CEO Alibaba Nguyễn Thái Luyện thời điểm bị bắt.
Ngày 4/1, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết đã chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Đồng Nai, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Công an tỉnh Bình Thuận để điều tra một số sai phạm có liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba.
Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố đối với 23 bị can thuộc nhóm Công ty liên quan đến Công ty Alibaba về hai tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền".
Công an TP.HCM cho hay, toàn bộ dự án dân cư ở 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận được vẽ lập trái phép trên một diện tích đất nông nghiệp đặc biệt lớn mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng, không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Do đó, việc chuyển nhượng không được xem là hợp đồng dân sự hợp pháp để có thể thực hiện theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo. Đồng thời số tiền mua đất nền của khách hàng được xác định đã bị chiếm đoạt bởi hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất thổ cư không có thật của Luyện cùng đồng phạm tại thời điểm nhận tiền thanh toán từ khách hàng.
Tính đến ngày 15/12/2020, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tiếp nhận 3.924 đơn trình báo, tố giác tội phạm từ người bị hại, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và đồng phạm với số tiền bị chiếm đoạt hơn 2.300 tỷ đồng.
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM xác định Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện), Nguyễn Thái Lực (em Luyện) và Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán trưởng Alibaba) thực hiện hành vi "Rửa tiền".
Cụ thể, các bị can đã chuyển số tiền 13 tỉ đồng có nguồn gốc bất hợp pháp, chiếm đoạt được của khách hàng lần lượt qua các tài khoản của Thắng, Mai và Lực mở tại một ngân hàng trong các ngày 19/9/2019 và 20/9/2019 để che giấu nguồn gốc, sau đó, rút và sử dụng cho cá nhân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận