Tổ chức lại giao thông trên cầu Gianh để giảm nguy cơ tai nạn |
Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình, từ đầu năm đến nay, trên cầu Gianh thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn và va chạm giao thông. Điển hình như vụ tai nạn liên hoàn xảy ra cách đây hơn 2 tháng. Ba chiếc xe ô tô đâm nhau ngay đường dẫn lên cầu, khiến 2 tài xế xe tải mắc kẹt trong ca-bin. Lực lượng cứu hộ và người dân phải mất nhiều giờ phá cửa đưa 2 tài xế đi cấp cứu. Vụ tai nạn cũng khiến QL1 ùn tắc nhiều giờ.
Mới đây nhất, sáng 15/4, tại cầu Gianh tiếp tục xảy ra một vụ TNGT nghiêm trọng, làm một phụ nữ đang mang thai cùng con gái 2 tuổi tử vong. Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định, do chiếc xe đầu kéo lấn sang làn đường đối diện đâm vào xe máy.
Người dân địa phương cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn và va chạm giao thông trên cầu Gianh do cầu quá hẹp. Bề rộng làn xe cơ giới chỉ vừa đủ để 2 xe tải trọng lớn lưu thông, trong khi đó, phần đường dành cho người đi bộ, xe thô sơ quá nhỏ, không đủ để xe máy đi vào. Chính vì lý do này, các xe máy buộc phải di chuyển trên làn xe cơ giới, điều này đặc biệt nguy hiểm khi các tài xế xe tải chạy ẩu hoặc cố tình tránh vượt.
Theo tìm hiểu của PV, cầu Gianh được xây dựng năm 1995 và hoàn thành năm 1998 với chiều dài hơn 746m, rộng hơn 12m. Do lòng cầu hẹp, nên khi tổ chức giao thông, nhà chức trách đã cho phương tiện lưu thông hỗn hợp trên cầu. Chỉ phân tách riêng làn đường 2 bên bằng dải phân cách cứng cho người đi bộ và xe thô sơ đi lại. Thời điểm nâng cấp mở rộng QL1 do kinh phí xây cầu mới quá lớn, cộng với mật độ phương tiện lưu thông trên tuyến thấp, nên Bộ GTVT quyết định không mở rộng cầu hoặc xây thêm đơn nguyên mới. Đây chính là lý do khiến đoạn đường QL1 rộng 4 làn xe khi tới khu vực cầu Gianh bị thắt lại chỉ còn 2 làn xe hỗn hợp.
Trung tá Trần Đức Dương, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: “Khu vực cầu Gianh là nơi đường hẹp, dốc và cong nên thường xuyên xảy ra các vụ TNGT. Mỗi khi tai nạn xảy ra thường tắc đường nhiều giờ. Để giảm thiểu TNGT tại khu vực này, chúng tôi đề xuất các đơn vị chức năng sớm khảo sát thực địa và có phương án cải tạo mở rộng mặt cầu hoặc phân luồng giao thông hợp lý”.
Bên cạnh đó, Phòng CSGT Quảng Bình cũng kiến nghị cắm biển hạn chế tốc độ 50km/h ở 2 đầu cầu để các phương tiện chủ động giảm tốc độ khi đi lên cầu.
Về nguy cơ TNGT ở cầu Gianh, ông Lê Phước Đẳng, Chi cục trưởng Chi cục QLĐB II.4 cũng thừa nhận: Mặt cầu nhỏ hẹp và phương tiện lưu thông hỗn hợp trên cầu khiến nguy cơ xảy ra TNGT tăng lên. Vừa qua, đoàn công tác của Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ VN đã tiến hành khảo sát thực địa tại hiện trường. Qua đó, đoàn đã quyết định cải tạo một số hạng mục trên cầu và tổ chức lại giao thông tại đây gồm: Cải tạo lại kết cấu mặt bê tông nhựa đoạn phía Nam cầu để tăng độ êm thuận; Cắm bổ sung biển báo hiệu đường thu hẹp ở 2 đầu đường dẫn; Bố trí lại vị trí cắm biển hết đường đôi và bắt đầu đường đôi cho phù hợp với khoảng cách thực tế; Thay thế hệ thống dải phân cách cứng theo hướng thu gọn chiều rộng từ 40cm xuống còn 20cm và giảm chiều cao dải phân cách từ 80cm xuống còn 40cm. Ngoài ra, sẽ cắm biển hạn chế tốc độ 50km/h ở 2 đầu đường dẫn lên cầu.
“Ngay sau khi việc cải tạo hạ tầng thực hiện xong, chúng tôi sẽ tiến hành tổ chức lại giao thông trên cầu theo hướng tách xe máy ra khỏi làn hỗn hợp và cho đi trên làn cùng với xe thô sơ. Do đây là công trình cấp bách để ngăn ngừa TNGT nên hiện nay, chi cục và các đơn vị liên quan đang phối hợp thực hiện, dự kiến cuối tháng 5 này sẽ hoàn tất việc cải tạo và tổ chức lại giao thông trên cầu Gianh”, ông Đẳng cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận