Tuần qua, tại cuộc họp với các sĩ quan quân đội ở thủ đô Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyi khẳng định nước này sẽ chỉ gia nhập NATO nếu giành chiến thắng.
“Tôi không nghĩ Ukraine sẽ được chấp thuận gia nhập NATO khi đất nước vẫn chìm trong xung đột”, ông Zelenskyi nói.
Vị lãnh đạo Ukraine giải thích thêm, việc gia nhập NATO phải có sự nhất trí của toàn bộ 32 thành viên trong liên minh. Tuy nhiên, nhiều quốc gia tỏ ra không đồng tình đưa Ukraine trở thành thành viên NATO do quan ngại rủi ro hoặc hoài nghi về nước này giữa bối cảnh xung đột chưa có dấu hiệu kết thúc.
“Vì vậy, để Ukraine được chấp nhận gia nhập NATO, chúng ta phải giành thắng lợi”, ông Zelenskyi tuyên bố và cho biết tư cách thành viên NATO sẽ giúp đảm bảo nền độc lập nước này.
Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập khối phòng thủ xuyên Đại Tây Dương vào tháng 9/2022, vài tháng sau khi xung đột bùng nổ. Tuy nhiên, nhiều nước lớn trong tổ chức như Mỹ và Đức đã lên tiếng phản đối ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO 2023, tổ chức tại thủ đô Vilnius, Litva.
Trong chuyến thăm Ukraine vào hôm 29/4 vừa qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định NATO chưa đạt được đồng thuận về vấn đề gia nhập NATO của Ukraine, nhưng các bên đang nỗ lực để xúc tiến quá trình này.
Ông Stoltenberg cũng cho biết, sự chậm trễ trong việc chuyển giao vũ khí đã “gây tổn hại đến niềm tin” giữa Ukraine và các bên ủng hộ Kiev.
Trong khi EU đang chật vật để cung cấp đủ vũ khí, đạn dược đáp ứng nhu cầu của Ukraine, Quốc hội Mỹ đã tranh cãi suốt nhiều tháng về gói viện trợ 61 tỷ USD, trước khi được thông qua hôm 24/4.
Tổng thống Zelensky cảnh báo Ukraine sẽ thất bại nếu tình trạng thiếu thốn đạn dược không được khắc phục. Các quan chức Ukraine cũng cho rằng việc chuyển giao vũ khí chậm chạp là nguyên nhân dẫn đến các cuộc phản công thất bại hồi cuối năm ngoái và khiến nhiều thành phố rơi vào quyền kiểm soát của đối phương thời gian gần đây.
Tuần trước, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi đã thừa nhận tình hình của lực lượng Kiev ngày càng tồi tệ, binh lính đã phải rút lui về các cứ điểm mới nằm về phía Tây.
Trong khi đó, Nga coi việc NATO mở rộng về phía đông và Ukraine hợp tác quân sự chặt chẽ với khối này là nguyên nhân sâu xa của xung đột. Moscow coi NATO là mối đe dọa an ninh quốc gia, khẳng định Ukraine phải trở thành một quốc gia trung lập.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận