Xã hội

TP.HCM: Muốn hết ngập, phải sửa sai từ chiến lược, quy hoạch

29/11/2018, 08:05

Các chuyên gia cho rằng việc chống ngập phải thực hiện theo những phương pháp khoa học, làm đúng chỉ vài năm...

3

Chủ xe ngán ngẩm khi nước vào đến nửa xe (Chụp trên đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp)

Có tăng gấp 10 lần kinh phí cũng không hết ngập

Trận mưa tối 25/11 khiến nhiều nơi bị ngập, trong đó tập trung chủ yếu tại những khu vực bị đô thị hóa cao như: Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, quận 2…Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân gây ngập là tình trạng bê tông hóa, san lấp hệ thống kênh rạch, không có dung tích điều tiết nước, hệ thống cống thoát nước nhỏ, không phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu,… Đặc biệt là không có không gian dành cho nước như đường cống thoát ra sông, hồ điều tiết, không gian xanh…

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, Trường ĐH Việt Đức chỉ rõ nguyên nhân ngập do bê tông hoá bề mặt trên diện rộng, làm gia tăng lượng nước chảy tràn. Việc xây dựng công trình và khai thác nước ngầm gây sụt lún, giảm bù nước thấm. Quá trình tôn nền cũng làm thay đổi hướng thoát nước, gây ngập lụt cục bộ.

Còn theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, Trận mưa tối 25/11 có lượng nước trên 400mm/giờ nhưng chúng ta chưa thiết kế hệ thống cống đạt tiêu chuẩn để chịu những trận mưa như thế này. Hệ thống cống hiện nay chỉ chịu những trận mưa 200mm. Như vậy, với những trận mưa lớn hơn, nước thoát đi đâu? Đòi hỏi phải có các không gian dự trữ. Có thể xây hồ điều tiết, xây các bể ngầm chứa nước, đặc biệt là phải dành một tỷ lệ đất đủ cho không gian xanh. Những vùng bị ngập vừa rồi như Gò Vấp, quận 12, quận 2, Bình Thạnh… trước đây là những vùng thôn quê, toàn đồng ruộng. Khi đô thị hóa, đáng ra phải dùng ít nhất 30% đất cho không gian xanh lại bị lấp hết để làm nhà và bê tông hóa.

Nói về 2 đồ án Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP HCM đến năm 2020; và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP HCM đang triển khai nhưng vẫn ngập, ông Sơn cho rằng nếu không có sự hợp tác sẽ không chống ngập được. Bởi Trung tâm chống ngập quan điểm chống ngập là làm cống, làm đê. Nhưng quy hoạch chống ngập đâu phải cứ làm đê và cống là hết ngập. “Vì vậy thành phố đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng với cách làm như vậy, có chi ra gấp 10 lần cũng không chống được ngập”, ông Sơn khẳng định.

4

Đường Hồ Ngọc Lãm, quận Bình Tân thường xuyên ngập mỗi khi mưa

Trả giá cho lòng tham

Theo các chuyên gia, không phải lúc trời mưa xuống toàn bộ nước trên mặt đường, nhà sẽ thoát ngay ra sông, rạch mà phải có thời gian chuyển tiếp. Vì vậy, cần có những hồ điều tiết, bể ngầm chứa nước, sau đó nước sẽ thoát ra sông cả ngày. KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, với những vùng đất mới, cần phải quy hoạch bài bản hệ thống đô thị, không gian xanh, không gian cho nước sẽ không bao giờ bị ngập.

Điển hình như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, dù xây dựng ở vùng đất thấp, nhưng nhờ quy hoạch hệ thống thoát nước tốt, không gian xanh, không gian cho nước nhiều, có kênh rạch, hồ điều hòa nên không bị ngập. Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm (Q.2) được xây dựng trên nền đất thấp và trong quy hoạch đã tính đến dành không gian cho nước, cây xanh. Nhưng nếu thành phố tiếp tục phá vỡ quy hoạch, tăng mật độ xây dựng lên thì trong tương lai sẽ bị ngập.

Với nhưng khu vực đô thị cũ như các quận: Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Phú… không còn đất phát triển không gian xanh có thể xây dựng các hồ điều tiết, bể ngầm chứa nước để chống ngập. Cùng với đó, những khu đất công, thành phố cần mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống công viên, không gian xanh, tuyệt đối không cấp phép xây cao ốc, nhà cửa. Chẳng hạn như khu vực nghĩa địa ở Gò Vấp, được biết thành phố có chủ trương di dời. Nếu dời đi thì nên xây dựng thành công viên chứ không nên phân lô bán nền, phát triển đô thị, bởi quanh đó đã bị bê tông hóa. Nếu tiếp tục xây nhà cửa thì sẽ tiếp tục ngập.

Trong 10 năm qua, thành phố đã chi gần 30.000 tỷ đồng cho các dự án chống ngập. Để triển khai đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP HCM đến năm 2020 và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP HCM sẽ cần khoảng 96.000 tỷ đồng. Nhưng thực tế các chuyên gia đánh giá việc chống ngập của thành phố hiện nay kiểu “chạy theo”, ngập đâu chống đó. TS. Hồ Long Phi cho rằng thành phố cần quy định và giám sát việc xây dựng không gian xanh, không gian dành cho nước tại các khu đô thị. Những trường hợp chủ đầu tư nào không chấp hành, phải có biện pháp xử lý nghiêm.

“Ngập là do tham xây dựng đô thị quá nhiều mà không dành cho không gian xanh, không gian cho nước. Chúng ta đang trả giá cho lòng tham đó. Không chỉ là chuyện ngập, kẹt xe, mà cả đời sống của người dân cũng bị ảnh hưởng”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói và cho rằng cái sai này xuất phát từ tầm chiến lược trong quy hoạch và phát triển đô thị. Để sửa sai đòi hỏi UBND TP phải đứng ra chủ trì, làm “nhạc trưởng” chứ không sở ngành nào làm được cả.

“Chống ngập là bài toán khoa học. Nếu thành phố thực hiện các giải pháp đồng bộ, đúng chiến lược thì chỉ vài năm, các khu đô thị sẽ hết ngập. Còn nếu thực hiện không khoa học, không có không gian xanh, không gian dành cho nước thì 200 năm sau vẫn còn ngập”, ông Sơn nói.

7 vị trí đề xuất xây dựng các hồ điều tiết ngầm

1. Công viên Hoàng Văn Thụ, phường 10, quận Tân Bình: Lắp đặt hồ điều tiết ngầm với dung tích 5.000m3. Xây dựng trạm bơm công suất 2.000m3/giờ, cổng điều tiết, mương thu nước.

2. Vòng xoay Lê Văn Sỹ - Nguyễn Trọng Tuyển, phường 2, quận Tân Bình: Lắp đặt hồ có dung tích 1.000m3. Xây dựng trạm bơm công suất 1.000m3/giờ, cải tạo, mở rộng 20 miệng thu gom nước, nhằm xóa giảm ngập cho khu vực chợ Phạm Văn Hai.

3. Công viên Làng Hoa - quận Gò Vấp: Hồ điều tiết ngầm có dung tích 20.000m3, trạm bơm công suất 4.000m3/giờ, cổng điều tiết, mương thu nước và cải tạo, mở rộng 35 miệng thu gom nước.

4. Công viên khu dân cư Trần Thiện Chánh - đường Trần Thiện Chánh, phường 12, quận 10: Lắp đặt hồ dung tích 5.000m3. Đồng thời, xây dựng trạm bơm công suất 1.000m3/giờ, cải tạo mở rộng 30 miệng hố thu gom nước.

5. Quận 10, lắp đặt hồ điều tiết ngầm sân bóng đá Trường ĐH Bách khoa số 268 Lý Thường Kiệt, phường 14 với dung tích 5.000m3. Xây dựng trạm bơm công suất 1.000m3/giờ, cải tạo, mở rộng 35 miệng hố thu gom nước.

6. Tại dải cây xanh phân cách đường Phan Xích Long, phường 7, quận Phú Nhuận: Lắp hồ dung tích 2.000m3. Xây dựng trạm bơm công suất 1.000m3/giờ, cải tạo, mở rộng 58 miệng thu gom nước.

7. Khuôn viên Cây xanh đối diện Công an phường 25, đường Tân Cảng và vỉa hè từ hẻm 48 đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh gồm 2 hồ với dung tích 4.000m3, cải tạo 19 miệng hố thu gom nước.

(Theo Dự án Xây dựng hồ điều tiết ngầm bằng công nghệ Cross-wave khu vực TP HCM)

Yên Trang-Đỗ Loan

5


GS.TS. Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP HCM):

Chủ đầu tư phải dành tỉ lệ phần trăm đất làm hồ điều tiết

Hệ lụy ngập úng hôm nay là tích lũy lâu dài của quá trình đô thị hóa không có quy hoạch cho nước.

Hiện công tác chống ngập vẫn mang tính tạm thời. Về lâu dài, TP Hồ Chí Minh cần thực hiện các giải pháp tổng thể như hệ thống cống thoát nước, cống kiểm soát triều, đê bao, quy hoạch hạ tầng, xây dựng bản đồ số về các điểm ngập, triển khai nhanh các dự án thoát nước, hệ thống điều tiết… Trong đó có cả việc ban hành Luật trong xây dựng đô thị. Chẳng hạn bắt buộc các dự án phải dành phần trăm diện tích đất cho nước để làm hồ điều tiết. Đi đôi với quy định là chế tài. Việc này Bộ Xây dựng phải làm quyết liệt để đảm bảo mọi công trình đều có hồ điều tiết. 

6


Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng Hội Xây dựng VN Phạm Thế Minh:

Chống cục bộ không thể hết ngập

Ở các nước phát triển, quy hoạch không chỉ vẽ ra các khu đô thị mà còn giải quyết bài toán cân bằng thủy văn, luồng khí thở... Trong khi đó tại Việt Nam, vấn đề quy hoạch các đô thị đều đã được đầu tư thực hiện nhiều lần, thậm chí có nơi làm khá công phu. Thế nhưng, việc quản lý giám sát thực hiện thế nào lại là vấn đề khác. Công trình nhà cửa mọc lên khắp nơi, bê tông hóa lấp hết các hồ ao chứa nước. Khi mưa xuống hoặc thủy triều xảy ra, mặt đường đô thị đương nhiên sẽ biến thành các bể chứa nước nổi.

Quy chuẩn về cao trình xây dựng đã có nhưng chỉ áp dụng cục bộ từng mảnh, từng khu trong khi mặt bằng tổng thể chung không có. Chính điều này khiến ngay cả chỗ cao cũng vẫn có thể bị úng ngập. Để giải quyết tình trạng trên, trước hết cơ quan quản lý cần phải giữ hiện trạng, rà soát lại quy hoạch, tạo những hồ mới để chứa nước , xử lý nghiêm những vi phạm.

7


Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM:

Xây bãi thấm ngầm chống ngập

Có nhiều giải pháp giảm ngập Sở GTVT đang nghiên cứu, trong đó giải pháp xây bãi thấm ngầm chống ngập. Tuy nhiên, cơ chế cụ thể thực hiện thế nào phải nghiên cứu vì không phải chỗ nào cũng xây dựng được. Chẳng hạn xây bãi thấm phải xây ở chỗ cao, chỗ nào thấp không thể xây bãi này. Do vậy, đề án cần phải có nghiên cứu cụ thể, đánh giá từng khu vực, vị trí. Sắp tới Sở GTVT sẽ tổng hợp các nghiên cứu đưa vào quy hoạch tổng thể thoát nước ở TP Hồ Chí Minh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.