Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và Phát động thi đua tháng cao điểm giải ngân vốn đầu tư công được kết nối đồng bộ trực tuyến tại 12 điểm cầu của 12 dự án thành phần.
Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được kết nối đồng bộ trực tuyến tại 12 điểm cầu của 12 dự án thành phần
Có 3 điểm đầu cầu chính tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi và Hậu Giang đại diện cho 3 khu vực (Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ), trong đó, điểm cầu trung tâm tại Quảng Ngãi (dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn).
9 điểm cầu (9 gói thầu/9 dự án thành phần) còn lại tại địa bàn các tỉnh: Hà Tĩnh (2 điểm), Quảng Bình (1 điểm), Quảng Trị (1 điểm) Bình Định (1 điểm), Phú Yên (2 điểm), Khánh Hòa (1 điểm), Cà Mau (1 điểm).
Với việc đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần giai đoạn 2 vào ngày 1/1/2023, cộng với việc 9 dự án thành phần giai đoạn 1 đang gấp rút hoàn thành, đại dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ được nối thông vào năm 2025.
12 gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần được khởi công, gồm: gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (35,2 km); Gói thầu 11-XL đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng (30 km); Gói thầu XL02 đoạn Vũng Áng - Bùng (23,54 km); Gói thầu XL01 đoạn Bùng - Vạn Ninh (30,29 km); Gói thầu XL2 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ (32,54 km); Gói thầu XL1 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (30 km).
Cùng đó là các gói thầu: 11-XL đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (23,5 km); Gói thầu 12-XL đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (22,1 km); Gói thầu XL02 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (24,05 km); Gói thầu XL02 đoạn Vân Phong - Nha Trang (30,85 km); Dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (1 gói thầu, chiều dài 37,65 km) và gói thầu XL02 đoạn Hậu Giang - Cà Mau (22,4 km).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu trung tâm Quảng Ngãi
Tại điểm cầu trung tâm Quảng Ngãi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công 12 dự án.
Ngay sau đó, tại 12 điểm cầu, các đại biểu đã bấm nút khởi công đồng loạt 12 dự án thuộc Dự án đầu tư công trình đường bộ cao tốc bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn: Người dân tấp nập đến điểm khởi công
Từ đầu giờ sáng, các ngả đường từ QL1 dẫn vào điểm khởi công đoạn tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn cờ hoa rợp bóng, người dân tấp nập đến nơi khởi công để dõi theo và hi vọng tuyến giao thông huyết mạch sẽ sớm hình thành.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức chia sẻ, ông phải đến tận nơi để chứng kiến sự kiện trọng đại của quê hương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành bấm nút phát lệnh khởi công cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.
“Nhà tôi cũng có đất bị ảnh hưởng bởi dự án và vợ chồng tôi đồng tình với chính quyền trong đền bù nên đã nhận tiền và bàn giao đất để nhà thầu thi công. Biết rằng mất đất sẽ thiệt thòi, song vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, chúng tôi tự nguyện bàn giao đất”, ông Ngọc tâm sự.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Ngãi rất vui mừng và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia và Bộ Giao thông vận tải chọn làm điểm cầu trung tâm để tổ chức Lễ Khởi công 12 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021- 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cam kết, tỉnh Quảng Ngãi sẽ bàn giao 100% mặt bằng cao tốc trong quý II/2023.
Tỉnh Quảng Ngãi đã xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án này là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và xuyên suốt. Vì vậy, ngay từ khi Chính phủ cho chủ trương và giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án, cả hệ thống chính trị của Tỉnh đã vào cuộc nhanh chóng với quyết tâm cao nhất từ Tỉnh cho đến thôn, tổ dân phố. Nhờ đó, trong thời gian chưa đầy 8 tháng, đến nay đã phê duyệt 75 phương án bồi thường, với diện tích thu hồi trong quy hoạch 397ha, đạt 80,2% và đã bàn giao mặt bằng để thi công Dự án được 81,2%, giữ đúng lời hứa của Tỉnh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bàn giao ít nhất 70% khối lượng mặt bằng trước ngày khởi công công trình.
“Về trách nhiệm của địa phương, tôi xin cam kết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ngãi xác định công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong 6 tháng đầu năm 2023 và quyết tâm bàn giao 100% mặt bằng cho Chủ đầu tư theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, cam kết chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng các mỏ vật liệu nhằm cung cấp kịp thời, đảm bảo khối lượng thi công Dự án và sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện Dự án trên địa bàn tỉnh”, ông Minh khẳng định.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dự án cao tốc Bắc -Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, là một dự án quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, giúp tăng cường kết nối, giải tỏa các điểm nghẽn, giảm chi phí vận tải, logistic, đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo dựng các hành lang kinh tế, không gian phát triển mới, hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại lễ khởi công.
Tuy vậy, tình hình chung của cả thế giới đang rất khó khăn và Việt Nam không ngoại lệ, thế nên hơn lúc nào hết việc đoàn kết, tập trung xây dựng và phát triển đất nước của chính quyền, doanh nghiệp và Nhân dân là điều rất quan trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, với số vốn đầu tư cao hơn tới 26% so với năm 2021, đã từng bước được cải thiện, tăng nhanh dần vào cuối năm.
Nguồn lực quý giá này, tuy chỉ chiếm khoảng 16% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng là nguồn vốn “mồi”, dẫn dắt và định hướng vốn đầu tư toàn xã hội phục vụ cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, càng giải ngân được nhanh thì càng nhiều dự án hoàn thành, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng trọng yếu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
“Năm 2023 được dự báo càng khó hơn, bởi bên cạnh khả năng suy thoái kinh tế thế giới và nhiều quốc gia, nền kinh tế lớn thì còn có có nhiều yếu tố bất định, khó lường chắc chắn sẽ tác động tới tình hình kinh tế - xã hội nước ta. Để đa đất nước cùng phát triển, tôi đề nghị và kêu gọi các cấp, các ngành, các ban quản lý dự án… nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần trách nhiệm, tháo gỡ mọi khó khăn, tạo mọi điều kiện cần thiết để đẩy nhanh hơn nữa khối lượng thực hiện các dự án, công tác thanh quyết toán, quyết tâm hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra, phấn đấu giải ngân trên 95% số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 mà Chính phủ đã đề ra.
Đi kèm với công tác thi công dự án thì công tác giải ngân vốn đầu tư là nhiệm vụ xuyên suốt.
Khởi công dự án chỉ là bước khởi đầu. Điều quan trọng là sau đó, chúng ta nỗ lực phấn đấu, nhanh chóng triển khai xây dựng, để đảm bảo đúng tiến độ; đồng thời nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để giải ngân. Vì vậy, đề nghị mỗi nhà thầu, mỗi doanh nghiệp, mỗi người thợ và từng người dân cùng chung tay, đồng lòng, quyết tâm cao, sát cánh cùng các cơ quan quản lý để tổ chức thực hiện nhanh nhất, tốt nhất, chất lượng nhất công việc trên hiện trường, không kể ngày đêm, không kể ngày lễ, ngày Tết, ngày nghỉ để hoàn thành khối lượng công việc đã ký kết”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kêu gọi.
Khởi công gần 50 km dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh, người dân hồ hởi ngóng cao tốc mới
Hòa chung lễ khởi công đại dự án cao tốc Bắc - Nam, ngày đầu tiên của năm mới 2023, dự án thành phần Bùng - Vạn Ninh cũng chính thức được khởi động sau hơn 10 tháng thực hiện các thủ tục đầu tư.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cùng lãnh đạo địa phương, chủ đầu tư thực hiện nghi thức ấn nút khởi công dự án Bùng - Vạn Ninh
Từ hơn 7h sáng, dưới cái rét căm căm, hàng trăm người dân sinh sống tại khu vực vẫn nô nức như trẩy hội, đến nông trường Việt Trung để tận thấy lễ khởi công dự án giao thông quy mô nhất từ trước đến nay.
Không giấu được niềm vui khi chỉ vài ba năm nữa, một tuyến cao tốc hiện đại sẽ đi qua khu vực sinh sống, anh Nguyễn Tiến Sỹ (thị trấn Việt Trung) thổ lộ: Có đường cao tốc mới, quá trình di chuyển chiều Nam - Bắc và ngược lại của người dân sẽ thuận tiện hơn, nỗi lo ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT khi di chuyển trên QL1 sẽ được giải tỏa.
Đảm nhận thi công đoạn tuyến từ Km636 - Km652 tại gói thầu XL01 dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh, ông Nguyễn Tài Mạnh, cán bộ ban điều hành thuộc Tập đoàn Cienco4 cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về việc thi công ngay sau lễ khởi công, từ ngày 29/12, Cienco4 đã huy động gần 20 đầu máy, thiết bị vào hiện trường. Cả liên danh gói thầu XL01 hiện đã huy động khoảng 30 đầu máy, thiết bị để tổ chức triển khai thi công các đoạn có mặt bằng đảm bảo.
“Dự kiến sau lễ khởi công, 1 mũi thi công cầu và 1 thi công đường sẽ được Cienco4 triển khai làm ngay”, ông Tài nói.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, dự án cao tốc Bắc - Nam trên địa phận tỉnh Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, tổng chiều dài 126 km, đi qua các huyện: Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, TX Ba Đồn và TP Đồng Hới.
“Trong bối cảnh tỉnh Quảng Bình hội tụ đầy đủ các yếu tố, tiềm năng và đang tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông càng có ý nghĩa quan trọng tạo sự đột phá và là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và phát triển KT-XH của Quảng Bình nói riêng và đất nước”, ông Thắng nhận định.
Theo ông Thắng, xác định triển khai dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam là nhiệm vụ chính trị quan trọng, khối lượng công việc lớn, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 18 triển khai Nghị quyết 44 của Chính phủ, tỉnh Quảng Bình và các địa phương có dự án đi qua đã thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc triển khai dự án thuộc địa phận quản lý, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đối với công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng, nhất là chỉ đạo quyết liệt GPMB.
Bằng sự quyết tâm cao nhất, đến nay, tỉnh Quảng Bình đã bàn giao trên 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp cho chủ đầu tư, đáp ứng mốc tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Với trách nhiệm của địa phương, tỉnh Quảng Bình cam kết sẽ luôn chỉ đạo quyết liệt, đồng hành với Bộ GTVT, các Ban QLDA trong quá trình triển khai dự án, đảm bảo bàn giao 100% diện tích mặt bằng cac gói thầu xây lắp trong quý 2/2023 để các dự án được triển khai đồng thời, đưa vào khai thác đồng bộ vào năm 2025, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đề ra.
UBND tỉnh Quảng Bình cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo sở, ban, ngành, địa phương liên quan đề cao hơn nữa trách nhiệm với tinh thần “Việc của chủ đầu tư là việc của tỉnh”, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư triển khai. Tỉnh cam kết tạo điều kiện tối đa trong cấp phép các mỏ vật liệu mới, cung ứng vật liệu cho các gói thầu, đảm bảo tiến độ”, ông Thắng nói.
Dự án Hàm Nghi - Vũng Áng: Đẩy nhanh thi công ngay từ đầu, quyết tâm vượt tiến độ từ 6 - 10 tháng
Ngay từ sáng sớm, rất nhiều người dân xã Cẩm Quan, Cẩm Duệ của huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã có mặt tại Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng.
Các đại biểu bấm nút khởi công đoạn tuyến cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng
Ai ai cũng rạng ngời, vui vẻ khi ngày đầu năm mới được chứng kiến công trình giao thông trọng điểm của cả nước được khởi công ngay trên quê hương mình.
Ngay từ rất sớm, rất nhiều người già và trẻ nhỏ ở xã Cẩm Quan và cẩm Duệ đã có mặt tại vị trí khởi công dự án thành phần Hàm Nghi - Vũng Áng
Bà Hoàng Thị Miên (71 tuổi, ở xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) không giấu hết niềm vui: “Chúng tôi vui lắm, mừng lắm! Nhà tôi có 5 đứa con, gia đình 2 đứa đang sống ở Đồng Nai. Sắp tới có đường cao tốc, con cái đi lại thuận lợi hơn, các cháu về thăm bà cũng nhanh hơn. Giờ chỉ mong đường sớm hoàn thành để người dân sớm được hưởng lợi”.
Cũng có mặt từ rất sớm, cụ Lê Thị Chố (91 tuổi, ở xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên) xúc động kể: Nghe tin hôm nay khởi công cao tốc, tôi dậy từ rất sớm, nói con cái nấu bún ăn rồi chở ra vị trí khởi công để được chứng kiến thời khắc lịch sử này.
“Mừng lắm chú ơi!. Con và cháu tôi có đất ruộng nằm trong dự án, vừa được đền bù 300 triệu. Đất sản xuất nhà mình ít đi một tí nhưng có đường đi lại thuận lợi, cả đất nước được hưởng lợi. Giờ chỉ ước đường thi công nhanh nhanh, mình sống thêm ít năm nữa để được chứng kiến đường hoàn thành”, cụ Chố nói.
Cụ Lê Thị Chố (91 tuổi, ở xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên) mong muốn dự án sớm được thi công, hoàn thành để được cụ được chứng kiến con đường cao tốc đi qua quê
Chứng kiến cảnh người dân chào đón nhiệt tình, các kỹ sư, công nhân của Ban QLDA Thăng Long, đơn vị thi công không giấu được niềm xúc động.
Công nhân Đặng Thế Thống (DNTN xây dựng Xuân Trường) cho biết, anh làm ở Xuân Trường 7 năm và từng thi công cao tốc đoạn qua tỉnh Ninh Bình.
Anh Thống nói: “Mỗi miền đất đi qua, người dân đều để lại trong tôi nhiều ấn tượng rất đáng nhớ. Nhìn cảnh bà con Hà Tĩnh ra từ rất sớm chào đón lễ khởi công cao tốc đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, tôi càng thấy tự hào và quyết tâm hoàn thành thi công thật nhanh, thật tốt”.
Với công nhân trẻ Lê Đặng Hoài Nam (SN 2001), niềm tự hào càng nhân lên khi vị trí thi công lần này chính là quê hương Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên của mình.
“Được thi công đoạn đường đi qua quê nhà, em rất vui và tự hào. Em sẽ quyết tâm làm việc thật tốt để sau này còn khoe với con cháu rằng công trình trọng điểm quốc gia này có một phần công sức của mình”, Nam hồ hởi chia sẻ
Các nhà thầu đã bố trí máy móc chuẩn bị thi công ngay sau lễ khởi công
Chia sẻ với PV, ông Đỗ Thành Chung, Phó giám đốc DNTN xây dựng Xuân Trường cho biết: Cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm của quốc gia. Nhận thức được vai trò, ý nghĩa này, ngay sau lễ khởi công, công ty sẽ huy động tối đa công nhân, máy móc triển khai các bước chuẩn bị và đẩy nhanh thi công ngay từ đầu.
Dự án thành phần đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng có điểm đầu tại Km514+300, khớp nối với điểm cuối dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (thuộc địa phận xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Điểm cuối tại Km568+496,07, khớp nối với điểm đầu dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng (thuộc địa phận xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).Chiều dài tuyến khoảng 54,20km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 120, vận tốc thiết kế 120 km/h, giai đoạn phân kỳ thiết kế với vận tốc 80 km/h. Tổng mức đầu tư của dự án là 9.734,62 tỷ đồng.
Đại diện Chủ đầu tư là Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT); đơn vị thi công là liên danh Doanh nghiệp TN xây dựng Xuân Trường - Công ty CP 471 - Công TNHH xây dựng Tự Lập. Tiến độ thực hiện dự án, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
“Kinh nghiệm từ xây dựng cao tốc ở các đoạn thành phần khác là phải quyết tâm, triển khai thi công đồng loạt ngay từ đầu, không chờ đến nước rút mới tăng ca, tăng kíp.
Xuân Trường đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để triển khai thi công cao tốc đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng với quyết tâm vượt tiến độ từ 6 - 10 tháng”, ông Chung nói.
Cũng theo ông Chung: Về mặt bằng, đến nay các địa phương đã giải phóng được 80%. Phần còn lại, rất mong các địa phương hoàn thiện sớm, doanh nghiệp cam kết sẽ phối hợp với địa phương để đẩy nhanh tiến độ GPMB.
Điều khiến ông Chung lo lắng hiện nay, là các mỏ vật liệu. Theo hồ sơ có 4 mỏ đất với trữ lượng đủ cho nhu cầu là 3 triệu khối đất để đắp công trình.
Tuy nhiên, theo quy định, các doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với người dân để GPMB. Điều này rất khó, nên rất mong tỉnh Hà Tĩnh quan tâm và có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp.
Ông Hồ Ngọc Loan - Phó Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết: Ngay sau lễ khởi công, Ban sẽ chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh triển khai, tăng tốc ngay từ những ngày đầu. Song song với đó là công tác giám sát chất lượng, đảm bảo công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng cao nhất. Ngoài ra, Ban cũng sẽ phối hợp với các địa phương để giải phóng xong 20% mặt bằng còn lại để sớm bàn giao cho các nhà thầu.
Ngay sau buổi lễ, các đại biểu đã cùng ấn nút khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng.
Dự án thành phần Vân Phong - Nha Trang: Người dân chạy xe máy 20km đến xem lễ khởi công
Tại nơi phát động lễ khởi công cao tốc Vân Phong - Nha Trang (nút giao QL27C (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh) từ sáng sớm, đông đảo lãnh đạo, người dân đã về chứng kiến lễ khởi công.
Các đại biểu bấm nút khởi công dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang tại đầu cầu tỉnh Khánh Hòa.
Nhiều dãy xe tải hạng nặng, xe lu,xe xúc, máy cạp cùng các thiết bị thi công được tập kết thành nhiều dãy dài, cờ và băng rôm rực rỡ tung bay trong gió.
Clip: Cận cảnh nổ mìn khởi công cao tốc Vân Phong - Nha Trang
Ông Trần Văn Điền (trưởng thông Đồng Trang 3, xã Diên Hồng), một người dân bày tỏ: “Có chủ trương thu hồi đất để làm cao tốc, người dân trong xã đồng lòng ủng hộ chủ trương. Có cao tốc đi qua, việc vận chuyển hàng hoá sẽ thuận lợi, rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng miền, cuộc sống của bà con sẽ đổi thay hơn…”.
Người dân phấn khởi đến tham quan buổi lễ với hy vọng tuyến cao tốc sớm đưa vào khai thác.
Ông Lê Hoàng Sơn, chạy xe 20km từ TP Nha Trang để xem lễ khởi công, nói: “Hôm nay tôi cũng như toàn bộ người dân Khánh Hoà rất xúc động, vui mừng bởi cùng 1 lúc khởi công 2 tuyến cao tốc liền kề là Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang.
"Cùng với các tuyến Nha Trang Cam Lân và Cam Lâm - Vĩnh Hảo đang thi công (sắp hoàn thành), sắp tới, tỉnh có một dải cao tốc đi qua nối liền, việc đi lại và vận chuyển hàng hoá sẽ tốt hơn”, ông Sơn vui mừng nói.
Ông Lê Hoàng Sơn, người dân TP Nha Trang.
Đoạn tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang dài…, song song với QL1 và đi xuyên qua ruộng đồng, đồi núi, những nơi dời sống dân cư còn thấp.
Ông Nguyễn Văn Tám, xã Diễn Hồng bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng khi dự án hoàn thành, đời sống của người dân vùng dự án đi qua sẽ tươi sáng hơn”.
Bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình, ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Sơn Hải cho biết, ngay sau lễ khởi công, toàn bộ lực lượng của Sơn Hải sẽ tập trung vào thi công ngay trên công trường, “không châm trễ dù chỉ một giây để đưa dự án về đích đúng hẹn hoặc sớm hơn”. Trước mắt, là làm những công việc kỹ thuật, chờ tỉnh cung cấp đất, đá là bắt tay vào việc.
Ông Nguyễn Văn Dương - Phó giám đốc Ban điều hành dự án 1, Công ty Vinaconex cũng cho biết, trước ngày lễ khởi công đã huy động hơn 40 xe vận chuyển cùng nhiều thiết bị máy móc nhằm sớm triển khai đường công vụ, cầu, đường trên tuyến.
Nhà thầu huy động nhiều thiết bị máy móc sớm thi công cao tốc.
Theo quyết định được Bộ GTVT phê duyệt tuyến cao tốc này sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Dự án gồm 2 gói thầu xây lắp: Gói thầu XL01 thi công xây dựng đoạn Km285+000 - Km337+500 và Gói thầu XL02: Thi công xây dựng đoạn Km337+500 - Km368+350
Nhà thầu thi công Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải và Tổng Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX). Thời gian thực hiện hợp đồng là 34 tháng.
Quang cảnh tại buổi lễ khởi công cao tốc Vân Phong - Nha Trang.
Đến nay địa phương đã bàn giao trên 70% diện tích mặt bằng (đáp ứng theo yêu cầu Nghị quyết 18 của Chính phủ). Công tác chi trả, đền bù đạt 82% kế hoạch năm 2022.
Sau hoàn thành cao tốc Vân Phong - Nha Trang thuộc địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ đạt được mục tiêu kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm.
Dồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vân Phong - Nha Trang thuộc Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông nằm trọn trên địa phận tỉnh Khánh Hòa. Dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang có chiều dàu 83,35km. Điểm đầu (Km285+000) kết nối đường dẫn cửa phía Nam hầm Cổ Mã, thuộc địa phận huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Điểm cuối (tại khoảng Km368+350) kết nối điểm đầu cao tốc đoạn Nha Trang – đang thi công. Sau khi đưa vào khai thác tốc độ tối đa cho phép đạt 120km/h. Tổng mức đầu tư: 11.808,02 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường hỗ trợ, tái định cư khoảng 2.200 tỷ đồng.
Dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn: Sẽ kết nối nhiều vùng kinh tế ở Bình Định
Sáng 1/1, tại xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, Bình Định, dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn đã chính thức khởi công.
Dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư dự án là 12.401 tỷ đồng.
Ông Khuất Việt Hùng cùng lãnh đạo tỉnh Bình Định nhấn nút khởi công dự án
Dự án có điểm đầu tại Km0+000 (điểm cuối của dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) thuộc địa phận phường Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn); điểm cuối tuyến tại Km70+091 (kết nối với điểm đầu dự án Quy Nhơn - Chí Thạnh), thuộc phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn. Tổng chiều dài tuyến khoảng 70,1 km, với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh thiết kế là đường cao tốc cấp 120, vận tốc thiết kế 120 km/h, quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m; giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17 m.
Ông Đỗ Quang Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) cho hay, thực hiện chủ trương giao thông đi trước mở đường, là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH cho khu vực và cả nước, tạo điều kiện thu hút đầu tư đồng thời tăng cường an ninh, quốc phòng, Chính phủ đã chỉ đạo ưu tiên đầu tư phát triển các tuyến giao thông quan trọng trên cả nước, đặc biệt là mạng lưới đường bộ cao tốc theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự án hoàn thành sẽ là tuyến đường có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải, phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển GTVT; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ; góp phần nối thông cao tốc từ Bắc vào Nam, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy phát triển KT-XH, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Ông Minh khẳng định, dự án đưa vào khởi công đúng tiến độ có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, sự chỉ đạo của Bộ GTVT, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Định, các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định. Với trách nhiệm là chủ đầu tư dự án, Ban quản lý dự án 85 cam kết nỗ lực thực hiện đưa dự án về đích đảm bảo tiến độ, chất lượng, tiết kiệm và thi công ảnh hưởng ít nhất đến người dân trong khu vực. Đồng thời, đề nghị Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn cùng đơn vị tư vấn giám sát (Công ty CP Tư vấn T27) huy động ngay hệ thống quản lý và triển khai thi công theo đúng các mốc kế hoạch thống nhất đảm bảo chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
Dự án hoàn thành sẽ giúp kết nối nhiều tuyến đường, nhiều vùng, khu kinh tế của tỉnh Bình Định
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, sự quan tâm hỗ trợ, phối hợp của Ban QLDA 2, Ban QLDA 85 và các sở, ngành của tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tiến độ hoàn thành công tác GPMB dự án theo kế hoạch đề ra.
Xác định rõ giao thông tới đâu thì sự phát triển sẽ tỏa lan tới đó và giá trị đất đai, tiềm năng phát triển tăng lên, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chuẩn bị quy hoạch, sẵn sàng nhận nhiệm vụ để đầu tư các dự án, làm sớm thì địa phương càng phát triển nhanh, phát triển sớm.
“Sau khi Dự án hoàn thành, tỉnh sẽ có tuyến đường cao tốc tốt nhất đi qua nhiều địa phương, kết nối rất nhiều khu đô thị, cảng biển, cảng hàng không; đặc biệt các tuyến quốc lộ, tuyến đường ven biển kết nối với khu vực xung quanh tuyến đường cao tốc… Do đó, các địa phương có thể xem xét để quy hoạch lại khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp dựa vào lợi thế của đường cao tốc để phát triển kinh tế, tạo nguồn công ăn việc làm", ông Hoàng chỉ đạo.
Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang: Người dân hồ hởi kể chuyện hiến đất
Buổi lễ khởi công cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang diễn ra trong sự vui mừng, phấn khởi của người dân 2 tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự khởi công điểm cầu Hậu Giang
Có mặt từ rất sớm tại buổi lễ khởi công, ông Huỳnh Văn Thuận (ngụ xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) hồ hởi chia sẻ, thời điểm nhận được thông báo từ địa phương thu hồi 1.000m2 đất ruộng đang canh tác, ông rất bất ngờ. Tuy nhiên, ngay sau khi biết được đất thu hồi là để làm đường cao tốc, ông vui vẻ tự nguyện giao đất.
"Khi được biết công trình hoàn thành sẽ là động lực cho địa phương phát triển, có thêm các khu công nghiệp tạo công ăn việc làm cho con cháu, người dân địa phương, tôi phấn khởi và giao ngay đất cho Nhà nước”, ông Thuận vui vẻ kể.
Mất hơn 600m2 đất, chưa kể tuyến đường lại đi sát nhà, ban đầu ông Nguyễn Thanh Hoàng (ngụ huyện Vị Thủy) rất lo sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống nhưng khi nắm đầy đủ thông tin, ông đã nguyện giao đất.
Đơn vị thi công - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã sẵn sàng tham gia dự án
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 2 dự án thành phần thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua, với chiều dài hơn 63km.
Có 2.067 hộ dân và 10 tổ chức quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất thu hồi là 361,53ha.
Nghị quyết 18 của Chính phủ giao địa phương tiến hành thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng 70% diện tích trước ngày 20/11/2022.
Xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, tỉnh Hậu Giang đã triển khai đồng bộ rất nhiều giải pháp. Với tinh thần đó, đến nay, Hậu Giang đã bàn giao mặt bằng vượt tiến độ và sớm hơn so với chỉ đạo của Chính phủ, với diện tích bàn giao đạt 84% diện tích phải thu hồi.
“Tôi sẽ kêu gọi các Sở, ngành tỉnh, địa phương và nhân dân có dự án đi qua tiếp tục hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện thi công, sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng để từng bước hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông giữa các tỉnh, TP trong cả nước và trong vùng ĐBSCL. Từ đó, tạo làn sóng mới thu hút đầu tư trong các lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang kêu gọi.
Cũng tại điểm cầu Hậu Giang, đại diện cho các nhà thầu, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn chia sẻ, để các dự án thành phần được triển khai xây dựng và hoàn thành đúng kế hoạch, việc đảm bảo đủ nguồn vật liệu cho các dự án là rất quan trọng.
Đặc biệt là các dự án trong khu vực ĐBSCL, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường sử dụng trong năm 2023 và 2024 khoảng 18,5 triệu m3. Nếu nguồn vật liệu cát cho dự án không được các địa phương quan tâm chia sẻ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và chất lượng dự án.
Theo đại tá Ngọc cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án quan trọng Quốc gia. Do đó, cần có sự cân đối, ưu tiên phân bổ nguồn vật liệu từ các địa phương có nguồn vật liệu cho các dự án thành phần.
Về phía nhà thầu, đại tá Ngọc cho hay, sẽ tập trung nguồn lực con người, tài chính, thiết bị xe máy, thi công từ những ngày đầu ngay sau lễ khởi công. Công tác thi công được thực hiện một cách chặt chẽ, khoa học, đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, an toàn lao động, ATGT, vệ sinh môi trường…
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và các cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương trên địa bàn các tỉnh, TP có dự án đi qua nhằm giải quyết hiệu quả những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án.
Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có điểm đầu giao với tuyến nối đường Nam Sông Hậu - QL1 (quận Cái Răng, TP Cần Thơ, điểm cuối giao với điểm đầu dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) với chiều dài khoảng 37km.
Dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau: Người dân hồ hởi "mơ ước cao tốc về miền Tây đã thành hiện thực"
Sáng 1/1, tai nút giao IC11 (nút giao với đường Láng Trâm - Thới Bình thuộc xã Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), cũng tổ chức lễ khởi công Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Hậu Giang - Cà Mau, giai đoạn 2021 - 2025.
Anh Đặng Văn Khắp (ngụ xã Thới Bình, huyện Thới Bình) phấn khởi bày tỏ: "Được tận mắt chứng kiến buổi lễ khởi công cao tốc Bắc - Nam tại Cà Mau không chỉ riêng tôi mà người dân của tỉnh rất vui mừng vì mơ ước cao tốc về miền Tây đã thành hiện thực. Cao tốc hoàn thành giúp cho việc việc vận chuyển hàng hóa được nhanh chóng thuận lợi, tiết kiệm chi phí".
Ông Nguyễn Hoàng Vũ (xã Tân Phú, huyện Thới Bình) hân hoan chia sẻ: "Gia đình tôi được thu hồi với diện tích 1.305m2 đất nuôi trồng thủy sản. Khi được vận động gia đình tôi đồng ý ngay vì cao tốc về tới Cà Mau, chúng tôi rất vui mừng phấn khởi. Chính sách đền bù của Nhà nước thoả đáng, hơn nữa cao tốc sẽ giúp Cà Mau đổi mới, có điều kiện tốt hơn để kêu gọi đầu tư các dự án lớn".
Dự án thành phần cao tốc Hậu Giang – Cà Mau chính thứckhởi công vào ngày 1/1/2023 tại nút giao IC11 (Km119+000 lý trình caotốc) thuộc xã Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau đi qua địa bàn 4 tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư.
Dự án có điểm đầu từ Km53+000 và điểm cuối tại Km126+223, tuyến cao tốc dài hơn 73km và tuyến nối dài hơn 16,5km; tổng mức đầu tư hơn 17.152,65 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc giai đoạn phân kỳ đầu tư 4 làn xe bề rộng nền 17m; giai đoạn hoàn chỉnh 4 làn xe bề rộng nền 24,75m; vận tốc thiết kế 100km/h.
Dự án được chia thành 3 gói thầu xây lắp. Nhà thầu tư vấn giám sát là liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải 4 - Công ty CP Xây dựng VNC.
Nhà thầu xây lắp: liên danh Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng 620 - Công ty CP Hải Đăng - Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn.
Đến nay công tác bồi thường GPMB đã được các địa phương thực hiện đạt trên 70% diện tich chiếm dụng. Các hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật đang triển khai để phục vụ theo tiến độ thi công.
Đoạn qua tỉnh Cà Mau xây dựng hoàn chỉnh 2 nút giao khác mức liên thông: IC10 giao với QL63 và IC12 giao với đường Hành lang ven biển phía Nam).
Riêng nút giao IC11 giao với đường Láng Trâm - Thới Bình (vị trí tổ chức Lễ khởi công) được quy hoạch nút giao khác mức, trong dự án trước mắt chỉ thực hiện giải phóng mặt bằng với phạm vi theo quy hoạch, chưa đầu tư các đường nối.
Đây là sự kiện lớn không chỉ của riêng ngành GTVT mà còn là sự kiện lớn của các địa phương, tạo không khí phấn khởi, tích cực thi đua lao động đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2023.
Dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ: Trung ương làm đường cao tốc, người dân ủng hộ hết lòng
Tại điểm cầu Quảng Trị, không khí chuẩn bị cho công tác khởi công dự án cao tốc thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ diễn ra khẩn trương. Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người dân đã tập trung tại khu vực Km10+380 Quốc lộ 9, thuộc địa bàn xã Cam Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị) để theo dõi sự kiện.
Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ nhận được sự đồng thuận cao của người dân địa phương
Ông Thái Xuân Phú (trú tại thôn Trương Xá, xã Cam Hiếu) phấn khởi cho biết, ông rất vui mừng khi dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ được khởi công. Người dân địa phương sẽ có đường đi lối lại thoải mái, đảm bảo ATGT, từ đó tạo động lực phát triển tại địa phương.
“Tôi mong Trung ương và địa phương sẽ tiến hành thi công nhanh, đảm bảo chất lượng và sớm đưa vào hoạt động”, ông Phú chia sẻ.
Ngay từ sáng sớm, rất đông người dân tập trung để theo dõi sự kiện khởi công dự án cao tốc thành phần đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ
Anh Lâm Thơ (trú tại Cam Hiếu) cho biết, các hộ dân bị ảnh hưởng thuộc diện phải di dời đã nhận được tiền đền bù thỏa đáng và năm nay tạm thời đón Tết tại nhà thuê. Tuy nhiên, nhận được sự động viên của các cấp chính quyền nên người dân rất an tâm.
“Sang năm khu tái định cư sẽ hoàn thiện, người dân chuyển vào sẽ ổn định cuộc sống. Chúng tôi cũng rất vui mừng, quê hương nay có thêm con đường để phá thế độc đạo ngoài Quốc lộ 1”, anh Thơ nói.
Ngay từ sớm, bà Nguyễn Thị Hường (trú tại thôn Nam Hiếu, Cam Hiếu) cùng người cháu cũng có mặt tại khu vực khởi công cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ để theo dõi sự kiện. Bà Hường vui mừng cho biết, dự án sẽ giúp người dân rút ngắn thời gian di chuyển đến địa phương khác, đáp ứng được nhu cầu đi lại và góp phần phát triển kinh tế nên người dân rất vui mừng.
“Trung ương làm đường cao tốc, chúng tôi ủng hộ hết lòng. Mong rằng các đơn vị thi công sẽ triển khai chất lượng, tránh bụi bặm và đảm bảo ATGT”, bà Hường chia sẻ.
Một số hình ảnh về lễ khởi công dự án thành phần cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ tại Quảng Trị:
Toàn cảnh lễ khởi công tại điểm cầu Quảng Trị
Các máy móc, thiết bị được huy động đến hiện trường, sẵn sàng triển khai thi công
Mặc dù trời lạnh có mưa phùn nhưng người dân vẫn tập trung để theo dõi sự kiện khởi công cao tốc
Cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong sẽ rút ngắn khoảng cách cho tỉnh nghèo Phú Yên
Tại Phú Yên, mặc dù trời mưa bất chợt nhưng nhiều người dân vẫn có mặt tại buổi lễ khởi công dự án cao tốc thành phần Chí Thạnh - Vân Phong từ sớm.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cùng ông Nguyễn Đại Dương, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Phú Yên và các đại biểu bấm nút khởi công đoạn cao tốc Chí Thanh - Vân Phong
Ông Lê Sỹ Tài (62 tuổi, ngụ thôn Hảo Sơn Nam, xã Hoà Xuân Nam, thị xã Đông Hoà) hồ hởi nói: "Chúng tôi rất phấn khởi. Bà con ủng hộ tuyệt đối, bàn giao mặt bằng để nhà nước thi công cao tốc”, ông Tài nói và cho biết có con trai và con dâu huyện Định Quán tỉnh Đồng Nai, sau này cao tốc Bắc - Nam thông tuyến, gia đình ông vào Nam thăm con cháu chỉ mất khoảng 5-6 giờ là đến nơi thay vì mất khoảng 10 tiếng như hiện nay.
Ông Nguyễn Thuấn (70 tuổi), ngụ khu phố Nam Bình 1, xã Hoà Xuân Tây, thị xã Đông Hoà, tỉnh Phú Yên cho biết, gia đình ông có đất thuộc dự án bồi thường GPMB cho cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong.
Chính quyền địa phương đã truyền đạt cụ thể và rõ ràng chủ trương của Nhà nước nên gia đình ông Thuấn sớm ủng hộ. Đến nay gia đình ông đã nhận đủ tiền bồi thường đất và an cư tại nơi ở mới. Ông Thuấn còn tham gia một số việc giúp ban tổ chức tại lễ khởi công dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Quốc Dũng- Phó giám đốc Ban quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) cho biết, đến ngày 30/12, các địa phương bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư tương ứng theo chiều dài tuyến là 54,18/90,12km, đạt trên 67%, trong đó có 5/6 địa phương bàn giao hơn 77% diện tích.
Gói thầu XL02 qua địa bàn các huyện Phú Hòa, Tây Hòa và Đông Hòa, đến nay đã bàn giao mặt bằng hơn 77% diện tích, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ để khởi công.
Nhà thầu đã sẵn sàng các xe máy, thiết bị, nhân lực để triển khai dự án cao tốc đoạn Chí Thạnh - Vân Phong ngay sau lễ khởi công
Là đơn vị đứng đầu liên danh các nhà thầu thi công, ông Bùi Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Trung Nam 18 E&C cho biết dù đã tham gia vào dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, nhưng khi có mặt trong liên danh tham gia giai đoạn 2 cao tốc Bắc - Nam vẫn rất phấn khởi và nỗ lực.
“Chúng tôi đã tập trung đội ngũ kỹ sư giỏi nhất và nguồn lực tối ưu nhất để quyết tâm thi công ngay sau khi dự án thành phần Chí Thạnh – Văn Phong được bấm nút khởi công”.
Dự án thành phần Vân Phong - Chí Thạnh có tổng chiều dài tuyến khoảng 48,052 km. Điểm đầu trước nút giao Chí Thạnh, thuộc địa phận thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Điểm cuối kết nối với Quốc lộ 1 và hầm Đèo cả thuộc địa phận xã Hoà Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Quy mô xây dựng giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc cấp 120, vận tốc thiết kế 120km/h, bề rộng nền đường 32,25m, quy mô 6 làn xe, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 tương ứng tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100, vận tốc thiết kế 100km/h, bề rộng nền đường 17m, mặt đường cấp cao A1, xây dựng 32 công trình cầu, 1 công trình hầm đường bộ Tuy An với chiều dài khoảng 1.020m.
Tổng mức đầu tư dự án 10.773 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 1.300 tỷ đồng, chi phí xây dựng 7.823 tỷ đồng. Toàn bộ dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2025, đưa vào vận hành khai thác năm 2026.
Ông Hà Văn Hân - Phó tổng giám đốc điều hành Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) cho biết, CC1 tham gia vào các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với quyết tâm khẳng định thế mạnh trong lĩnh vực xây lắp. Mục tiêu năm nay tập trung mọi nguồn lực để tham gia vào lĩnh vực giao thông & hạ tầng, không chỉ nhằm tăng trưởng doanh thu, tạo ra chuỗi giá trị với các đối tác chiến lược, mà còn góp phần đảm bảo và hoàn thành mục tiêu chiến lược mà Thủ tướng chính phủ đã đặt ra. CC1 đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực vật tư, máy móc thiết bị và các nguồn lực khác chỉ chờ thời điểm nhấn nút khởi công để tiến hành thi công.
Theo Ban QLDA 7, đơn vị đã bàn giao 100% cọc GPMB cho địa phương trước ngày 30/6. Sau đó, UBND tỉnh Phú Yên đã có quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư tiểu dự án GPMB cho các huyện, thị xã có tuyến cao tốc đi qua. Các địa phương đã hoàn thành công tác, đo đạc, kiểm kê, kiểm đếm và xác định nguồn gốc đất, xác định giá cây trồng.
Trong những ngày qua, Ban QLDA 7 đã bám sát địa phương tổ chức các cuộc họp xử lý những vướng mắc trong công tác GPMB. UBND tỉnh Phú Yên đã có những chỉ đạo quyết liệt và đưa ra các cột mốc cụ thể để bàn giao mặt bằng cao tốc. Đối với đất hộ gia đình đã đồng ý với dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và đất do nhà nước quản lý, phải bàn giao trước ngày 31/12.
Đối với đất nông nghiệp, đất lúa phải bàn giao tối thiểu 70% diện tích trước ngày 31/1/2023. Với các loại đất khác, bàn giao trước 31/3/2023. Hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư dự án trước ngày 30/6 theo yêu cầu của Nghị quyết 18/NĐ-CP của Chính phủ.
Cao tốc đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi: Cam kết thi công xuyên Tết đảm bảo tiến độ
Góp phần không khí sôi động trong ngày đầu năm mới 2023, hàng trăm người dân sống xung quanh dự án cao tốc đoạn Bãi Vọt -Hàm Nghi từ người già đến trẻ nhỏ, trung niên đã không quản ngại trời giá rét đến điểm khởi công.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cùng các đại biểu tại lễ khởi công
Có mặt từ rất sớm tại điểm khởi công dự án, vợ chồng ông Nguyễn Như Phúc (64 tuổi, ở thôn Tam Nông, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) phấn khởi chia sẻ: Dự án đường cao tốc đi qua nhà tôi. Lâu nay ở giữa cánh đồng, giờ được ra gần mặt đường ngăm cao tốc thì rất vui. Tối qua hai vợ chồng bàn bạc sáng dậy sớm ăn sáng để ra xem lễ khởi công này vì nghe nói hôm nay Thủ tướng phát lệnh khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc.
Cùng chung niềm vui, ông Nguyễn Đình Tiến (55 tuổi, ngụ ở thôn Thịnh Lộc, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc) cho biết, dự án cao tốc đi qua ruộng của nhà tôi với diện tích 2 sào. Khi cán bộ đến kiểm kê tôi giao đất và nhận hỗ trợ 150 triệu đồng. Tôi vẫn còn 2 sào ruộng nữa, sau này vừa đi cấy vừa ngắm xe chạy bon bon trên cao tóc chắc đẹp lắm.
Chị Nguyễn Thị Xuyến (31 tuổi, ở thôn Thịnh Lộc, xã Sơn Lộc) hào hứng đưa con nhỏ ra xem lễ khởi công dự án
Bồng con gái nhỏ vừa tròn 1 tuổi trên tay, chị Nguyễn Thị Xuyến (31 tuổi, ở thôn Thịnh Lộc, xã Sơn Lộc) tâm sự: Từ khi nghe dự án đi qua, chúng tôi rất phấn khởi. Chúng tôi chưa bao giờ được xem khởi công một dự án đường giao thông quy mô đến như vậy. Đường thôn, đường xã và đường tỉnh chúng tôi đi rồi chứ đường cao tốc chưa thấy bao giờ. Mong rằng hai năm nữa chúng tôi sẽ có đường mới và với nhiều dự án xây dựng khác.
Đánh giá về vai trò, tầm quan trọng của dự án, ông Hoàng Chiến Thắng - Giám đốc quản lý dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi cho rằng: Dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng thì sẽ rút ngắn thời gian đi lại của người dân Hà Tĩnh đến các địa phương khác. Bên cạnh đó, cũng sẽ thu hút đầu tư các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương này trong tương lai không xa.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Báu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh dài 103km (tương đương gần 40% chiều dài đoạn tuyến HT, QB, QT); Ngoài ra còn có 3 tuyến kết nối cao tốc dài 12km.
Khối lượng mặt bằng mà tỉnh cần bàn giao cho chủ đầu tư là khá lớn với 900 ha đất các loại, trên 8.500 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó phải di dời tái định cư hơn 800 hộ, xây dựng 28 khu tái định cư; cất bốc hơn 1.000 ngôi mộ; di dời nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật, trong đó có 3,3km đường dây 500Kv.
Theo yêu cầu tại Nghị Quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ, các địa phương phải bàn giao 70% diện tích mặt bằng trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.
Về nguồn vật liệu xây dựng phục vụ cho cao tốc, ông Hà cho biết, để đảm bảo tiến độ triển khai dự án cao tốc, thì một trong những việc quan trọng là phải có giải pháp đảm bảo nguồn cung vật liệu cho dự án.
Vì vậy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động chỉ đạo các sở, ngành địa phương liên quan khảo sát, tham mưu UBDN tỉnh gửi Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 6 - Bộ GTVT danh sách 6 điểm mỏ vật liệu xây dựng (từ tháng 6/2022), trong đó bao gồm những mỏ đang khai thác và mỏ quy hoạch; đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và phù hợp với các quy hoạch liên quan. Khi có hồ sơ đề nghị phù hợp của các đơn vị xây lắp, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo triển khai các thủ tục cấp phép theo quy định.
Dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm có tổng chiều dài khoảng 35,28 km. Đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 120, vận tốc thiết kế 120 km/h, giai đoạn phân kỳ thiết kế với vận tốc 80 km/h. Tổng mức đầu tư của dự án là 7.643,57 tỷ đồng (Bảy nghìn, sáu trăm bốn mươi ba tỷ đồng). Thời gian thực hiện dự án trong vòng 2 năm (2023-2025), đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Đại tá Nguyễn Minh Khiêm - Tổng giám đốc Tổng công ty 319 Bộ Quốc Phòng cho biết: Tổng công ty 319 Bộ Quốc Phòng rất vui mừng khi được đảm nhận thực hiện thi công dự án cao tốc đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi. “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức, tập trung nhân lực, thiết bị máy móc để triển khai thi công luôn. Và sẽ thi công xuyên Tết để đáp ứng đúng tiến độ mà Bộ GTVT đưa ra”, Đại tá Nguyễn Minh Khiêm nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận