Cách cầu vượt QL9 - QL1 qua TP Đông Hà vài chục mét, nhưng đường Lê Văn Hưu vẫn còn gần 300m đường đất ngổn ngang |
Khởi công từ đầu năm 2011 nhưng đến nay đoạn đường dài chưa đầy 450m đường Bà Huyện Thanh Quan vẫn trong thảm cảnh dở dang, nham nhở. Công trình gần 6 tỷ đồng, giờ phủ lớp đất dày, một số vị trí cũng đã xuất hiện “ổ gà” lỗ chỗ nước. “Mưa lầy nắng bụi, người dân phản ánh nhiều lần nhưng không được đầu tư, hoàn chỉnh kịp thời. Sợ nhất mùa mưa trơn trượt, nhiều người bị té ngã”, bà Nguyễn Thị Lan, người dân sống trên “con đường treo” bức xúc.
Tương tự, đường Lê Văn Hưu dài hơn 600m (tổng mức đầu tư trên 6,3 tỷ đồng), mới chỉ hoàn thành hơn nửa, còn lại vẫn nguyên trạng đường đất. Dự án đường Nguyễn Trãi nối dài (từ QL9 đến đường Trần Bình Trọng) dài hơn 472m, tổng mức đầu tư trên 7,6 tỷ đồng cũng chỉ mới hoàn thành khối lượng san nền từ Km0+ 279 - Km0+ 313 phía phải tuyến. Đường nối Lý Thường Kiệt- Trường Chinh dài 444m, tổng mức đầu tư trên 4,3 tỷ đồng, mới thi công cấp phối đá dăm lớp 2 đoạn Km0 - Km0+ 295 và đoạn Km0+ 295 - Km0+ 444 đắp đất k98.
Theo lãnh đạo UBND TP Đông Hà, việc 4 công trình trên “đứng bánh” giữa chừng vì thiếu vốn. Thống kê tổng mức đầu tư xây dựng các tuyến đường trên được phê duyệt trên 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ được bố trí kinh phí trên 14 tỷ đồng.
Đáng kể, 22 tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn TP Đông Hà chưa được đầu tư với tổng chiều dài hơn 48,4 km. Nhiều khu dân cư ở nội thành, các phường ven đô chưa có đường hoặc đường đất, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội cũng như phục vụ dân sinh.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND TP Đông Hà cho biết, thành phố đã xây dựng xong đề án đề xuất huy động nguồn lực, cũng như các tuyến đường cần ưu tiên đầu tư trình các đơn vị liên quan thẩm định, phê duyệt để sớm tổ chức thực hiện. Các tuyến đường đang dở dang do “đói” vốn, UBND tỉnh đã có chủ trương triển khai cụ thể.
Trước tình hình này, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo UBND TP Đông Hà trung tuần tháng 3 phải hoàn chỉnh xếp thứ tự ưu tiên các tuyến đường để trình các Sở ngành liên quan và UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, về nguồn vốn đầu tư áp dụng các cơ chế linh hoạt để huy động các nguồn lực từ nguồn vốn tiết kiệm và nguồn dự phòng của các dự án trên địa bàn thành phố và đô thị liên quan (dự án Retsta, dự án GMS…), ngân sách tỉnh hỗ trợ, ngân sách phân cấp cho TP Đông Hà, quỹ đất và có thể cả vốn vay… Ưu tiên trước mắt là hoàn thành một số tuyến quan trọng và phấn đấu đến hết năm 2017 phải hoàn thành việc nhựa hóa và bê tông hóa toàn bộ các tuyến đường đất đã được đặt tên trên địa bàn thành phố.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận