Hạ tầng

TP.HCM: Nhiều dự án BT tiến thoái lưỡng nan

16/07/2021, 07:22

Nhiều dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) được triển khai tại TP HCM đang rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Nhà đầu tư càng theo dự án càng khó, trong khi nếu chậm giải quyết sẽ để lại những hệ lụy khó lường.

Nhiều dự án dang dở, án binh bất động

Tháng 12/2017, Sở GTVT TP HCM và nhà đầu tư long trọng tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng tuyến đường nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, TP Thủ Đức.

img

Sau 4 năm triển khai, dự án tuyến nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) hiện là một đại công trường bỏ hoang, cỏ mọc, công nhân đã rút khỏi công trường

Dự án được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, bao gồm cả GPMB. Công ty CP Văn Phú Bắc Ái được chỉ định làm nhà đầu tư.

Khu vực thi công dự án từng là một công trường lớn, rầm rộ trước đây ở TP HCM. Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 7/2021, ghi nhận của PV Báo Giao thông, khu vực này chỉ còn là những bãi đất trống được rào tôn xung quanh.

Ở nhiều đoạn, vật liệu xây dựng chất đống, những khối bêtông làm dở xám xịt, cỏ dại mọc um tùm... Toàn bộ công nhân, cán bộ kỹ sư đã rút khỏi công trường khoảng 2 năm nay.

Theo thiết kế trước đây, tuyến đường dài 2,75km, rộng 67m. Giai đoạn một làm đường song hành hai bên, mỗi bên rộng 10,5m cho 6 làn xe; Giai đoạn 2 sẽ làm đường ở phần đất giữa, mở rộng thành 8 làn xe.

Tuyến đường dự kiến sẽ hoàn thành sau 2 năm xây dựng. Người dân thành phố khấp khởi, bởi khi có tuyến đường này sẽ giải quyết một phần nào áp lực giao thông. Thế nhưng, đến nay đã hơn 3 năm 7 tháng, tuyến đường vẫn đang là một công trường dang dở, không có lối thoát.

Cùng chung số phận, tuyến đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây trong 2 năm qua cũng án binh bất động. Dự án này có tổng mức đầu tư 808 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 4/2017, do liên danh Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc và Công ty Cổ phần BĐS Tiến Phước thực hiện theo hình thức BT.

Tổng chiều dài gần 3,4km, rộng 20m, đáp ứng 4 làn xe, xây dựng 3 cầu mới, dự kiến hoàn thành sau 2 năm xây dựng để giảm tải cho đoạn đường nối cao tốc từ Vành đai 2 đến nút giao An Phú.

Tuy nhiên, đến nay đã 4 năm, tuyến đường vẫn chưa nên hình hài. Một số đoạn được đổ đất nền đường, xây dựng trụ mố, lao lắp dầm của 2 cầu trên tuyến, còn lại chưa hoàn thiện được gì nhiều.

Ở ngay trung tâm thành phố, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (quận 3) cũng đã nhanh chóng tháo dỡ toàn bộ vào năm 2017 để giao cho Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt thực hiện dự án theo hình thức BT. Theo kế hoạch của chủ đầu tư, dự án sẽ hoàn thành sau 36 tháng.

Thế nhưng đến nay, quanh 4 mặt tiền dự án chỉ mới được khoanh tôn, rào chắn và trưng bảng quảng cáo các dự án của Phát Đạt. Bên trong khuôn viên hơn 14.400m2 “đất vàng” là khu đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Chưa làm đã đội vốn, trả lãi hàng trăm tỷ

Tìm hiểu của PV, tổng vốn đầu tư ban đầu dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng chỉ khoảng 100 tỷ đồng. Khi có phương án thiết kế mới vào năm 2013, tổng mức đầu tư đã tăng lên 1.353 tỷ đồng.

Con số này vẫn chưa bao gồm chi phí thiết bị và dụng cụ thể thao. Để thanh toán cho nhà đầu tư, TP HCM đồng ý bổ sung lô đất tại số 3 - 3bis Phan Văn Đạt, quận 1.

Năm 2016, khi UBND TP HCM phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án tiếp tục đội vốn lên gần 1.954 tỷ đồng. Tháng 7/2018, TP HCM kiến nghị bổ sung thêm 3ha đất tại Trường đua Phú Thọ, quận 11 để thanh toán, tuy nhiên sau đó UBND thành phố lại chỉ đạo tìm quỹ đất khác thay thế.

Trong khi đó, dự án đầu tư tuyến đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua TP Thủ Đức cũng lâm vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.

Để thanh toán cho nhà đầu tư số vốn 808 tỷ đồng làm tuyến đường song hành này, TP HCM đã chấp thuận giao liên danh nhà đầu tư 14,8ha tại phường An Phú, (quận 2 cũ). Trong đó, đất ở, đất thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn là 8,8ha, còn lại là đất công trình nội khu, công cộng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đổi 14,8ha đất sạch tại phường An Phú bằng việc chỉ định nhà đầu tư BT sẽ gây nhiều thiệt hại cho Nhà nước. Bởi nếu chỉ tính giá đất theo giá của thành phố ban hành thì 14,8ha đất tại An Phú có giá trị gấp nhiều lần so với số tiền 808 tỷ đồng nhà đầu tư bỏ ra để làm đường.

Tháng 3/2020, thành phố lại quyết định thu hồi khu đất này và sẽ nghiên cứu giao cho nhà đầu tư khu đất khác. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quyết định cụ thể, tuyến đường vẫn đang dở dang chưa biết ngày nào hoàn thành.

Với dự án đầu tư tuyến Vành đai 2 đoạn Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, ông Trần Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP Văn Phú Bắc Ái cho biết, đến nay đã giải ngân 1.370 tỷ đồng gồm chi phí đầu tư và tiền nhà đầu tư ứng trước cho TP Thủ Đức để GPMB.

Theo hợp đồng ký kết, nhà đầu tư sẽ được thanh toán 5 khu đất ở các quận trung tâm. Tuy nhiên, sau khi có những điều chỉnh về thực hiện các hợp đồng BT, UBND thành phố đã yêu cầu các sở ngành rà soát lại hợp đồng đã ký.

“Việc rà soát hợp đồng BT đã thực hiện trong thời gian rất dài, tuy nhiên các sở ngành vẫn chưa thống nhất, dẫn đến nhà đầu tư đến nay vẫn chưa được giao khu đất nào theo hợp đồng đã ký”, ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, theo các điều khoản của hợp đồng, nhà đầu tư ứng vốn để TP Thủ Đức đề bù GPMB, thành phố phải chịu lãi vay. Ước tính mỗi tháng thành phố phải trả khoảng 10 tỷ đồng.

Như vậy đến nay với nguồn vốn đã giải ngân cho công tác bồi thường mặt bằng mà nhà đầu tư đã ứng, ước tính lãi vay mà thành phố sẽ phải chịu đến nay là hàng trăm tỷ đồng.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trong cuộc họp về tiến độ dự án kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, ông Lê Hoà Bình, Phó chủ tịch UBND TP HCM giao Sở KH&ĐT chủ trì, khẩn trương phối hợp với sở ngành đơn vị liên quan hoàn thiện các thủ tục pháp lý; tổng hợp, tham mưu, đề xuất UBND thành phố. Sở TN&MT chủ trì, khẩn trương phối hợp với Sở Tài chính xin ý kiến của Ban chỉ đạo 167 thành phố đối với các khu đất đã có chủ trương sử dụng thanh toán hợp đồng BT dự án để trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, giao UBND TP Thủ Đức khẩn trương phân loại thành từng nhóm khó khăn vướng mắc trong GPMB, xây dựng kế hoạch, tiến độ, giải pháp cụ thể, đề xuất UBND thành phố.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.