Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. |
Chiều 9/11, các ĐBQH thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Đây là dự án Luật được đánh giá rất khó và rất quan trọng nên dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến qua 2-3 kỳ họp, thông qua vào năm 2018.
Nhấn mạnh đã sửa luật thì chất lượng luật phải cao hơn, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái góp ý Luật này nên được cho ý kiến qua mấy kỳ họp không quan trọng, nên chậm một chút nhưng chắc, chất lượng cao hơn, tổ chức thực hiện được khả thi.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, Luật sửa đổi lần này phải tập trung vào “phòng là chính”, phải thiết kế làm sao để người có ý đồ tham nhũng không tham nhũng được.
“Điều quan trọng nhất là phải xây dựng được các công cụ để phòng ngừa tham nhũng. Nếu chúng ta làm tốt điều này thì tổ chức thực hiện hiệu quả mới cao, sẽ bịt được các kẽ hở để hạn chế tham nhũng, từ đó sẽ ít phải xét xử, xử lý các vụ án tham nhũng hơn. Còn để xảy ra tham nhũng rồi, xử lý các vụ việc thì đều rất đau lòng, xử tù tội, tử hình một con người sẽ ảnh hưởng đến cả gia đình, dòng tộc… rất đau xót”, ông Khái nói.
Tổng Thanh tra đặt câu hỏi và cho rằng, con người khi thấy để tiền ra trước mặt thì lòng tham dễ nổi lên, nếu không để xảy ra chuyện này thì sẽ không có tham nhũng. Còn khi đã xảy ra tham nhũng, phải xử lý cương quyết để không dám tham nhũng nữa.
ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đánh giá dự thảo luật vẫn còn xa cuộc sống, dù quy định nhiều hình thức, nội dung để phòng ngừa tham nhũng nhưng tính khả thi chưa cao.
Cụ thể, về quy định kê khai tài sản, thu nhập, ông Hiểu đề nghị giữ nguyên diện đối tượng phải kê khai như hiện hành hoặc thu hẹp vào nhóm cán bộ cấp cao.
Với quy định về việc cán bộ thuộc đối tượng kiểm soát phải kê khai tài sản, thu nhập của cả người thân, ông Hiểu cho rằng có nghịch lý khi chỉ buộc kê tài sản với con chưa thành niên – đối tượng vẫn phải sống phụ thuộc, gần như không có có tài sản trong khi con đã thành niên lại rât nhiều khả năng để “tiếp tay” cho việc tẩu tán tài sản tham nhũng mà lại không phải kê khai. Mở rộng diện đối tượng trong trường hợp này, theo ông Hiểu, chính là để theo dõi sự biến động tài sản của cán bộ.
Ông Hiểu cũng kiến nghị có quy định để cán bộ công chức phải tiếp tục kê khai tài sản trong thời gian 5 năm sau khi về hưu như một giải pháp để ngăn chặn tương tự như quy định cấm quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý của cán bộ sau thời gian đảm nhiệm chức vụ, vì thực tế đã có nhiều trường hợp cán bộ về hưu rồi tự nhiên xuất hiện biệt phủ nguy nga.
ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) dẫn chứng vụ VN Pharma vừa qua, khi lãnh đạo Bộ Y tế vừa khẳng định không có người thân tham gia doanh nghiệp thì lại có thông tin cho thấy có em chồng của Bộ trưởng tham gia. "Việc này dù có được giải thích em chồng không thuộc đối tượng phải kê khai trong bảng kê của tài sản của Bộ trưởng thì cũng đã tạo ra dư luận không tốt rồi. Vậy thì phải đưa vào quy định việc phải kê khai với cả bố mẹ, vợ chồng, con, anh chị em ruột và anh chị em vợ/chồng”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) nhận xét, các bước đi của luật rất hay, kê khai, xác minh tài sản. Nhưng ông đặt câu hỏi: "Trong 10 năm làm công chức, kể cả buôn chổi đót hay lái xe ôm, tính ra hết có được 500 tỷ đồng không? Nếu không được thì tại sao có? Không giải thích được thì tài sản đó phải được xử lý”, ông Nghĩa kiến nghị và cho hay, với trường hợp này, ở các nước sẽ tiến hành thu giữ và xung công.
Theo ông Nghĩa, xử lý tài sản không rõ nguồn gốc là vấn đề cử tri rất bức xúc. Luật phải làm được điều đó, nếu không sẽ không thu hồi được tài sản tham nhũng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận