Đô thị

TP.HCM: Đề xuất mở thêm buýt sông vì hút khách

13/11/2021, 06:09

Trái ngược với cảnh đìu hiu của các tuyến buýt trên bộ, buýt đường sông ở TP.HCM được nhiều hành khách lựa chọn khi hoạt động lại từ 10/2021.

Trước những tín hiệu tích cực, nhà đầu tư đề xuất thí điểm thêm 2 tuyến với tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng.

img

Tuyến buýt sông số 1 Bạch Đằng - Linh Đông. Ảnh: Đỗ Loan

Bến Bạch Đằng nhộn nhịp

Ngày 10/11, ghi nhận của PV tại bến Bạch Đằng (quận 1), khu vực bán vé buýt đường sông khá đông khách đến mua vé. Phần lớn những người đi buýt sông là khách đi trải nghiệm, thưởng ngoạn cảnh sông nước sau những ngày dịch Covid-19 bùng phát phức tạp.

Giá vé cho suốt chặng đường 11km là 15.000 đồng. Đây là tuyến buýt không trợ giá, do tư nhân đầu tư.

Buýt đường sông không chỉ góp phần giảm áp lực giao thông đường bộ mà còn phát triển du lịch. Tuy nhiên, mô hình này còn khá mới nên cần có những chiến lược thu hút nhiều người tham gia mới phát huy hết vai trò của buýt đường sông. Việc kết nối giữa đường bộ và đường thủy khi đi buýt sông phải thuận lợi cho hành khách ngay từ đầu để người dân cảm thấy thích thú hơn đi đường bộ.
GS. TS. Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa - Du lịch


Chị Nguyễn Thu Thủy, một hành khách cùng cả gia đình có mặt tại quầy vé hồ hởi: “Mấy tháng nay giãn cách xã hội, phải ở trong nhà suốt, hôm nay cả gia đình mua vé đi buýt đường sông để thay đổi không khí. Tôi thấy buýt sông khá thú vị, giá vé rẻ, cả nhà tôi đi chơi một lượt đến bến Linh Đông rồi về”.

Trong khi đó, em Phạm Thùy Linh, đi buýt sông một mình chia sẻ: “Do dịch, trường chưa nhập học trở lại nên em có thời gian để đi chơi. Đi buýt sông lúc này rất thoáng vì mỗi tàu chỉ chở một nửa công suất nên khá rộng rãi, an toàn”.

Một nhân viên trên tàu buýt sông cho biết, sau mấy tháng tạm ngưng do dịch, đến khi hoạt động trở lại, hành khách rất phấn khởi.

Những ngày đầu lượng khách đến bến đều rất đông. Bến phải đảm bảo hành khách giữ khoảng cách an toàn để phòng chống dịch mới được lên tàu.

Cũng theo nhân viên này, các chuyến hút khách nhất thường khoảng từ 15h. Khách lựa chọn chuyến từ bến Bạch Đằng (quận 1) xuống bến cuối Linh Đông (quận Thủ Đức) với quãng đường gần 11km để ngắm sông nước.

Qua đến bến cuối, hành khách thường ngồi chơi, chụp ảnh, sau 30 phút rồi tiếp tục quay trở lại bến Bạch Đằng.

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư) cho biết, để chuẩn bị cho ngày hoạt động lại, đơn vị đã tổ chức tiêm vaccine cho tất cả thuyền viên trên tàu.

Hiện nay, mỗi ngày có 12 chuyến phục vụ khách với 50% công suất/chuyến. Mỗi ngày có khoảng 300 lượt hành khách, trung bình mỗi chuyến có 25 hành khách.

“Mỗi chuyến chỉ được chở với 50% công suất và số lượng hành khách đi như hiện nay là rất khả quan, hoạt động không bị lỗ”, ông Toản nói.

Đề xuất đầu tư 260 tỷ đồng mở thêm 2 tuyến

img

Để an toàn dịch, mỗi tàu buýt sông chỉ chở 50% số khách. Ảnh: Đỗ Loan

Sau 4 năm đi vào hoạt động, tuyến buýt số 1 (Bạch Đằng -Linh Đông) hoạt động khá hiệu quả, khách du lịch trong nước và nước ngoài đều cảm thấy hào hứng với tuyến này.

Để mở rộng tuyến buýt đường sông, Công ty TNHH Thường Nhật tiếp tục đề xuất thí điểm thêm 2 tuyến buýt sông từ quận 1 đi quận 7 gồm: Tuyến số 3 (Bạch Đằng - Mũi Đèn Đỏ) và số 4 (Bạch Đằng - Phú Mỹ Hưng).

Trong đó, tuyến buýt sông số 3 dài 13km, từ bến Bạch Đằng theo sông Sài Gòn đến Mũi Đèn Đỏ, thời gian chạy khoảng 56 phút. Ngoài hai bến đầu và cuối, trên tuyến xây 9 bến cho khách lên xuống, trong đó 2 bến thuộc quận 7.

Tuyến số 4 dài hơn 13km, từ trung tâm thành phố theo sông Sài Gòn qua các kênh Tẻ, rạch Ông Lớn, rạch Đỉa đến Phú Mỹ Hưng, thời gian tàu chạy khoảng 1 tiếng.

Tuyến này dự kiến làm 9 bến trên hành trình cùng 2 bến đầu và cuối, bao gồm 4 bến đi qua quận 7. Nhà đầu tư bố trí tàu 30 ghế khi khai thác tuyến số 4 và 50 ghế cho tuyến số 3 để phù hợp địa hình các tuyến sông, kênh, rạch.

Theo ông Nguyễn Kim Toản, sau thời gian tuyến buýt sông số 1 đi vào hoạt động, nhà đầu tư có đủ năng lực cũng như kinh nghiệm để đề xuất khai thác thêm 2 tuyến buýt sông trên địa bàn quận 7.

Hiện đơn vị đang chờ ý kiến của cơ quan chức năng chấp thuận.

Sau khi được chấp thuận, trong vòng 6 tháng nhà đầu tư sẽ chuẩn bị xong về bến bãi, tàu thuyền để có thể khai thác ngay. Hai tuyến trên đề xuất thí điểm trong 5 năm, tổng kinh phí đầu tư gần 260 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự huy động.

Trước đó, UBND quận 7 đã có văn bản gửi các sở ngành liên quan xem xét, chấp thuận bổ sung 2 tuyến nêu trên vào dự án theo đúng quy hoạch. Quận 7 đánh giá 2 tuyến vận chuyển hành khách công cộng bằng đường thủy phù hợp định hướng phát triển trên địa bàn quận.

Đặc thù địa lý quận 7 gắn liền với hệ thống sông nước, toàn quận được bao quanh bởi sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, sông Phú Xuân, rạch Đĩa - rạch Dơi, sông Ông Lớn và kênh Tẻ, đảm bảo kết nối thuận lợi với nhiều quận, huyện và tỉnh, thành lân cận.

“Việc đầu tư xây dựng 2 tuyến buýt sông với mục đích phục vụ vận chuyển hành khách công cộng, phát triển du lịch, thương mại nhằm tạo sức bật phục hồi kinh tế sau đại dịch”, lãnh đạo quận 7 đề xuất.

Ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý Giao thông đường thủy, Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện đề xuất của Công ty TNHH Thường Nhật mới chỉ là ý tưởng, chưa có bản vẽ và phương án cụ thể.

Tuy nhiên, kế hoạch mở thêm các tuyến đường thủy phát triển du lịch, vận tải hàng hóa nằm trong quy hoạch bến bãi đã có trước đó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.