Tối huệ quốc là một trong những quy chế pháp lý quan trọng trong thương mại quốc tế hiện đại. Quy chế này được coi là một trong những nguyên tắc nền tảng của hệ thống thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Qua đó, một quốc gia sẽ dành cho tất cả các quốc gia đối tác chế độ ưu đãi thương mại ngang nhau.
Việc bãi bỏ quy chế tối huệ quốc đồng nghĩa Mỹ sẽ có thể tăng thuế quan với Nga. Giới chuyên gia cảnh báo, thuế quan của Mỹ đối với các sản phẩm của Nga sẽ tăng từ 3% lên trung bình khoảng 30%.
Theo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 26 của nước này, với kim ngạch thương mại hai chiều 28 tỷ USD vào năm 2019.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua dự luật
Cũng trong ngày 8/4, Tổng thống Biden đã ký ban hành luật cấm nhập khẩu các sản phẩm năng lượng bao gồm cấm dầu mỏ, khí tự nhiên hóa lỏng, than đá và các sản phẩm năng lượng khác của Nga.
Ngoài ra, Mỹ thông báo hạn chế nhập khẩu thêm một số mặt hàng như phân bón, van đường ống.
Theo luật này, không chỉ Nga mà cả Belarus cũng sẽ mất quy chế tối huệ quốc.
Bộ Thương mại Mỹ thông báo, nếu công dân Nga và Belarus muốn sở hữu hàng hóa từ các nhà cung cấp Mỹ, sẽ cần phải có giấy tờ đặc biệt.
Động thái trên được đưa ra sau khi Mỹ, Nhật Bản và các nước khác trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhất trí thực hiện các bước để tiến tới bãi bỏ quy chế "tối huệ quốc" của Nga.
Liên minh châu Âu phong toả 30 tỷ euros của người Nga và Belarus
Ngày 8/4, Ủy ban châu Âu (EC) ra thông báo cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã phong tỏa khối tài sản trị giá 29,5 tỷ euro (tương đương 32 tỷ USD), "bao gồm các tài sản như tàu thuyền, máy bay trực thăng, bất động sản và tác phẩm nghệ thuật", đồng thời ngăn chặn nhiều thương vụ giao dịch của các công ty nằm trong lệnh trừng phạt liên quan chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine, với tổng trị giá 196 tỷ euro.
Khối tài sản này được cho là của các cá nhân là người Nga và Belarus.
EU cũng đã nhất trí phong toả tài sản tại châu Âu của ông Herman Gref - lãnh đạo ngân hàng Sberbank cùng 2 con gái Tổng thống Nga Vladimir Putin và một số tài phiệt Nga.
Bên cạnh đó, EU cũng đang áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với các nhà lập pháp và quan chức của hai vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk. Theo EC, đã có thêm 217 cá nhân và 18 tổ chức bị áp đặt lệnh trừng phạt.
Tổng cộng, kể từ năm 2014 đến nay, EU đã trừng phạt tổng cộng 1.091 cá nhân và 80 tổ chức.
EU cũng cân nhắc khả năng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, trong đó có nhập khẩu dầu mỏ; song khả năng này đang vấp phải sự phản đối từ một số quốc gia phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Cùng ngày, từ phía Ukraine, Kiev tuyên bố nước này sẽ quốc hữu hóa tất cả tài sản của Nga trong lãnh thổ Ukraine.
Ngày 8/4, phát biểu trên kênh truyền hình Rada TV, Thủ tướng Denys Shmyhal nêu rõ luật quốc hữu hóa đã được thông qua và các cơ quan chức năng đã bắt đầu thực thi.
Mỹ và các nước phương Tây thực hiện các động thái cấm vận, trừng phạt trên với mục đích kiềm chế chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Về phía Nga, Moscow đang điều chỉnh các chính sách để ứng phó với các các gói trừng phạt chưa từng có tiền lệ đồng thời khẳng định sẽ đáp trả trên nguyên tắc "có đi có lại".
Nga khẳng định chiến dịch quân sự của nước này nhằm vào Ukraine vì mục tiêu phi quân sự, phi phát xít hoá, tránh nguy cơ bùng nổ Thế chiến thứ III.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận