Xe quá đát trơ khung dùng để chở hàng |
Nhan nhản xe máy “quá đát”
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trên nhiều tuyến đường ở các quận ngoại thành TP HCM nhan nhản xe máy “quá đát” vẫn tham gia giao thông. Thậm chí, nhiều người còn độ xe thành “cửa hàng di động” để bán quần áo, trái cây… Không ít xe còn được độ mất phần đầu; nhiều xe còn không xi nhan, còi, đèn vẫn hiên ngang phóng vi vu, tay lái, trơ khung sắt và hoen gỉ đến nỗi không thể nhận biết được xe này nhãn hiệu gì trên đường. Ngoài việc mất an toàn, những xe máy này còn xả khói đen kịt gây ô nhiễm môi trường.
Khi được hỏi về tình trạng mất an toàn khi vẫn đi xe máy “quá đát”, anh Nguyễn Văn Hải, ngụ quận 9, chở hàng cho một công ty sản xuất nước đá cho biết: “Hàng ngày, tôi phải đi giao hàng từ sáng sớm trên chiếc xe máy cà tàng. Vẫn biết chiếc xe này không đảm bảo an toàn nhưng vẫn phải chạy vì chở nước đá bằng xe máy tốt dễ bị hư do nước đá chảy vào xe. Hơn nữa, chở hàng nặng, chẳng may có bị phạt thì bỏ luôn vì chiếc xe trên giá trị nhỏ”.
Theo thống kê của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP HCM, tính đến ngày 15/5, trên địa bàn thành phố có hơn 8,3 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có hơn 7,6 triệu mô tô, xe gắn máy. Mô tô, xe gắn máy là nguồn thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm do chưa được kiểm soát khí thải. Số vụ TNGT do các phương tiện quá đát, không đăng ký, đăng kiểm gây ra đến nay không ít, nhưng hầu hết các đối tượng gây tai nạn đều “bỏ của chạy lấy người” vì giá trị của chiếc xe quá nhỏ.
Thu phí ô nhiễm môi trường đối với phương tiện
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, để có cơ sở báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tại TP HCM, Sở đề xuất UBND TP xem xét, chấp thuận chủ trương để thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm xây dựng đề án với kinh phí khoảng 2,4 tỷ đồng. Nếu được UBND TP chấp thuận, đề án có thể thực hiện vào năm 2019.
Thu hồi xe máy không đạt chuẩn khí thải Liên quan đến đề án kiểm soát khí thải với xe máy, trao đổi với PV, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, trường ĐH KHXH&NV TP HCM cho rằng, đây là đề án cần triển khai càng sớm càng tốt vì TP HCM là một đô thị lớn, lượng xe máy quá nhiều trong đó chiếm không nhỏ là những xe máy “quá đát” gây ô nhiễm môi trường và dễ gây TNGT. Để xử lý, thành phố cần có lộ trình tịch thu những xe máy không đủ tiêu chuẩn về khí thải, sau đó đi tiêu hủy. Tuy nhiên, trước khi tịch thu xe máy trên, phải thông báo đến người dân và có kế hoạch hỗ trợ một phần kinh phí để họ thay đổi phương tiện khác. |
Theo ông Cường, nội dung của đề án sẽ kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ (ô tô, mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh) hoạt động trên địa bàn thành phố; từ đó quy định vùng hoạt động của phương tiện theo các mức điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đồng thời tiến hành thu phí ô nhiễm môi trường đối với phương tiện.
TP HCM cũng tiến hành điều tra, rà soát chủng loại mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh đang lưu hành trên địa bàn thành phố để thống kê về số lượng, tuổi đời, chất lượng, khu vực thường xuyên hoạt động... của phương tiện theo quận, huyện. Sau đó, làm cơ sở đề xuất các biện pháp xử lý đối với xe không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
“Tình trạng ùn tắc trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn do hoạt động GTVT, cũng như việc gia tăng các loại phương tiện giao thông cơ giới có chất lượng khí thải kém đang ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân đô thị. Điều này có thể làm giảm chất lượng cuộc sống, hạn chế khả năng thu hút đầu tư, du lịch và nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Cường nói.
Để dự án sớm triển khai, ông Cường cho biết, Sở GTVT đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp, xem xét và có ý kiến đóng góp về đề xuất nêu trên. Việc này nhằm đảm bảo triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cho chương trình giảm ô nhiễm môi trường của thành phố trước khi Sở trình UBND TP xem xét.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận