Thời sự Quốc tế

Tổng thống Hàn Quốc: Sẽ cưỡng chế nếu lái xe tải tiếp tục đình công

Tổng thống Hàn Quốc cảnh báo Chính phủ nước này sẽ can thiệp cuộc đình công quy mô lớn của tài xế xe tải nếu họ tiếp tục từ chối chở hàng.

Nếu biểu tình gây khủng hoảng kinh tế, Hàn Quốc sẽ dùng biện pháp mạnh

Ngày 24/11, trong thông báo đăng tải trên Facebook, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết: “Người dân sẽ không thể dung thứ cho hành vi lấy hệ thống logistics làm con tin giữa lúc đất nước đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế. Nếu tài xế xe tải tiếp tục từ chối vận tải hàng hóa một cách vô trách nhiệm, chính phủ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài cân nhắc một số biện pháp, bao gồm bắt buộc lao động quay trở lại làm việc”.

Ông Yoon đưa ra thông báo trên sau khi nhiều tài xế xe tải tại Hàn Quốc bắt đầu cuộc đình công quy mô lớn trên toàn quốc lần thứ hai trong chưa đầy 6 tháng vào ngày 24/11. Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, tài xế xe tải tại Hàn Quốc kêu gọi Chính phủ nước này kéo dài chương trình hệ thống lương tối thiểu dự kiến hết hiệu lực vào cuối năm nay cũng như tăng phúc lợi cho lái xe tải trong một số ngành công nghiệp.

Theo hãng tin Reuters, Chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ mở rộng cơ chế lương tối thiểu trong 3 năm nhưng bác bỏ các yêu sách khác của hiệp hội lái xe tải.

img

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh - Reuters

Theo luật pháp Hàn Quốc, chính phủ nước này có quyền yêu cầu lao động trong lĩnh vực vận tải quay trở lại làm việc khi xảy ra gián đoạn, đình trệ nghiêm trọng trong hoạt động vận tải. Tài xế không thực hiện theo yêu cầu có thể bị phạt tù tới 3 năm hoặc phạt tiền 30 triệu won (22.550 USD).

Nếu biện pháp này được thực hiện, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền Hàn Quốc đưa ra yêu cầu bắt buộc lao động quay trở lại làm việc trong lĩnh vực vận tải.

Trao đổi với phóng viên ngày 24/11, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hàn Quốc Won Hee-ryong cho biết cơ quan này đã bắt đầu công tác chuẩn bị để đưa ra yêu cầu trên.

Về phần mình, ông Lee Bong-ju, người đứng đầu Hiệp hội Đoàn kết Lái xe tải Chở hàng của Hàn Quốc (CTSU), cho biết lái xe tải không có lựa chọn nào khác ngoài tổ chức đình công sau khi Chính phủ Hàn Quốc dừng đối thoại.

Bước đầu xuất hiện gián đoạn chuỗi cung ứng

Theo hãng tin Reuters, đã có một số dấu hiệu cho thấy cuộc đình công đã làm gián đoạn hoạt động của một số ngành công nghiệp trong nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới.

Tổng thống Yoon Suk-yeol nhấn mạnh, xuất khẩu là chìa khóa giúp vượt qua bất ổn kinh tế và biến động trên thị trường tài chính, chỉ trích hành vi lấy chuỗi cung ứng quốc gia làm “con tin” là “bất hợp pháp và không thể chấp nhận” trong bối cảnh Hàn Quốc đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế.

Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) thông báo cơ quan này nhận được 19 báo cáo về gián đoạn hệ thống logistics trong ngày đầu tiên của cuộc đình công như không thể lưu thông vật liệu thô, chi phí logistics tăng, chậm trễ trong giao hàng dẫn tới phải chịu phạt và không thể bàn giao hàng với đối tác nước ngoài.

img

Tài xế xe tải tham gia đình công tại thành phố Uiwang, Hàn Quốc ngày 24/11. Ảnh - Reuters

Hiệp hội KITA đưa ra dẫn một trường hợp trong đó cảnh sát phải bảo vệ cho quá trình vận chuyển vật liệu thô cho một công ty hóa chất sau khi tài xế xe tải tham gia đình công ngăn cản không cho phương tiện chở hàng di chuyển vào trong nhà máy.

Hiệp hội Xi măng Hàn Quốc thông báo ngành công nghiệp xi măng của nước này đã mất khoản doanh thu trị giá 19 tỷ won (14,26 triệu USD) sau khi lượng hàng vận chuyển giảm xuống dưới 10.000 tấn vào ngày 24/11 do ảnh hưởng của cuộc đình công. Trong khi đó, Hàn Quốc đang ở trong mùa cao điểm với mặt hàng xi măng vốn kéo dài từ tháng 9 tới đầu tháng 12.

Hiệp hội Đoàn kết Lái xe tải Chở hàng của Hàn Quốc ước tính khoảng 25.000 người trong tổng số 420.000 công nhân vận tải của Hàn Quốc đã tham gia đình công. Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc cho biết 8.000 người tiếp tục bám trụ tại các địa điểm vận tải hàng hóa chính trên khắp cả nước để biểu tình qua đêm 24/11.

img

Số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc tăng kỷ lục 2 ngày liên tiếp

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.