Đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập sâu trong nước sau những trận mưa lớn vào tháng 10/2017 |
Trước tình cảnh này, Sở GTVT đã duyệt phương án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh để thực hiện trong năm 2018.
Máy bơm khủng… chào thua?
Đường Nguyễn Hữu Cảnh vốn là “rốn ngập” của TP.HCM trong nhiều năm qua. Cứ hễ trời mưa hay triều cường, tuyến đường này đều ngập nặng. Dự án sửa chữa nâng cấp triệt để đường Nguyễn Hữu Cảnh đã được thành phố tính toán từ lâu, nhưng không có vốn thực hiện. Để giải quyết bài toán ngập, Trung tâm Chống ngập TP HCM đã gắn một máy bơm gần khu vực phía sau tòa nhà Saigon Pear bơm nước ra sông Sài Gòn. Tuy nhiên, do công suất máy bơm nhỏ nên hễ cứ mưa xuống là ngập.
Trước bối cảnh đó, năm 2017, ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (TP Hải Phòng) đã có đề xuất tự lắp ráp một máy bơm “khủng” chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, với tuyến bố “không hết ngập không lấy tiền”. Ông Cường cho biết, từ khi lắp đặt xong máy bơm (19/9/2017) đến ngày 24/10/2017 đã qua 13 lần hoạt động chứng tỏ hiệu quả của máy bơm “khủng” này. Tuy nhiên, thực tế có 2 lần đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập nặng, dù máy bơm vẫn hoạt động khiến nhiều nhà khoa học đặt nghi vấn về tính hiệu quả lâu dài của hệ thống máy bơm trong việc chống ngập.
Đối với hệ thống cống thoát nước, dự án sẽ tiến hành xây dựng bổ sung hệ thống cống dọc tuyến thoát nước mưa, đảm bảo thoát nước cho toàn lưu vực. Cụ thể, với đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến cầu Thủ Thiêm dài gần 1,8km sẽ giữ nguyên hệ thống thoát nước hiện trạng, tận dụng lại các đoạn cống, nâng cao miệng giếng thu, giếng thăm, giếng thu nước dân sinh hiện hữu cho phù hợp với cao độ mặt đường và vỉa hè giai đoạn hoàn thiện. Đối với đoạn từ cầu Thủ Thiêm đường Điện Biên Phủ dài khoảng 1,6km, hệ thống thoát nước không còn đảm bảo khả năng khai thác, dự án sẽ xây dựng hệ thống thoát nước mới nằm dưới lòng đường song song với hệ thống thoát nước cũ và liên kết với hệ thống thoát nước hiện hữu qua các giếng thu. Xử lý lấp hủy các đoạn cống thoát nước cũ bị hư hỏng, đứt gãy không còn khả năng thoát nước, đảm bảo ổn định, tránh lún sụp trong quá trình khai thác. |
Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu - đường - cảng TP.HCM - người nghiên cứu về các giải pháp chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh nhiều năm qua chia sẻ, nguyên lý cơ bản của công tác chống ngập là hệ thống thoát nước phải tốt, không phải dùng máy bơm. Thực tế, cả máy bơm của Trung tâm Chống ngập TP HCM cũng như của Tập đoàn Cơ khí công nghiệp Quang Trung tại đường Nguyễn Hữu Cảnh thời gian qua không mang lại hiệu quả lâu dài mà chỉ xử lý tức thời. Những trận mưa lớn vào tháng 10/2017, không máy bơm nào có thể xử lý được. Các nhà khoa học của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TP.HCM trong một cuộc hội thảo gần đây cũng chỉ ra tác hại của việc sử dụng máy bơm công suất lớn sẽ gây sạt lở cho những công trình lân cận.
“Giải pháp triệt để xử lý vấn đề ngập của đường Nguyễn Hữu Cảnh là cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, gia cố nền đường và nâng mặt đường lên, vì một số đoạn thiết kế dưới mức thủy triều, dùng hệ thống thoát nước hiện đại để xử lý. Sau khi hệ thống thoát nước được cải tạo tốt, mặt đường được nâng cao từ 30-50cm, không ảnh hưởng đến cư dân xung quanh và đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ cơ bản hết ngập”, ông Trường khẳng định.
Tiến sĩ Vũ Văn Ái (Đại học Bách khoa TP HCM), cũng đánh giá việc cải tạo nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh hợp lý sẽ giải quyết được vấn đề ngập tại khu vực này. Tuy nhiên theo TS Ái thì việc nâng đường cũng chỉ giải quyết cục bộ cho một khu vực phạm vi nhỏ nào đó, không thể cứ khu vực nào ngập là nâng đường sẽ không ổn mà giá thành rất cao.
Trong chừng mực về kinh phí có hạn nên xem xét giải quyết bài toán chống ngập cục bộ bằng các phương pháp khác trong đó có trạm bơm chìm thoát nước, thành phố cần có những giải pháp tổng thể, kết hợp các dự án chống ngập với nhau có đánh giá và dự báo biến đổi khí hậu những năm tới, VD: như cao độ triều gia tăng, tình hình mưa…để thiết kế và đầu tư thoát nước tổng thể không lạc hậu.
Ứng gần 480 tỷ đồng thực hiện dự án
Ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, trước thực tế trên, Sở GTVT đã duyệt phương án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh thực hiện trong năm 2018. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng gần 480 tỷ đồng. Nguồn vốn này do Tập đoàn Vingroup ứng trước để thực hiện, bởi nếu chờ nguồn vốn ngân sách thành phố sẽ rất lâu. “Dự án sẽ được quản lý như những dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách khác. Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 được giao làm chủ đầu tư”, ông Tám nói.
Mục tiêu của dự án là nâng cấp, sửa chữa, khắc phục những hư hỏng trên toàn tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh nhằm đảm bảo ATGT, lưu thông thuận lợi, đảm bảo thoát nước và mỹ quan đô thị khu vực. Phạm vi của dự án là từ đoạn giao với đường Tôn Đức Thắng (Q.1) đến đoạn giao với đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh). Theo quyết định phê duyệt, dự án sẽ nâng cấp, sửa chữa, cải tạo hư hỏng nền, mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh đảm bảo êm thuận tại các vị trí giao cắt và nút giao trên tuyến. Về phần đường, sẽ khôi phục thiết kế trước đây, đảm bảo yêu cầu chống ngập, nhưng hài hòa với các khu dân cư hai bên tuyến, phù hợp với cao độ san nền quy hoạch.
Theo ông Hà Ngọc Trường, đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn từ Tôn Đức Thắng đến cầu Thị Nghè (dọc theo Thảo Cầm Viên) trước đây đã được đầu tư hệ thống thoát nước tốt, mặt đường được nâng cao nên không bị ngập. Riêng đoạn từ mố Bắc cầu Thị Nghè (phía Bình Thạnh) đến giáp nút giao cầu Sài Gòn (khoảng 2,7km), đặc biệt là đoạn qua khu vực tòa nhà The Manor-KDC Saigon Pearl đến chân cầu Thủ Thiêm I thường xuyên bị ngập khi có triều cường hoặc mưa lớn.
Nguyên nhân khiến đoạn đường này thường xuyên ngập do hệ thống thoát nước bị hư hỏng nặng, không thể duy tu, bảo dưỡng. Thứ hai là nền đường của đoạn này bị lún sâu gây nứt gãy hệ thống thoát nước. Năm 2006 - 2008, Viện Nghiên cứu khoa học công nghệ Miền Trung đã tiến hành khảo sát chi tiết, nền đường đoạn này đã và đang bị lún cố kết theo thời gian. Trước đây khi xây dựng tuyến đường (1995) do thời gian quá gấp nên không áp dụng các công nghệ mới xử lý triệt để khả năng lún nền đường. Rõ nhất là năm 2005, hầm chui Văn Thánh và nhà dân hai bên bị nứt do lún, sau đó được khôi phục lại và phải xử lý gia cố nền đường bằng hệ thống cọc cát và cọc đất xi măng mới hết lún.
“Đáng lẽ, việc cải tạo nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh phải thực hiện từ năm 2014. Lúc đó, Sở GTVT đã cho lập dự án nhưng nguồn vốn ngân sách gặp khó khăn phải ưu tiên các công trình cấp bách khác. Giờ Tập đoàn Vingroup ứng vốn để TP.HCM thực hiện thì quá tốt. Thời gian thực hiện từ 6 - 8 tháng có thể hoàn thành”, ông Trường nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận