Trong 5 tháng đầu năm 2019, tai nạn giao thông ở huyện Cần Giờ, và quận Bình Thạnh của TP.HCM số người chết do tai nạn giao thông tăng đột biến. Trong đó, nguyên nhân TNGT phần lớn do sử dụng rượu, bia khi lái xe.
Cần Giờ xảy ra 13/15 vụ TNGT do rượu bia
Theo báo cáo của Ban ATGT huyện Cần Giờ, tình hình tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn huyện tăng cao trong 5 tháng đầu năm. Cụ thể đã xảy ra 15 vụ làm 10 người chết, so với cùng kỳ năm 2018, tăng 9 người chết. Trong đó, tai nạn giao thông có liên quan đến người tham giao thông có sử dụng rượu, bia chiếm phần lớn 13/15 vụ, và nhiều vụ xảy ra trên đường Rừng Sác.
Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện hiện nay đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Các tuyến đường chính trong đó có đường Rừng Sác dài 36 km đã được Sở GTVT TP.HCM duy tu, bảo dưỡng tốt, một số đoạn còn được đầu tư trải bê tông nhựa. Bên cạnh đó, các tuyến đường như Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông cũng được quan tâm đầu tư, nâng cấp.
“Hạ tầng giao thông ngày càng sáng sủa và tốt hơn trước rất nhiều nhưng tại sao tai nạn giao thông phức tạp tăng cao. Trước đây đường xấu mà tai nạn và người chết ít, sao giờ đường tốt lại chết nhiều, tai nạn nhiều. Nguyên nhân tai nạn là không làm chủ tốc độ và bia rượu. Những việc gì huyện có thể làm đều đã nỗ lực làm liền. Nhưng vấn nạn gọi là bia, rượu mà tham gia giao thông gây ra tai nạn là hầu hết”, ông Triển cho hay.
Theo số liệu của công an huyện Cần Giờ trong khoảng 10 năm trở lại đây, thì năm 2017, 2018 là 2 năm có tình hình tai nạn giao thông được kéo giảm sâu nhất. Nhưng năm 2011 là năm xảy ra tai nạn nhiều nhất, 100 vụ làm 18 người chết. Riêng năm 2019, từ đầu năm đã có 3 người chết và liên tục các tháng tiếp theo đều có người chết do TNGT. Mặc dù, lực lượng công an cũng đã tăng cường tuần tra và xử lý rất quyết liệt chuyên đề về nồng độ cồn.
Trong 5 tháng qua, công an huyện Cần Giờ đã xử lý đến 174 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng hơn 700% so với cùng kỳ năm 2018. Nhưng một bộ phận người điều khiển phương tiện vẫn còn rất chủ quan, đã sử dụng rượu bia rồi nhưng vẫn điều chạy xe dẫn đến tai nạn.
Thượng tá Lê Đình Toàn, Phó trưởng công an huyện Cần Giờ phân tích: “Trong số 15 vụ TNGT, liên quan đến nồng độ cồn chiếm 13 vụ. Từ nồng độ sẽ liên quan đến vi phạm tốc độ. Trưa bắt đầu nhậu, nhậu đến khoảng 2,3 giờ thì sử dụng phương tiện lưu thông. Khi người dân nhậu trong nhà chạy ra đường là bị TNGT. Độ tuổi từ 18-30 tuổi chiếm tỷ lệ rất cao, 7 người chết”.
Bình Thạnh có 19 người chết do TNGT, 9 vụ do “nhậu”
Cùng với huyện Cần Giờ, quận Bình Thạnh cũng là địa phương có tình hình TNGT tăng cao bất thường. Theo Ban ATGT quận, từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 19 người chết, tăng 11 người so với cùng kỳ năm 2018. Trong số 19 vụ tai nạn giao thông, có 9 vụ liên quan đến người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia. Xe máy là phương tiện có liên quan đến tai nạn giao thông nhiều nhất chiếm 17/19 vụ.
Trước tình hình trên, lãnh đạo Ban ATGT TP.HCM đã có buổi làm việc với 2 địa phương này tìm giải pháp, kế hoạch hạn chế TNGT gia tăng.
Tại buổi làm việc mới đây, Đại tá Dương Văn Phóng, Phó giám đốc Công an TP.HCM cho rằng các lực lượng chức năng của quận Bình Thạnh và lực lượng CSGT của Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ, đường sắt cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác ra quân xử lý đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Trong đó, lực lượng chức năng cần phải linh hoạt trong việc triển khai kế hoạch phù hợp với địa bàn quận; tập trung xử lý các trường hợp vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông chết người mà quận đã đánh giá.
Theo số liệu của Công an TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 1. vụ tai nạn giao thông, làm chết 241 người, và bị thương 968 người. So với cùng kỳ năm 2018 giảm 64 vụ, giảm 34 người chết, còn số người bị thương tăng 74 người".
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM cho rằng ngoài công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý, xử phạt thì trách nhiệm của các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nhắc nhở kết hợp với xử lý các vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó có vi phạm nồng độ cồn. Làm sao để cảnh báo đến người tham gia giao thông đã có sử dụng rượu bia thì không nên lái xe.
“Về phía CSGT, và các đơn vị phải phối hợp với nhau. Vừa tuyên truyền, cảnh báo vừa xử lý để làm sao tình trạng tai nạn giao thông phải được kiềm chế. Chắc chắn là từ nay đến cuối năm so với cùng kỳ, tai nạn giao thông đã tăng cao, khó có thể kéo giảm được. Nhưng qua các đợt làm việc với địa phương, với nỗ lực chung, và sự phối hợp của các đơn vị từ thành phố đến quận, huyện thì chúng tôi tin rằng sẽ cố gắng kiềm chế và hạn chế đến mức thấp nhất TNGT”, ông Tường nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận