Sáng 11/7, đại biểu HĐND khóa X, kỳ họp thứ 10 thông qua tờ trình về việc đổi tên 8km xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức) thành đường Võ Nguyên Giáp.
Đoạn đường được kiến nghị đổi tên có chiều dài 7,79km. Trong đó, đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Bình Thái dài 5,9km; đoạn từ ngã tư Bình Thái đến ngã tư Thủ Đức dài 1,89km.
Đoạn xa lộ Hà Nội được đổi tên đường thành Võ Nguyên Giáp. Đồ họa: Thư Trần
Trước đó, người dân tại 8 phường trên xa lộ Hà Nội được đổi tên đồng ý với 91,5% (tương đương 467/510 phiếu đồng ý, 39 phiếu không đồng ý và 4 phiếu không có ý kiến) với phương án trên.
Xa lộ Hà Nội có tên cũ là Xa lộ Biên Hòa được xây dựng từ năm 1957 đến năm 1961. Con đường này dài 31km, bắt đầu từ Cầu Sài Gòn, kết thúc là nút giao cắt QL1A tại ngã 3 Chợ Sặt, phường Tân Biên, TP Biên Hòa.
Đây là một trong những con đường cửa ngõ dẫn để vào nội ô TP.HCM khi đi từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc vào.
Theo UBND TP, đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức được đổi tên thành đường Võ Nguyên Giáp sẽ hình thành một trục xuyên suốt gồm: Hà Nội - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ - có ý nghĩa gắn kết giữa sự kiện lịch sử với nhân vật lịch sử (chiến dịch Điện Biên Phủ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Việc đổi tên đường Võ Nguyên Giáp có ý nghĩa góp phần thuận lợi trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ và giúp người dân tra cứu về tên đường, địa danh thuận tiện.
Ngoài ra, việc đổi tên đường còn thể hiện tình cảm thiêng liêng gắn bó giữa nhân dân với vị tướng huyền thoại.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) sinh tại tỉnh Quảng Bình. Ông là vị Đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng là người chỉ huy đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chỉ huy chính trong các chiến dịch Chiến tranh Đông Dương (1946-1954) đánh bại thực dân Pháp, Chiến tranh Việt Nam (1960-1975) chống Mỹ, thống nhất đất nước và Chiến tranh biên giới Việt - Trung (1979) chống quân Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận