Văn thư, kế toán cũng ra vớt váng dầu
Chiều 15/10, tại buổi họp báo Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cho biết, ngay khi phát hiện sự cố có dầu thải đổ trộm ở đầu nguồn nước, Công ty đã có công văn báo cáo Công an và Tỉnh ủy Hoà Bình.
Theo ông Tốn, sự việc được phát hiện khi đội vớt rong rêu ở cửa kênh thấy có váng dầu. Trước đó thì có mưa, dầu đổ trên đường cách hồ, kênh của Công ty 3km. Đoạn đường này nằm trên đường mòn, một bên là khe suối. Dầu đổ rải ra đường, tràn qua đường xuống ao cá nhà dân. Trời mưa to, nước ao nhiễm dầu tràn xuống suối Um, chảy lên suối Vằng, tràn cả xuống hồ.
Ông Tốn cho biết, văn bản của Sở Xây dựng có thể đánh máy nhầm sang ngày 8/10 phát hiện váng dầu, chứ thực tế Công ty phát hiện dầu tràn lúc 9h ngày 9/10. Ngay sau khi phát hiện váng dầu, Công ty đã dùng phao chuyên dụng quây không cho dầu lan ra mặt hồ; huy động cán bộ công nhân viên, thuê cả người dân ở ngoài tiến hành vớt dầu, trong đó có dùng cả thiết bị hút dầu chuyên dụng.
Đồng thời, Công ty cũng đã huy động hai xe cát để thấm, làm sạch đường chỗ dầu bị đổ xuống.
"Tại sao Công ty báo cáo ngày 10/10, vì tất cả công nhân viên tập trung vớt dầu, kể cả văn thư, kế toán cũng phải ra vớt dầu. Cái đó người dân chứng kiến", ông Tốn giải thích.
"Thâm tâm tôi cũng muốn dừng cấp nước"
Theo ông Tốn, 12h cùng ngày, Công ty đã cô lập được váng dầu và tiếp tục sản xuất.
“Tôi cho anh em xét nghiệm, máy móc của Công ty cũng đủ chỉ tiêu A, mùi vị vẫn bình thường nên Công ty cho tiếp tục sản xuất. Đêm 9/10, Công ty đã xúc xả 10km tuyến ống và các bể tràn, bể chứa. Đến ngày 10/10, nhận được phản ánh của khách hàng, báo chí về hiện tượng mùi lạ trong nước thì Công ty cho phòng thí nghiệm đi kiểm tra. Kết quả, nước nhà máy vẫn đảm bảo, khách hàng phản ánh mùi lạ có thể chỉ là mùi clo”, ông Tốn giải thích.
Về lý do tại sao Công ty không dừng cấp nước, ông Tốn chia sẻ: “Thực ra lúc bấy giờ (lúc phát hiện váng dầu), thâm tâm tôi 80% muốn dừng cấp nước, vì sức khoẻ người dân, khách hàng là quan trọng nhất. Nhưng khi xét nghiệm, thì các kết quả bình thường. Chúng tôi tham khảo một số chuyên gia, thì họ nói nếu cắt nước thì phải nêu được lý do. Nếu bảo cắt nước vì ô nhiễm thì chứng cứ đâu, trong khi kết quả kiểm tra nội hàm của Công ty vẫn đảm bảo?”, ông Tốn nói.
Cuối buổi giao ban báo chí, ông Tốn mong được thông cảm, Công ty không phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu. “Làm cái này trong 10 năm phục vụ người dân Thủ đô, đặt sức khỏe người dân, chất lượng nước lên trên hết chứ không phải vì cái gì. Qua đây thì cũng rút kinh nghiệm những phản ánh của khách hàng", ông Tốn cho biết, đồng thời nói : "Vâng, xin lỗi”.
Về trách nhiệm cá nhân liên quan đến việc biết nước nhiễm dầu vẫn cấp nước bán cho dân, ông Tốn cho rằng: "Tôi cũng chỉ là Tổng giám đốc làm thuê thôi".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận