Ninh Đức Hoàng Long được khen ngợi là một hiện tượng của âm nhạc cổ điển. |
Ninh Đức Hoàng Long đang trở thành cái tên được nhiều người nhắc đến đầy tự hào, sau khi anh giành giải nhất tại cuộc thi Opera quốc tế Simandy Jozsef ngày 4/4 vừa qua.
Báo Giao thông đã kết nối với Hoàng Long để tìm hiểu rõ hơn về chàng trai được mệnh danh là “hiện tượng âm nhạc” này.
Loại 6 thí sinh chủ nhà vào chung kết
Sau khi giành chiến thắng, tên tuổi của Hoàng Long xuất hiện trên nhiều tờ báo trong và ngoài nước. Anh còn choáng ngợp bởi niềm vui này chứ?
Năm 2014, khi hình ảnh của tôi xuất hiện ở truyền thông Hungary, báo chí Việt Nam cũng đưa tin khá nhiều. Nói không ngoa thì hồi đó tôi thấy mình cũng khá, nên cảm giác lần này không có nhiều bất ngờ. Tuy nhiên, dù chuẩn bị tinh thần nhưng tôi vẫn khá… vất vả vì phải trả lời phỏng vấn nhiều hơn mọi khi.Được biết, trong vòng chung kết cuộc thi Simandy Jozsef, anh đã biểu diễn bản Hazám hazám - tác phẩm gắn với tên tuổi của ca sĩ huyền thoại Simandy Jozsef.
Lựa chọn một tác phẩm huyền thoại, Hoàng Long không sợ “làm khó mình”?
Đúng là trích đoạn Hazám hazám đòi hỏi rất nhiều về việc truyền đạt cảm xúc, cũng như tiếng Hungary là ngôn ngữ khó bậc nhất thế giới, nhưng đây lại là tác phẩm tôi tự tin nhất vì đã rèn luyện rất nhiều.Điều thú vị là ban tổ chức có làm một quyển sách ghi tác phẩm các thí sinh đăng kí. Tôi đếm thì có tới 7 người đăng kí hát bài Hazám hazám ở vòng chung kết, trong đó chỉ có tôi là người Việt, còn 6 bạn kia là người Hungary. Càng bất ngờ hơn khi cả 6 bạn đó đã dừng chân ở vòng bán kết.
Đêm chung kết, sau khi tôi hát bài Hazám hazám, chính ban giám khảo cũng đã khóc và vỗ tay. Tôi là thí sinh duy nhất giám khảo vỗ tay trong cuộc thi. Khi hát ca khúc này, tôi đã nghĩ về Tổ quốc, về gia đình ở cách xa nửa vòng trái đất. Chính vì thế, tôi nghĩ mình đã truyền đạt được nội dung của tác phẩm tới người nghe một cách đầy đủ nhất.
Vì sao anh lại có cảm hứng với âm nhạc cổ điển, trong khi đây là một thể loại khó và kén người nghe?
Kiến thức âm nhạc cổ điển quá mênh mông. Nghe nhạc cổ điển không đơn thuần chỉ là giải trí, bạn học được rất nhiều thứ về văn hóa nghệ thuật của các nước phương Tây. Nghe nhạc vừa giải trí vừa nâng tầm hiểu biết, lý do này đã khiến tôi yêu âm nhạc cổ điển.
Đối với anh, hát opera khó nhất ở điểm nào?
Opera là một loại hình nghệ thuật tổng hợp. Trong opera có sự kết hợp giữa sân khấu và âm nhạc, có sự tham gia của các ca sỹ độc tấu, hợp xướng, dàn nhạc cùng với những loại hình nghệ thuật vô cùng đa dạng khác như ballet, mỹ thuật, diễn xuất.Vì vậy, một ca sĩ opera thực thụ không đơn thuần là biết hát mà còn phải là một nghệ sĩ sân khấu, phải biết cơ bản tiếng Ý, tiếng Đức. Đồng thời, phải có một thể lực khá tốt mới theo đuổi được. Tôi phải luyện tập thường xuyên, ăn uống đầy đủ và phải kiêng tuyệt đối rượu, bia, thuốc lá để đảm bảo sức khỏe.
Làm nghệ thuật chân chính thì không khó để nổi tiếng
Được ca ngợi là “hiện tượng âm nhạc”, đó có phải sự làm quá của truyền thông hay phù hợp với khả năng của anh?
Thú thật, cụm từ này hơi quá sức với tôi. Tôi vẫn đang là sinh viên, con đường phía trước còn rất dài, còn rất nhiều việc mình cần phải học tập, vô vàn khó khăn cần vượt qua để vươn tới hình tượng mà mình luôn ao ước như chú Đặng Thái Sơn hay anh Bùi Công Duy. Tôi cảm ơn mọi người đã dành cho tôi sự ủng hộ nhiệt tình. Tuy nhiên, tôi sẽ không lấy đó làm áp lực mà coi đó là động lực để tiếp tục con đường mình đang đi.Được biết, anh mong muốn sau khi tốt nghiệp sẽ trở về Việt Nam làm việc.
Opera ở Việt Nam chưa thực sự phát triển và cũng không được nhiều người quan tâm. Theo đuổi nó, anh có thấy lo ngại?
Ninh Đức Hoàng Long sinh năm 1991 tại Ninh Bình. Anh từng là sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, sau đó nhận được học bổng đại học hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Hungary (khóa 2013 - 2017). Tháng 6/2014, Hoàng Long là thí sinh nước ngoài duy nhất thi đỗ vào K Opera - Học viện Âm nhạc Liszt Ferenc của Hungary. Hoàng Long từng được biết đến là “hiện tượng mạng” năm 2014 khi đoạn video anh hát bản Hazám Hazám trong một lớp học được phát tán trên mạng. |
Đúng như chị nói, opera vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Cá nhân tôi tới năm 21 tuổi mới biết opera là gì và quyết định theo đuổi nghệ thuật này. Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật nào cũng có lượng khán giả riêng. Khán giả ở Việt Nam của opera không nhiều, nhưng lại là tầng lớp có trình độ văn hóa cao, ham tìm hiểu văn hóa và rất đam mê nghệ thuật.
Vì vậy, không có lý do gì để tôi phải lo lắng cả. Mặt khác, nhân dịp tôi đoạt giải thưởng và truyền thông khắp nơi đưa tin, tôi thực sự hy vọng sẽ có nhiều người tò mò và tìm hiểu thêm về opera.
Những người làm nghệ thuật chân chính tại Việt Nam rất khó nổi tiếng, theo đó, thu nhập cũng hạn hẹp hơn. Anh có quan tâm tới điều đó?
Tôi nghĩ là nghệ sĩ, chắc chắn sự nổi tiếng rất quan trọng, vì nổi tiếng thì khán giả mới biết bạn là ai. Khi bạn nổi tiếng, cơ hội đến với bạn rất nhiều. Nhưng tôi cho rằng, với những người làm nghệ thuật chân chính thì ở bất cứ đâu, để nổi tiếng không hề khó, có điều bạn nổi tiếng theo cách nào. Nếu đầu tư thời gian, công sức, nổi tiếng bằng khả năng thực sự, được mọi người công nhận thì sức lan tỏa của bạn mới lâu bền và có sức sống trong lòng công chúng.
Anh có dự định về Việt Nam biểu diễn, hay đã có dự định gì sau khi tốt nghiệp?
Trước kia khi còn đang học ở Việt Nam, ước mơ của tôi là được một lần biểu diễn với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nếu sau này nhận được lời mời từ Việt Nam, chắc chắn tôi sẽ rất vui. Còn hiện tại, tôi dự định năm sau kết thúc khóa học tại Hungary sẽ về Việt Nam và xin tiếp học bổng Nhà nước khóa học Thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Liszt Ferenc.
Cảm ơn anh!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận