"Lời cảnh báo với Mỹ"
Thông tin trên được tờ Washington Post đưa ra ngày 30/5 trong bối cảnh Ukraine được cho là ngày càng trở nên thất vọng hơn với những quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, trong cuộc chiến với Nga.
Dù không tiết lộ tên tuổi và số lượng các quan chức Ukraine bị ông Zelensky sa thải, tờ Washington Post cho biết, quyết định trên của Tổng thống Zelensky là lời cảnh báo với giới chức Mỹ.
Cũng theo tờ báo này, trong số những người bị sa thải "có những quan chức theo đường lối cải cách sẵn sàng chống tham nhũng trong Nội các Ukraine và những người có mối quan hệ đặc biệt thân phương Tây".
Đáng chú ý, trong danh sách các quan chức Ukraine bị sa thải có Phó Thủ tướng Aleksandr Kubrakov, người phụ trách phát triển cơ sở hạ tầng và tái thiết Ukraine. Đây là quyết định có phần gây sốc bởi mới chỉ một năm trước, ông Kubrakov còn được truyền thông đồn đoán sẽ là người thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine khi đó là ông Aleksey Reznikov.
Ông Kubrakov sinh năm 1982 tại thành phố Pershotravensk, tỉnh Dnipropetrovsk, miền Trung Ukraine. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Marketing tại Đại học Kinh tế Quốc dân Vadym Hetman Kiev và hoàn thành một khóa học ngắn hạn tại Trường Harvard Kennedy, Mỹ.
Từ năm 2011-2015, ông làm việc tại Tòa Thị chính Kiev dưới quyền các Thị trưởng Oleksandr Popov và Vitali Klitschko. Ông nhanh chóng thăng tiến trở thành giám đốc phụ trách các dự án giao thông tại Sở Đầu tư Kiev. Năm 2019, ông được bầu làm nghị sĩ Quốc hội Ukraine với tư cách đại biểu của Đảng Công bộc của Nhân dân. Hai năm sau, ông được bầu làm Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng Ukraine.
Quan hệ Mỹ - Ukraine càng thêm rạn nứt?
Washington Post nhấn mạnh việc ông Zelensky sa thải một loạt quan chức thân tín có quan điểm thân phương Tây, đặc biệt là Mỹ được thực hiện trong bối cảnh chính quyền Kiev ngày càng không hài lòng đối với các đối tác phương Tây.
Mới đây nhất, hồi giữa tuần, ông Zelensky đã không ngần ngại công kích ông Biden rằng nếu Tổng thống Mỹ không tham dự hội nghị hòa bình vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ thì "sự vắng mặt của ông ấy sẽ được đích thân Tổng thống Nga Putin vỗ tay hoan nghênh".
Theo tờ Washington Post, những bước tiến của Nga trong khu vực Kharkov gần đây càng khiến cảm giác bị phản bội của ông Zelensky trào dâng mạnh mẽ. Một vài quan chức Ukraine đổ lỗi cho thành công của phía Nga là do Mỹ từ chối cho họ tiến hành các vụ tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga.
Trong khi đó, số khác lại cho rằng, chính sự chậm trễ của Quốc hội Mỹ trong việc thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine mới là nguyên nhân chính. Những người này tin rằng, quân đội Ukraine có thể đẩy lùi được bước tiến của quân Nga nếu số vũ khí đó đến tay Ukraine sớm hơn.
Lầu Năm góc: Tham nhũng tại Ukraine tràn lan
Điều đáng nói, không quan chức Ukraine nào được tờ Washington Post phỏng vấn đề cập đến tình trạng tham những tràn lan làm suy yếu quân đội Ukraine khiến Nga dễ dàng đánh chiếm các ngôi làng và thị trấn trong khu vực Kharkov trong tháng 5.
Trong khi đó, truyền thông địa phương cáo buộc giới chức quân sự và dân sự Ukraine đã biển thủ hàng triệu USD tiền xây dựng các tuyến công sự trong khu vực.
Không lâu sau khi một số vụ tham nhũng bị phanh phui, Lầu Năm Góc đã công khai bản báo cáo trong đó nhấn mạnh "tệ nạn tham nhũng vẫn dai dẳng" ở Ukraine và chính "những vụ hối lộ, lại quả, thổi phồng chi phí mua sắm" đã làm hạn chế năng lực phòng thủ của Kiev.
Giới chức Ukraine đã lên tiếng khẳng định những lời buộc tội nói trên của Lầu Năm Góc là hoàn toàn sai sự thật với mục đích bôi nhọ danh tiếng của Ukraine trong bối cảnh "lợi ích của phương Tây tại đây đang bị suy giảm mạnh".
"Nếu chúng tôi tham nhũng đến vậy, các định chế như EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế sẽ không đời nào cung cấp tiền cho chúng tôi", Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố ngay sau cuộc họp với người đồng cấp Mỹ hồi đầu tháng 5.
"Chúng tôi tin vào bản thân mình nhưng họ lại không tin chúng tôi. Đó là vấn đề lớn nhất hiện nay trong quan hệ giữa hai bên", một quan chức Ukraine nói khi đề cập đến mối quan hệ với Mỹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận