Ngày 14/2, Trung tâm nghiên cứu đô thị phát triển và Trung tâm ứng dụng hệ thống thông tin địa lý TP.HCM tổ chức hội thảo “Xây dựng WebGIS phục vụ quản lý và công bố thông tin, hỗ trợ công tác quy hoạch, đặt đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM”.
Đường Lê Thánh Tôn bị đặt sai từ năm 1955, tên đúng là Lê Thánh Tông nhưng được đề xuất giữ nguyên tên cũ để tránh bị xáo trộn
Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết hiện TP.HCM có gần 400 tên đường cần đổi.
Cụ thể, trong gần 400 tên đường cần đổi thì có 311 đường trùng tên với 132 tên đường, như đường Lê Lai (Q1, Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn), Lê Lợi (Quận 1, Gò Vấp, Thủ Đức), Cô Bắc, Cô Giang (Quận 1, Phú Nhuận), Phan Văn Trị (Gò Vấp, Bình Thạnh, Quận 5)…; 38 tên đường không chính xác làm người dân không biết đúng tên các nhân vật lịch sử hoặc địa danh, như Kha Vạn Cân (tên đúng là Kha Vạng Cân), Tôn Đản (tên đúng là Tông Đản), Trương Quốc Dung (tên đúng là Trương Quốc Dụng)….
Trong số này còn có 21 tên đường không có ý nghĩa về lịch sử văn hoá bởi ban đầu chưa có tên nên người dân tự đặt cho tiện liên lạc, trao đổi thông tin và dần dần thành quen. Ví dụ như đường Bùi Hữu Diện Lô 1, Hoàng Diệu 2… và các trường hợp tên đường còn chưa thống nhất ý kiến như: Cao Đạt, Khải Định, đường Ấp Chiến lược…
Theo Tiến sĩ Trương Hoàng Trương, Trưởng Khoa Đô thị học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, hệ thống tên đường tại TP với khoảng 3.600 đường có tên, nhiều đường chưa có tên và nhiều đường sẽ xuất hiện do sự phát triển đô thị.
Tại khu vực trung tâm TP, tên đường tuy ổn định nhưng còn tình trạng sai tên, trùng tên. TP cần ưu tiên đổi tên 38 tên đường không chính xác, làm người dân không biết đúng tên các nhân vật lịch sử hoặc địa danh. Việc đổi tên đường là cần thiết nhưng nên hạn chế tối đa. Tên đường thay đổi sẽ dẫn đến xáo trộn lớn cho cuộc sống người dân.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng đề xuất mỗi tên đường có một mã QR để quét vào là có thông tin. Một vấn đề nữa là các dự án, khu đô thị mới thường tự đặt tên đường nhưng về lâu về dài gây khó khăn cho công tác quản lý, do vậy cơ quan chức năng cần đặt tên đường từ sớm.
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị có thể mở rộng kho dữ liệu tên đường bằng việc bổ sung thêm tên không chỉ có các nhân vật lịch sử có công với đất nước mà còn các nhân vật có nhiều đóng góp cho lịch sử phát triển của TP.HCM ở các thời kỳ, hoặc tên các nhà khoa học quốc tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận