Thời sự Quốc tế

Tổ chức Taliban vừa chiếm Afghanistan hồi sinh và được tổ chức thế nào?

16/08/2021, 07:27

Kể từ khi bị lật đổ năm 2001, Taliban luôn tìm cách chống lại chính phủ Afghanistan được phương Tây hậu thuẫn.

Lâu nay, Taliban được coi là một lực lượng Hồi giáo cực đoan, muốn thành lập một Tiểu vương quốc Hồi giáo ở Afghanistan.

Taliban có nguồn gốc từ các nhóm phiến quân Hồi giáo Mujahedeen của Afghanistan trong thập niên 1980. Thời điểm đó, các nhóm này được Mỹ tài trợ, trang bị vũ khí chống lại lực lượng Liên Xô tại Afghanistan.

Taliban lên nắm quyền thống trị Afghanistan từ năm 1995 và chấm dứt vào năm 2001 khi Mỹ can thiệp, trả đũa Taliban vì cáo buộc họ chứa chấp tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda, thủ phạm gây ra vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9 tại nước Mỹ.

img

Ông Haibatullah Akhundzada là lãnh đạo tối cao Taliban

Dù thất thế, trong suốt 20 năm, lực lượng Hồi giáo này duy trì bộ máy nhà nước riêng, được gọi với cái tên Vương quốc Hồi giáo Afghanistan, có cờ riêng. Chính phủ ngầm tồn tại song song với chính quyền Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn tại thủ đô Kabul.

Trong đó, ông Haibatullah Akhundzada là lãnh đạo tối cao. Dưới Haibatullah Akhundzada là 3 nhân vật chủ chốt khác là Mullah Baradar, Sirajuddin Haqqani, chỉ huy mạng lưới Haqqani và Mullah Yaqoob.

Taliban có một Hội đồng lãnh đạo (được gọi là Rahbari Shura) với 26 thành viên, hoạt động như nội các ngầm, đưa ra quyết định và giám sát 13 uỷ ban. Mỗi tỉnh có một thống đốc và chỉ huy ngầm, hoạt động song song với lực lượng chính phủ Afghanistan

Kể từ năm 2006, nhóm này huy động nhiều tay súng để gây rối, tổ chức tấn công vào lực lượng nước ngoài.

Sau khi lật đổ chính quyền Taliban, Mỹ rơi vào cuộc chiến không có hồi kết tại Afghanistan. Từ năm 2001, liên tục xảy ra các cuộc giao tranh giữa Taliban và liên quân do Mỹ đứng đầu.

Hậu quả khiến hơn 40.000 dân thường mất mạng, ít nhất 64.000 binh lính quân đội và cảnh sát Afghanistan tử nạn, hơn 3.500 binh lính nước ngoài thiệt mạng.

Theo một uỷ ban của Liên hợp quốc, Taliban đã lớn mạnh và duy trì quyền lực ngầm nhờ số tiền thu được từ buôn bán ma tuý với các băng đảng địa phương. Taliban đã kiếm gần 1,5 tỷ USD/năm.

Riêng năm 2020, Taliban đã kiếm được hàng triệu USD từ khai thác và buôn bán khoáng sản, sản xuất ma túy tổng hợp. Thậm chí, lực lượng này còn có hệ thống thu thuế riêng và nhận tài trợ từ nước ngoài.

Một số thông tin ít ỏi về ban lãnh đạo của tổ chức Taliban được thể hiện trong bảng Infographic dưới đây:

img

Sơ đồ ban lãnh đạo tổ chức Taliban

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.