Xe khách tông xe tải nổ lốp, dừng đỗ phía trước
Về vụ tai nạn giao thông giữa xe khách và xe tải xảy ra tối 10/3 trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương, lực lượng chức năng ban đầu xác định xe tải BKS: 75C - 016.91 do anh Phan Đình T (SN 1988, trú TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cầm lái di chuyển hướng Bắc - Nam.
Khi đến Km 58 cao tốc Cam Lộ - La Sơn, xe bị nổ lốp nên dừng xe tại vị trí chỉ có 2 làn đường và không có làn đậu xe khẩn cấp.
Sau đó, xe khách BKS 51B-261.49 do anh Lê Hoàng Q (SN 1973, trú Đắk Nông) cầm lái di chuyển cùng chiều do không quan sát thấy xe tải dừng nên xảy ra va chạm, gây tai nạn.
Tin từ Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, theo báo cáo từ Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế, thời điểm xảy ra tai nạn, xe tải có bật đèn khẩn cấp cảnh báo do bị nổ lốp. Trong khi đó, xe khách mất tín hiệu từ thiết bị giám sát hành trình lúc 18h46 ngày 10/3, chính vì thế nên chưa xác định được tốc độ xe khách thời điểm xảy ra tai nạn.
Bước đầu xác định hai nạn nhân tử vong là anh Cụt Văn S (SN 2004) và chị Cụt Thị P (SN 2007, trú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An).
Hiện nguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang được điều tra, làm rõ.
Cảnh báo từ xa, từ sớm ngăn tai nạn
Ông Bùi Bộ (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và đào tạo sát hạch lái xe Hùng Vương) có 20 năm kinh nghiệm dạy lái xe cho biết trong trường hợp này, lái xe cần bật đèn cảnh báo khẩn cấp, đặt cảnh báo từ xa để các phương tiện di chuyển cùng chiều và trên đường cao tốc nhận biết được phía trước có xe gặp sự cố.
"Đường cao tốc ban đêm không có đèn đường, nếu không có cảnh báo từ xa, xe đi với tốc độ cao khi gặp xe đỗ sẽ rất khó xử lý. Buộc phải có cảnh báo từ xa", ông Bộ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, anh Phạm Văn Đại (Công ty TNHH Anh Kiệt) có nhiều năm kinh nghiệm lái xe container cho biết, khi xe gặp sự cố trên đường, đặc biệt trên cao tốc, nếu tài xế chỉ bật đèn cảnh báo khẩn cấp là không đủ để ngăn rủi ro.
"Cần thiết phải đặt cảnh báo từ xa, cách vị trí xe gặp sự cố từ 100 - 300m, cảnh báo càng dài càng tốt vì sẽ giúp các phương tiện đi trên đường nhận diện từ sớm để chủ động giảm tốc độ và xử lý khi đến gần", anh Đại nói.
Theo anh Đại, lái xe, chủ xe cần chủ động chuẩn bị các vật dụng cảnh báo trên xe để luôn sẵn sàng sử dụng gặp sự cố.
"Thực tế nếu không có đồ cảnh báo chuyên dụng như nón chóp, thì phải dùng thùng hộp, đồ đạc trên xe thậm chí cành cây ven đường để tăng nhận diện báo hiệu nguy hiểm cho xe phía sau…", anh Đại chia sẻ thêm.
Theo anh Đại, di chuyển trên cao tốc tốc độ rất cao, với cao tốc hai làn xe, tốc độ cho phép tối đa 80km/h, nhưng trong vụ tai nạn trên, dẫu xe khách đi với tốc độ 60km/h nhưng không quan sát, nhận biết được từ xa, từ sớm nếu xe tải phía trước gặp sự cố thì cũng rất khó xử lý. Nếu phanh gấp, xe sẽ bị lật.
Còn nếu xử lý đánh lái sang làn bên cạnh thì với chiều dài xe khách lớn, khó tránh được việc va chạm đuôi xe khách với xe tải. Đây cũng chính là tình huống xảy ra trong vụ tai nạn tối 10/3 trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
"Nhất định phải chú ý cảnh báo từ xa khi xe gặp sự cố, có như thế mới giảm thiểu rủi ro khi tai nạn. Mỗi tài xế cũng cần phải ghi nhớ, dù đúng hay sai khi gặp tai nạn giao thông đều rất khổ, không chỉ mất tiền, nhiều tiền mà có thể còn mất cơ hội đoàn tụ cùng gia đình", anh Đại khuyến cáo thêm.
Đối với đường một chiều, chỉ đặt một biển sau xe (hoặc đoàn xe) đỗ;
Đối với đoàn xe gồm nhiều xe cùng đỗ, chỉ đặt biển này ở phía trước xe đầu và sau xe cuối của đoàn xe trên đường hai làn xe.
Biển phải đặt trực tiếp trên mặt đường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận