Ngày 27/1, nguồn tin của phóng viên cho biết: UBND TP.HCM đã công bố danh mục chi tiết các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn thành phố năm 2021. Theo đó, UBND TP.HCM đã “điểm danh” 32 điểm sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm.
UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư đang triển khai thực hiện các dự án kè chống sạt lở chủ động khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và sớm triển khai thi công các dự án kè phòng, chống sạt lở.
Rạch Giồng Ông Tố (TP.Thủ Đức) có 2 điểm sạt lở trong danh sách 32 điểm sạt lở mà UBND TP.HCM công bố. Trong ảnh, là một điểm sạt lở được UBND phường Bình Trưng Tây treo biển cảnh báo. Ảnh: Quang Phương.
UBND TP.HCM giao Sở TNMT phối hợp với UBND TP.Thủ Đức và các quận - huyện, các đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án kè chống sạt lở trong thời gian ngắn nhất.
Việc làm trên nhằm sớm có mặt bằng phục vụ thi công hoàn thành dứt điểm các dự án kè trên địa bàn TP.HCM nhằm phát huy hiệu quả phòng chống sạt lở, ngăn triều bảo vệ an toàn khu dân cư.
UBND TP.HCM yêu cầu UBND TP Thủ Đức và các quận - huyện tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ bao, đê bao, bờ kè đảm bảo an toàn hệ thống công trình phục vụ ngăn triều, phòng, chống sạt lở.
Đối với 7/32 vị trí sạt lở trong danh mục đã được công bố nhưng chưa có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở tại địa bàn TP.Thủ Đức, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ, UBND TP.HCM đề nghị các địa phương này cần thông báo, cảnh báo cho người dân biết để chủ động phòng tránh.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức vận động, bố trí lực lượng xung kích hỗ trợ các hộ dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm đến nơi tạm cư an toàn; khảo sát đề xuất giải pháp xử lý sạt lở cho 7 vị trí này báo cáo UBND TP.HCM
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận