngày 20/2 (mùng 5 Tết), số lượt phản ánh đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia đã giảm đáng kể so với Tết những năm trước. Cụ thể: có hơn 150 lượt gọi/7 ngày, chủ yếu tập trung vào ngày cao điểm từ ngày 13 - 14/2/2018 (tức ngày 28 và 29 Tết) và ngày 19/2- 20/2/2018 (tức ngày mùng 4 và mùng 5 Tết) là thời điểm người dân về quê ăn Tết và những ngày sau Tết khi người dân quay trở lại thành phố sinh sống làm việc). Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé xe khách, nhồi nhét và chèn ép hành khách, tăng giá trông giữ xe, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người qui định, ùn tắc giao thông, bất cập trong tổ chức giao thông.
"Các ý kiến thắc mắc về quy định giá cước vận tải được trả lời trực tiếp tới người dân, những thông tin vi phạm về kinh doanh vận tải được chuyển đến các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật như: phạt tiền, tước phù hiệu xe, tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh, tước giấy phép lái xe", ông Thái khẳng định.
Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, do có phương án chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức phân luồng hợp lý và tăng cường lực lượng hướng dẫn giao thông; đồng thời do người dân cũng chủ động chọn thời điểm đi lại, tránh tập trung những khoảng thời gian cao điểm nên tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài đã giảm đáng kể so với những năm trước. Dịp nghỉ Tết cũng xảy ra ùn tắc tại một số trạm thu phí, tuyến đường trục chính tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Lực lượng chức năng đã ứng trực kịp thời xử lý sự cố và đưa giao thông thông suốt trở lại.
Đánh giá về tình hình trật tự ATGT trong 7 ngày Tết, ông Thái cho biết, trật tự ATGT trên toàn quốc được duy trì ổn định, thông suốt, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với 7 ngày Tết Đinh Dậu 2017, không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy, không xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, ít xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính.
"Năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết; việc đổi mới, cải tiến phương thức bán vé tạo thuận tiện cho hành khách, giảm áp lực cho hành khách khi mua vé. Nhiều nhà máy, doanh nghiệp, nhiều trường đại học tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đã tổ chức chương trình hỗ trợ phương tiện đưa công nhân, sinh viên nghèo về quê ăn Tết. Tình hình an ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định. Tình trạng chậm, hủy chuyến bay được khắc phục, giảm nhiều so với tết Đinh Dậu", ông Thái nói.
Tuy nhiên theo ông Thái, tình hình TNGT còn diễn biễn phức tạp, tăng cao trong các ngày 30, 1, 2 Tết. TNGT tăng cao trên địa bàn ngoài đô thị (trên các quốc lộ, đường tỉnh và khu vực nông thôn), chủ yếu liên quan đến mô tô, xe máy; tai nạn xảy ra ở các đoạn ngoài đô thị.
Theo ông Thái, nguyên nhân trực tiếp của TNGT tăng cao là do hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông đường bộ, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị và nông thôn, chủ yếu là do: lái xe trong tình trạng vi phạm nồng độ cồn, sai phần đường, làn đường, quá tốc độ, chở quá số người quy định, chuyển hướng không báo hiệu, người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng trên đường.
Một nguyên nhân khác cũng được ông Thái chỉ ra là do hạn chế về hiệu lực trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực thi công tác bảo đảm ATGT trên địa bàn ngoài đô thị, đặc biệt là hạn chế về lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm soát; hạn chế về năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải công cộng, dịch vụ vận tải hợp đồng. Vẫn còn còn tâm lý nể nang trong ngày Tết của lực lượng chức năng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn trong việc xử lý những hành vi vi phạm quy định pháp luật của người điều khiển phương tiện.
Để bảo đảm trật tự, ATGT trong các ngày sau Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2018, Ủy ban ATGT Quốc gia kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1882 về bảo đảm trật tự ATGT trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mật Tuất và mùa Lễ hội Xuân 2018.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận