Ông Triệu Khắc Dũng - Phó cục trưởng cục QLXD&QLCLCTGT đang trao đổi với các thành viên đoàn công tác và đại diện Tư vấn Thiết kế tại điểm nối Dầu Giây. |
Vừa qua đoàn Công tác của Bộ GTVT do ông Triệu Khắc Dũng – Phó cục trưởng cục QLXD&QLLCCTGT dẫn đầu đã tiến hành khảo sát trực tiếp tại 4 điểm nối (Dầu Giây, Suối Tre – Sông La Ngà, Suối Nho,Tân Phú) thuộc dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Tại các điểm nối cụ thể, đoàn công tác đã trao đổi với phía Tư vấn thiết kế những yêu cầu cụ thể về kỹ thuật: về các điểm nối và giao cắt dân sinh, phương án thoát nước dọc, dồn về khu cống. Xem xét, đối với các đoạn đường có thể gây sạt, lở cần tính đến phương án gia cố. Đối với khu vực dự án đi qua như cầu cầu La Ngà thì cần phải tính đến yếu tố thủy văn, kết nối khẩu độ cho phù hợp…
Ngay sau buổi khảo sát, đoàn công tác đã tiến hành họp nhanh và yêu cầu phía Tư vấn thiết kế phối hợp với các đơn vị làm việc với địa phương để thống nhất quy hoạch kết nối giao thông: quốc lộ, tỉnh lộ, công tác dân sinh giữa các xã, làng có tuyến đường đi qua để chốt vị trí; có sơ đồ cụ thể làm rõ về vị trí bãi đất, đá, xả thải… liên quan tới tác động môi trường.
Đối với các nút giao nằm trong khu dân cư: cần so sánh và tính toán vị trí phù hợp, có thể thực hiện theo đường vòng nếu giảm được chi phí đền bù và đảm bảo công tác dân sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Đặc biệt, đối với công tác dân sinh, đoàn cũng đề nghị phía Tư vấn thiết kế tính toán sự phát triển về mật độ cư dân trong tương lai khi có tuyến đường để xem xét và đa dạng hóa việc tổ chức nút giao cắt. Đối với việc sử dụng đường tại địa phương, đoàn cũng đề nghị phía Tư vấn thiết kế phối hợp lập trụ dù kinh phí, đền bù, sử dụng vốn nhà nước và BOT cụ thể.
Đoạn cao tốc từ Liên Khương - Đà Lạt đã được đầu tư và đưa vào khai thác. |
Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là dự án trọng điểm quốc gia được kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT. Theo quyết định được Bộ GTVT phê duyệt tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương có 3 dự án thành phần, bao gồm: đoạn Dầu Giây - Tân Phú; Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.
Đây là tuyến đường có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vừa giảm tải cho quốc lộ 20, đồng thời kết nối hoàn chỉnh, đồng bộ với hệ thống mạng lưới đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây – Vũng Tàu, tạo sự liên kết bền vững vùng, thuận tiện cho phát triển giao thương, du lịch…giữa các tỉnh Lâm đồng, Đồng Nai, TP.HCM, Vũng Tàu và giữa khu vực miền Đông Nam Bộ phía Nam với khu vực Tây Nguyên.
Dự kiến sau khi hoàn thành tuyến cao tốc, thời gian di chuyển từ TP.HCM lên Đà Lạt sẽ chỉ còn khoảng hơn 3 giờ, giảm được khoảng 4 giờ so với di chuyển trên QL20 như hiện nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận