Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM |
Nhiều cơ chế đột phá xuất phát từ TP.HCM
Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của ngành GTVT TP HCM sau 42 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước?
Trong 42 năm qua, ngành GTVT Thành phố đã thể hiện truyền thống năng động sáng tạo, luôn “đi trước mở đường”, mạnh dạn đổi mới, dám làm dám chịu trách nhiệm. Điều này đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển KT-XH của thành phố qua từng thời kỳ.
Giai đoạn từ 1975 - 1991, tập trung khôi phục hệ thống hạ tầng giao thông. Một trong những thành tựu khó quên là hàng trăm km đường giao thông nông thôn được xây dựng, nhiều con đường cấp phối sỏi đỏ, cầu dầm thép sàn gỗ được xây dựng đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân vùng sâu, vùng xa.
Thời kỳ 1991 - 2005 đánh dấu sự bứt phá về việc đầu tư kết cấu hạ tầng. Ngành giao thông đã tập trung nâng cấp đường Nguyễn Tất Thành, liên tỉnh lộ 15, tỉnh lộ 10, tỉnh lộ 6-7-8, tỉnh lộ 14, tỉnh lộ 43 và hương lộ 33 quận Thủ Đức... tạo thuận lợi trong thông thương hàng hóa. Những năm tiếp theo, nhiều công trình giao thông được hoàn thành, từng bước đánh dấu sự phát triển của ngành cũng như sự đổi thay diện mạo của thành phố như: Cầu Dần Xây, cầu Ông Lãnh, cầu đường Nguyễn Tri Phương, đường Nguyễn Văn Linh, cầu Tân Thuận 2, cầu Nguyễn Văn Cừ; Đường Kinh Dương Vương, đường Điện Biên Phủ, đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường Cộng Hòa, đường Trường Chinh, đường trục Bắc - Nam, đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, xa lộ Hà Nội, cầu Thủ Thiêm...
Từ năm 2005 đến nay, tiếp tục phát triển hệ thống GTVT lên một tầm cao hơn với nhiều công trình như cầu Phú Mỹ, hầm Thủ Thiêm, đại lộ Đông Tây, đường Phạm Văn Đồng… là động lực để thành phố phát triển nhanh và bền vững.
Nhiều chuyên gia đánh giá TP.HCM là nơi khởi đầu của nhiều chính sách trong thu hút vốn đầu tư hạ tầng giao thông như BOT, BT…, ông đánh giá như thế nào về vai trò của các chính sách này đối với sự phát triển hạ tầng của thành phố?
TP HCM là nơi xuất phát những dự án BOT, BT đầu tiên của cả nước ngay khi các cơ chế, chính sách cho các loại hình này chưa hoàn chỉnh. Chẳng hạn tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng) là tuyến đầu tiên thực hiện bằng hình thức BT. Đây cũng là dự án BT đầu tiên do một nhà đầu tư nước ngoài thực hiện.
Hay như trước đó, việc chuyển quyền thu phí của hai tuyến đường Kinh Dương Vương và xa lộ Hà Nội để thành phố có hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư vào các công trình hạ tầng khác cũng là mô hình đầu tiên trong cả nước. Rồi các dự án như xa lộ Hà Nội, QL1, cầu đường Bình Triệu 2... Từ thực tiễn đó đã giúp các cơ quan nhà nước dần hoàn thiện các chính sách về BOT, BT, sau này là PPP để nhân rộng ra trong cả nước.
Giao thông phát triển “đi trước mở đường” kéo theo sự phát triển của các khu đô thị (Trong ảnh: Xa lộ Hà Nội phát triển kéo theo sự phát triển của các khu đô thị dọc từ quận 2 đến quận 9) - Ảnh:Linh Hoang |
Xóa mờ ranh giới hành chính các địa phương
Những năm gần đây dường như TP.HCM chưa có những bước đột phá nào mới trong thu hút nguồn vốn đầu tư hạ tầng, phải chăng thành phố đang “tắc” về vấn đề này?
Trước đây, khi cơ chế chính sách chưa hoàn thiện, từ thực tiễn và sự năng động, sáng tạo của thành phố đã đưa đến những quyết sách mang tính đột phá và chưa có tiền lệ. Những quyết sách trong việc đầu tư BOT, BT, chuyển nhượng quyền thu phí… là những ví dụ điển hình. Hiện nay, các cơ chế chính sách về xây dựng cơ bản, đối tác công - tư cơ bản hoàn thiện. Nhưng các cơ chế này đã được áp dụng chung cả nước. Điều này đòi hỏi thành phố tiếp tục tìm tòi những cơ chế đột phá mới để có bước phát triển tiếp theo. Cái khó là thành phố không được tự quyết định những chính sách mà phải xây dựng theo những đề án, đề xuất cơ chế chính sách để Chính phủ xem xét chấp thuận. Hiện nay, thành phố đang xây dựng những cơ chế để tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông của thành phố.
Trong khoảng 10 năm tới, hạ tầng giao thông TP HCM có những bước phát triển theo hướng nào, thưa ông?
Định hướng phát triển giao thông TP.HCM trong khoảng 10 năm tới là rất rõ và đã được vạch ra trong chiến lược phát triển giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quan điểm của chúng tôi trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là từng bước làm mờ đi ranh giới hành chính giữa các tỉnh. TP.HCM không thể phát triển nếu các tỉnh lân cận không phát triển. Đơn giản như chuyện kẹt xe, ùn tắc mãi ở Cai Lậy, tưởng chỉ là chuyện của Tiền Giang nhưng xe kẹt ở đó thì không về được TP.HCM mà xe từ TP.HCM cũng không về được miền Tây. Điều này cho thấy sự cần thiết, tính quan trọng, cấp bách cần phải thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng. Sau khi xác định cùng thống nhất hướng tuyến, đường đi qua địa bàn các tỉnh thành sẽ phân khai nguồn lực đầu tư, GPMB cho các bên.
Trong 10 năm tới giao thông của TP.HCM và của vùng sẽ có bước phát triển mang tính kết nối hơn. Cụ thể là các tuyến vành đai 2 sẽ hoàn thành. Vành đai 3 đoạn Bến Lức - Long Thành và Tân Vạn - Nhơn Trạch cũng sẽ xong. Vành đai 4 cũng sẽ hoàn thiện từng phần như đoạn Bến Lức - Hiệp Phước. Hệ thống các đường cao tốc như: Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành cũng sẽ hoàn thành. Trong nội đô thì các tuyến đường trên cao số 1, số 5; Đường sắt đô thị số 1, 2, 5 cũng sẽ được hoàn thành để khai thác. Sẽ đưa vào khai thác Trung tâm Điều hành giao thông thông minh của TP để việc quản lý điều hành giao thông, hoạt động vận tải được tối ưu hóa. Từ đó, góp phần giảm TNGT, ùn tắc giao thông.
Là một lãnh đạo có tuổi đời trẻ nhất qua các thời kỳ của ngành GTVT thành phố, ông thấy mình có những lợi thế gì?
Tuổi trẻ là một lợi thế nhưng cũng có hạn chế như sự trải nghiệm, kinh nghiệm, sự tự chủ. Quan điểm của tôi thì tuổi tác không phải là vấn đề quan trọng. Qua thực tiễn điều hành công việc ở Sở GTVT, một nơi chịu áp lực rất lớn, tôi thấy rằng điều cần thiết là tư duy, phong cách lãnh đạo, quản lý của người lãnh đạo làm sao thích ứng và theo kịp sự phát triển của ngành. Đấy mới là điều quan trọng quyết định sự thành công của công việc.
Tôi thấy mình may mắn khi được giao nhiệm vụ Giám đốc Sở GTVT, cụ thể là được sự ủng hộ, chia sẻ của các thế hệ lãnh đạo đi trước, sự tin cậy, sát cánh của tập thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành hiện nay. Điều này giúp cho tôi có nền tảng quan trọng để cùng với tập thể ngành GTVT thành phố hoàn thành các chương trình nhiệm vụ trong thời gian tới.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận