Hơn 65% ca cấp cứu nhập Bệnh viện Chợ Rẫy do bị TNGT |
Ớn lạnh ở Khoa Cấp cứu
Chiều tối 8/10, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy bệnh nhân nằm la liệt, băng bó khắp người. 5 - 6 bệnh nhân vừa được đưa vào trong tình trạng hôn mê, người đầy máu, trong đó có ca bị chấn thương sọ não đã được bệnh viện tuyến dưới mổ nhưng tình trạng xấu dần nên đã chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy theo dõi tiếp. Trong phòng cấp cứu, 5 bác sĩ và hơn 10 điều dưỡng làm việc không ngơi tay.
Sau gần một giờ nhập viện, bệnh nhân Nguyễn Văn Hải (SN 1970, ở Trảng Bom, Đồng Nai) được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai đang phải đặt nội khí quản, bóp bóng thở, bị dập phù não nặng cả hai bán cầu. Vợ nạn nhân vừa khóc vừa nói: “Ổng ham vui đi nhậu với bạn bè, nhiều lần uống rượu chạy xe máy về an toàn nhưng lần này thì bị nạn. Cầu trời cho ổng giữ được tính mạng…”.
Ở giường cạnh bên, bà Hòa (ở huyện Hóc Môn) đang chăm sóc con trai bị TNGT nhập viện hơn tuần nay. Con bà Hòa bị một thanh niên đi xe máy tông vào, người này được cơ quan công an kết luận có sử dụng rượu bia. “Dù đã qua cơn nguy kịch nhưng con tôi bị gãy một chân, chấn thương vùng mặt và đang được bác sĩ chữa trị”, bà Hòa cho hay.
Chị Phạm Thị Lan, điều dưỡng Khoa Cấp cứu cho biết, những nạn nhân bị TNGT thường có thương tích nặng, quá trình điều trị, chăm sóc rất vất vả, tốn kém. Nhiều trường hợp được cứu sống thì gia đình nạn nhân cũng tiêu tan tài sản, tàn tật đến hết đời.
>>> Xem thêm video:
Uống rượu bia lái xe dễ gây TNGT
Theo BS. Trương Thế Hiệp, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, trung bình một ngày khoa tiếp nhận hơn 65% bệnh nhân do TNGT, trong đó nhiều ca bệnh nhân có nồng độ cồn rất cao. “Những vụ TNGT do uống rượu bia thì bị chấn thương sọ não rất nặng so với người không sử dụng rượu bia. Vì khi người say bị ngã sẽ không còn phản xạ chống đỡ như người tỉnh táo nên chấn thương thường nặng hơn. Hơn nữa, người đã say rồi khi lái xe sẽ mất khả năng kiểm soát tốc độ, thường phóng nhanh, vượt ẩu nên xảy ra tai nạn là điều khó tránh khỏi”, BS. Hiệp nói.
"Để hạn chế TNGT liên quan đến rượu bia, Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng rượu, cấm công chức, viên chức uống rượu trong giờ làm. Cấm sử dụng rượu, say rượu ở một số nơi công cộng... đầu tư trang bị máy đo nồng độ cồn cho lực lượng CSGT”. Ông Nguyễn Ngọc Tường |
Theo BS. Hiệp, kết quả điều tra của Bộ Y tế, trong gần 20 nghìn bệnh nhân bị TNGT nhập viện có gần 67% người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu cao, 45% vẫn tham gia giao thông hai giờ sau khi uống rượu bia. Sử dụng bia rượu quá mức không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn là nguyên nhân chính của bạo lực gia đình và TNGT. Thống kê của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho thấy, cứ 100 người mắc bệnh tâm thần thì có đến 30 người trong số đó bị loạn thần kinh liên quan đến bia rượu. Nhiều trường hợp “ma men” đến một ngày nào đó dễ mắc bệnh hoang tưởng, rối loạn trí nhớ, không kiểm soát được hành vi... Tác hại lâu dài trên não, tạo ra những tổn thương không hồi phục, nhất là những loại rượu pha chế không rõ nguồn gốc.
Một trong những địa phương có số vụ TNGT tăng cao trên địa bàn TP.HCM 8 tháng đầu năm là huyện Củ Chi. Ông Nguyễn Văn Thuyền, Trưởng công an huyện Củ Chi cho biết, tình hình ATGT trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, việc quản lý gặp khó khăn do người dân tỉnh khác đến tạm trú đông. Tình trạng lái xe uống rượu bia còn diễn ra khá nhiều, trong đó nhiều vụ TNGT do rượu bia. “Riêng tháng 9, trên địa bàn huyện có 10 người chết vì TNGT, tăng 6 người so với cùng kỳ năm 2015, trong đó TNGT liên quan đến rượu bia chiếm khoảng 40%. “Huyện sẽ xây dựng kế hoạch ra quân tuyên truyền giáo dục người dân, đồng thời tăng cường lực lượng xử phạt mạnh lái xe vi phạm nồng độ cồn”, ông Thuyền nói.
Còn ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban ATGT TP HCM cho biết: “TP HCM có hàng chục nghìn quán nhậu vỉa hè. Do vậy, ngoài việc tuyên truyền khẩu hiệu trên các giá long môn, 48 bảng điện tử trên các tuyến đường của thành phố, Ban ATGT đã đề nghị thành phố triển khai tổ công tác gồm các lực lượng như: CSGT, Cảnh sát cơ động phối hợp kiểm tra ngay phía ngoài nhà hàng, quán nhậu; Tăng cường xử phạt các lái xe uống rượu bia trên các tuyến đường này, đồng thời khuyến cáo các nhà hàng treo băng rôn “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận