Giao lộ đường D1 với đường Điện Biên Phủ thông thoáng hơn sau khi lắp biển báo, phân luồng giao thông |
Những vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là tại các trục đường chính đã trở nên thông thoáng và bớt ùn tắc hơn sau khi thành phố triển khai những giải pháp điều chỉnh nhỏ nhưng mang lại hiệu quả cao.
Giảm ùn tắc giao thông tại các giao lộ
Trước đây, người dân liên tục phản ánh tại giao lộ Xa lộ Hà Nội - Thảo Điền, quận 2 xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông kéo dài trên phần đường hỗn hợp (hướng từ Q Thủ Đức đến Q Bình Thạnh) vào giờ cao điểm. Tình trạng này khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, nhận được thông tin, phản ánh của người dân, Sở GTVT đã cử người đi tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân. Sau khi xác định rõ là do xung đột giữa các phương tiện ô tô rẽ phải từ Xa lộ Hà Nội vào đường Thảo Điền với các xe 2 bánh đi thẳng trên Xa lộ Hà Nội từ hướng Thủ Đức về trung tâm TP.HCM, ngay trong tháng 3, sở đã giao Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2) lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại giao lộ này từ 6h30 - 8h30.
"Tại nút giao Mỹ Thủy (Q.2) thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông do lượng xe container, xe tải nặng ra - vào cảng Cát Lái quá lớn (khoảng 19.000 xe/ngày). Bởi vậy, sở đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nút giao thông khác mức tại nút giao này, dự kiến sẽ khởi công trong quý III/2016”. Ông Ngô Hải Đường |
Việc làm này sẽ phân luồng từng làn xe và có tín hiệu đèn rẽ phải, rẽ trái, nếu đi thẳng được lưu thông liên tục, hạn chế đáng kể ùn tắc. Theo quan sát của PV, tình trạng giao thông tại đây cải thiện rõ rệt, gần như không còn ùn tắc.
Tại giao lộ Điện Biên Phủ - đường D1 (Q Bình Thạnh), một trong những điểm nóng về ùn tắc giao thông, Khu 2 cũng điều chỉnh, lắp đặt mới 2 biển báo “cấm xe ô tô rẽ trái”, bên dưới có biển phụ chỉ dẫn thời gian cấm, sáng từ 6h - 9h, chiều từ 16h - 19h. Trước đây, nơi này là điểm “nóng” mà người dân TP.HCM sợ nhất vào giờ cao điểm bởi lượng xe quá đông thường xảy ra xung đột, nhưng chỉ cần những giải pháp nhỏ mà rất hiệu quả. Giờ đường thông thoáng, người tham gia giao thông thuận lợi hơn nhiều.
Không riêng hai nút giao trên, Sở GTVT cũng điều chỉnh, tổ chức giao thông tại nhiều tuyến đường, giao lộ khác đạt hiệu quả cao như: Bịt dải phân cách tim đường tại ngã tư Bình Triệu; Cho phép xe 2 bánh được lưu thông vào một làn đường dành riêng cho xe ô tô trong giờ cao điểm trên đường Trường Chinh, Điện Biên Phủ, Phạm Văn Đồng; Điều chỉnh biển báo phân làn xe, cho phép xe 2 bánh lưu thông 2 làn đường trên QL1 (đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh), QL13 (đoạn từ ngã tư Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình), QL22 (đoạn từ đường Nguyễn Văn Hoài đến giáp ranh tỉnh Tây Ninh)…
Tiếp tục xử lý nhiều điểm “nóng”
Cũng theo ông Ngô Hải Đường, sở đang nghiên cứu tổ chức lại giao thông tại 5 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông như: Đường Trường Chinh (đoạn từ Âu Cơ đến Tân Kỳ Tân Quý), (Q Tân Bình); Giao lộ Lê Văn Việt - Đình Phong Phú (Q 9); Khu vực đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Đằng - Đinh Bộ Lĩnh (Q Bình Thạnh); Giao lộ Quang Trung - Lê Văn Thọ (Q Gò Vấp); khu vực ngã tư Bốn Xã (Q Bình Tân). Nhưng theo ông Đường có 2 vị trí “nóng” về ùn tắc giao thông là ngã tư Hàng Xanh (Bình Thạnh) và nút giao Mỹ Thủy (Q 2) sẽ sớm được triển khai.
Tại ngã tư Hàng Xanh, hiện sở đã giao Khu 2 xây dựng phương án cho phép xe máy lưu thông lên cầu vượt thép, nhằm giảm thiểu áp lực giao thông tại khu vực dạ cầu. Tuy nhiên, do tuyến đường Điện Biên Phủ có mặt cắt ngang rộng, việc tách - nhập dòng của xe máy khi lên, xuống cầu vượt thép sẽ gây nguy cơ mất ATGT. Do đó, sở giao Khu 2 thuê đơn vị tư vấn thẩm tra ATGT, sau đó sẽ cho xe máy được phép lưu thông trên cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận