Xóa chỗ này phát sinh chỗ khác
Tại "điểm đen" trên đường Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân (từ số nhà 466 đến số nhà 486), PV Báo Giao thông nhận thấy giao thông khá thông thoáng, không có dấu hiệu của một "điểm đen" nguy hiểm.
Thế nhưng, đáng chú ý từ trước số nhà 466 có hai cột biển báo tốc độ đặt trước đoạn barie ngăn giữa 2 làn ô tô và xe máy. Từ đây đến nút giao với đường Tên Lửa (gần số nhà 486) đã từng xảy ra hai vụ tai nạn giao thông (TNGT) chết người.
Ám ảnh khi chứng kiến các vụ tai nạn xảy ra tại đây, ông Nguyễn Văn Hải, bảo vệ tòa nhà 486 trên đường Kinh Dương Vương, chia sẻ: "Nơi đây đã xảy ra các vụ TNGT vào buổi tối làm hai người chết chỉ trong 3 tháng. Trong đó có vụ người đi xe máy đã uống rượu bia chạy vào làn ô tô rồi đâm vào con lươn, tử vong tại chỗ".
Theo ông Hải, đoạn đường này rất ngắn, chỉ chừng 150m đến nút giao, người dân nên đi chậm và đi đúng làn đường thì sẽ không xảy ra tai nạn, sẽ xóa được "điểm đen" trên.
Một bảo vệ trước số nhà 466, chỉ tay vào biển báo đường Kinh Dương Vương cho biết: "Hai năm trước đây nơi này hay xảy ra việc xe máy tông vào cột biển báo. Do vậy, cơ quan chức năng đã phải đặt thùng giảm chấn trước cột biển báo để tránh tai nạn cho người dân. Hiện nay, tình trạng va chạm vào biển báo đã giảm".
Ngay đoạn gần cầu vượt thép Ba Tháng Hai – Nguyễn Tri Phương, quận 10 cũng là một "điểm đen" từng xảy ra hai vụ TNGT chết người. Vị trí xảy ra tai nạn đoạn dốc cầu phía quận 10 gần với đường Sư Vạn Hạnh.
Ngày 7/11 vừa qua, đã xảy ra một vụ tai nạn khi một phụ nữ đi xe máy tông vào xe ba gác đang chở thép phía trước, nạn nhân tử vong tại chỗ.
Sau vụ tai nạn, Trung tâm Quản lý giao thông đường bộ TP.HCM đã lắp biển cảnh báo, làm gờ giảm tốc, cọc cao su phản quang phân cách hai làn đường ô tô và xe máy từ dốc cầu đổ xuống. Đây là điểm đen giao thông mới phát sinh từ tháng 10 trong tổng số 9 điểm đen trên toàn thành phố.
Một "điểm đen" chưa thể xóa được, từ năm này sang năm khác là nút giao Mỹ Thủy, TP Thủ Đức luôn là nỗi sợ hãi, ám ảnh của nhiều người đi qua khu vực này khi thường xuyên xảy ra va chạm, TNGT giữa xe container với xe máy.
Nút giao không có đường riêng cho xe máy, ô tô, các phương tiện chen chúc nhau để vượt. Nguyên nhân các vụ tai nạn hầu hết do lái xe thiếu quan sát, xe máy chạy vào các điểm mù của xe container.
Hằng ngày đi làm trên đường Đồng Văn Cống qua nút giao Mỹ Thủy để về nhà, chị Vũ Thị Hiên luôn cảm thấy bất an. Chị chia sẻ: "Từ đường Mai Chí Thọ vào Đồng Văn Cống tuy nhiều xe container nhưng đường rộng và có làn xe riêng cho xe máy. Nhưng khi đi đến nút giao Mỹ Thủy thì tôi luôn cảm thấy không an toàn vì vây quanh toàn xe container che khuất tầm nhìn.
Có những xe đến vòng xoay mà vẫn đi với tốc độ khá cao cùng với tiếng gầm rú nghe rất khủng khiếp. Khi đi đến đây tôi phải chạy chậm, chờ cho bớt xe và luôn né xa xe container mới dám đi tiếp".
Những "điểm đen" còn lại hầu hết ở các quận ngoại thành, cửa ngõ và chiếm phần lớn ở các giao lộ. Theo Sở GTVT TP.HCM, đây là các vị trí giao thông phức tạp, lưu lượng xe lớn, khó kiểm soát, dễ xảy ra tai nạn.
Cụ thể là giao lộ Nguyễn Văn Linh – QL50; Nút giao thông Bình Thuận (Bình Chánh); Giao lộ QL1 – Tân Kỳ Tân Quý (Q.Bình Tân); Giao lộ Phan Văn Hớn – Trần Văn Mười (Hóc Môn); 834 đường Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp); 4/5 đường Huỳnh Tấn Phát (Nhà Bè)…
Trước đó, ngành chức năng đã xóa được 7 "điểm đen" giao thông phần lớn ở các giao lộ như nút giao An Sương, Võ Trần Chí – Trần Văn Giàu, Thoại Ngọc Hầu – Lũy Bán Bích… Thế nhưng, từ giữa năm 2023 lại xuất hiện 7 "điểm đen" khác.
Hạ tầng chưa đáp ứng, ý thức người dân chưa cao
Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM thông tin: Trên thực tế, hiện nay giao thông ở TP.HCM có lưu lượng xe rất lớn trong khi kích thước mặt đường chật hẹp, ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế dẫn đến tình hình giao thông diễn biến phức tạp. Mặt khác, nhiều nơi công trình làm đường choán hết mặt đường, ảnh hưởng giao thông đi lại.
Hệ thống đường bộ ở TP.HCM chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Tổng chiều dài các tuyến đường trên 4.000km chỉ đạt tiêu chuẩn 2,34km (trên tổng quỹ đất đô thị), trong khi đó theo quy định phải đạt khoảng 10,3km. Diện tích đất dành cho giao thông đạt 13,04%, trong khi đó quy định là phải đạt 24-26% (trên tổng quỹ đất đô thị).
Cần hiểu "điểm đen" là vị trí xảy ra ít nhất hai vụ TNGT có người chết hoặc 4 vụ TNGT có người bị thương. Xóa được "điểm đen" cũng phải đạt được tiêu chí an toàn, trong một năm không xảy ra tai nạn tương tự.
Bên cạnh đó, số lượng phương tiện giao thông tăng cao, có tới 9 triệu phương tiện, trong đó 930 ô tô, hơn 8 triệu mô tô, tỉ lệ ô tô tăng 5,3% so với năm 2022. Dân số thành phố hiện có hơn 14 triệu người, hệ thống hạ tầng giao thông đang quá tải.
Theo ông Khánh Hưng, từ đó việc xóa "điểm đen" giao thông có nhiều trở ngại, xóa được chỗ này lại phát sinh chỗ khác. Hoặc có những điểm mãi chưa xóa được, như vòng xoay Mỹ Thủy.
Riêng với nút giao Mỹ Thủy, Sở GTVT đã có nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Cụ thể, lắp băng rôn tuyên truyền chú ý quan sát, tách riêng pha đèn tín hiệu cho ô tô với xe 2 bánh, tăng thêm tín hiệu đèn dòng xe rẽ vào đường Võ Chí Công nhằm tránh giao cắt với xe hai bánh, sơn vạch giảm tốc, kẻ vạch chỉ hướng, tăng cường phản quang, tạo tiểu đảo...
Hướng từ đường Võ Chí Công đến nút giao Mỹ Thủy, Sở GTVT đã cho lắp cột đèn tín hiệu giao thông để hạn chế các dòng xe đổ dồn vào vòng xoay, do đây là nút giao lớn rất nhiều xe container ra vào cảng Cát Lái.
Theo ý kiến của các chuyên gia trường Đại học GTVT, nguyên nhân còn tồn tại các "điểm đen" giao thông, là do kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, ý thức của người tham gia giao thông hạn chế, đặc biệt người tham gia giao thông thiếu kỹ năng xử lý tình huống trên đường, nhất là người đi xe máy và các tài xế mới. Người lái lâu năm sẽ có kỹ năng lái xe tốt hơn, phán đoán được nhiều tình huống không an toàn.
Đơn cử như tại nút giao Mỹ Thủy, nhiều người đi xe máy không biết đâu là điểm mù của xe container, cứ thế mà đi sát vào các vị trí nguy hiểm. Các chuyên gia này đề xuất: Với các tình huống nguy hiểm, các vị trí "điểm đen" xảy ra tai nạn cần được đưa vào giáo trình đào tạo sát hạch lái xe để xây dựng kỹ năng và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Như vậy, sẽ hạn chế được TNGT nghiêm trọng.
Thượng tá Đoàn Văn Qưới, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết, CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm giao thông đường bộ, đặc biệt các hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông như lưu thông không đúng làn đường, vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn…
Song song đó, bố trí lực lượng thường xuyên chốt tại các "điểm đen", tăng cường xử phạt. Đơn cử, với vòng xoay Mỹ Thủy, CSGT đã phối hợp với cảng Cát Lái xử phạt những xe container nhiều lần vi phạm giao thông, gửi danh sách về cảng để từ chối không cho phương tiện vi phạm vào cảng. Việc này nhằm nâng cao ý thức cho lái xe.
Trong quá trình xử lý vi phạm, CSGT cũng gặp khó khăn khi tuần tra kiểm soát tại các vị trí điểm đen. Vì mỗi vị trí "điểm đen" khác nhau, tổ chức giao thông cũng khác nhau. Chẳng hạn, có những "điểm đen" lòng đường hẹp, hoặc tại các vòng xoay rộng lớn, khó quan sát, dễ gây tai nạn giao thông…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận