Hơn 100 đại biểu tham dự Hội nghị ngày 18/3 |
Ứng dụng giao thông trên điện thoại thông minh
Ứng dụng khoa học công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông trong công tác đảm bảo ATGT, kéo giảm TNGT là giải pháp cấp thiết. Điều này được nhiều chuyên gia, nhà quản lý khẳng định tại Hội nghị Ứng dụng công nghệ giám sát phương tiện giao thông trong bảo đảm trật tự ATGT, do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức với sự tham gia của hơn 100 đại biểu trong nước và quốc tế, diễn ra hôm qua (18/3).
Thời gian qua, Viện Chiến lược và phát triển GTVT cùng Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel), Đại học Kỹ thuật Darmstadt và nhiều đối tác khác của Đức đang phối hợp triển khai dự án Remon. Dự án này được tiến hành dựa trên nghiên cứu cơ sở dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của hơn 3 nghìn ô tô, thiết bị quản lý xe máy từ xa, cùng tín hiệu từ điện thoại di động và hệ thống giám sát khác như camera, cảm biến. Từ cơ sở này, dự án đã xây dựng được bản đồ kỹ thuật số đường phố, hệ thống thông tin giao thông, mô hình giao thông và các kịch bản quy hoạch đô thị.
"Tập đoàn Viettel đang sở hữu hơn 50% thuê bao di động toàn quốc, là nguồn dữ liệu quan trọng để ứng dụng vào quản lý giao thông, bảo đảm trật tự ATGT. Tổng cục Đường bộ VN cũng có nguồn dữ liệu quan trọng từ thiết bị giám sát hành trình phương tiện. Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ đề nghị Viettel, Tổng cục Đường bộ VN hợp tác chính thức với dự án Remon để tích hợp dữ liệu, phát triển ứng dụng CNTT, phục vụ công tác quản lý Nhà nước và người tham gia giao thông”. Ông Khuất Việt Hùng |
Ông Matias Ruiz Lorbacher, Học viện Quốc tế Berlin (Đức), đại diện nhóm thực hiện dự án trên cho biết: “Chỉ mất 16 giây sau khi nhận được dữ liệu, hệ thống đã xử lý và cho ra thông tin toàn cảnh về giao thông. Cứ 2 phút, thông tin lại được tự động cập nhật, tính toán một lần để cho ra kết quả về tình trạng giao thông trên bản đồ số”.
Ngoài những thông tin về tình trạng đường sá, nút giao thông, bản đồ số cũng thể hiện được thông tin thời gian di chuyển giữa các địa điểm. Bản đồ trực tuyến này còn mở rộng được ứng dụng điều hành và kiểm soát giao thông theo dữ liệu, thông tin trực tuyến tại các điểm dừng đỗ xe buýt, tình trạng giao thông trên tuyến đường phía trước, quản lý các đoàn xe…
Tới đây, Viện Chiến lược và phát triển GTVT, Viettel và các đối tác sẽ phát triển và phổ biến những ứng dụng về giao thông trên điện thoại di động thông minh. Từ trang web trực tuyến, điện thoại di động, thiết bị điện tử cầm tay, các lái xe, người sử dụng dịch vụ vận tải sẽ dễ dàng tiếp cận những thông tin giao thông ứng dụng mà CNTT mang lại.
Tích hợp dữ liệu từ cơ quan quản lý và doanh nghiệp
Tại hội nghị trên, nói về xu hướng và giải pháp của quốc tế, GS. Manfred Loltze (Đại học Kỹ thuật Darmstadt, Đức) cho rằng: “Suốt 20 năm qua, chúng ta chủ yếu lấy thông tin dữ liệu từ ô tô. Nhưng giờ, điện thoại thông minh (smart phone) đã phát triển mạnh mẽ, giúp nâng nguồn cung cấp dữ liệu thông tin”.
Hiện nay, Việt Nam đã hình thành nguồn dữ liệu to lớn (từ phương tiện, thiết bị di động) đủ khả năng phục vụ phát triển hệ thống phần mềm quản lý giao thông thông minh dựa trên ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần có sự hợp tác, chia sẻ để tạo thành hệ thống dữ liệu chung, phục vụ mục đích quản lý giao thông và bảo đảm trật tự ATGT.
Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, hệ thống thông tin của Tổng cục đã tích hợp dữ liệu giám sát hành trình của gần 90 nghìn phương tiện. Tỷ lệ truyền dữ liệu bình quân hàng ngày khoảng 70%. “Hệ thống theo dõi được trực tuyến các xe đang vi phạm tốc độ, cũng như hành trình phương tiện. Các Sở GTVT được quyền đăng nhập để khai thác, quản lý phương tiện thuộc địa phương quản lý”, ông Thủy nói.
TS. Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Sản phẩm ứng dụng của Viettel cho biết, Viettel đang có hơn 50 triệu thuê bao điện thoại di động và hàng chục nghìn xe đang sử dụng dịch vụ giám sát từ xa. Viettel sẵn sàng cung cấp dữ liệu này làm thông tin đầu vào (sau khi làm mờ thông tin cá nhân, chỉ là thông tin thuần túy con số, từ cảm biến) và tích hợp với các dữ liệu khác sẽ vẽ lên được bức tranh toàn cảnh về tình hình giao thông.
“Viettel sẽ truyền thông tin dữ liệu từ ô tô, xe máy, điện thoại di động sang hệ thống máy chủ của dự án Remon để chế biến lại thành các dữ liệu có ích, chuyển hóa thành dữ liệu ứng dụng thực tế cho các cơ quan chức năng và người dân. Viettel sẵn sàng hợp tác, kế thừa, nhận chuyển giao với các ngành, địa phương để xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh”, ông Giang cam kết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận