Hạ tầng

TP.HCM: Tăng tốc hoàn thành nhiều công trình khẩn cấp chống ùn tắc

09/06/2017, 06:30

Ngay trong tháng 6, nhiều công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.HCM sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác...

3

Cầu vượt vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) đang khẩn trương hoàn thành trước ngày 30/6 - Ảnh: Đỗ Loan

Thông xe 2 cầu vượt vào Tân Sơn Nhất

Ngày 7/6, ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại công trường dự án cầu vượt thép tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (Q. Gò Vấp) vẫn có khoảng 50 công nhân đang hối hả thi công hạng mục thảm bê tông mặt cầu. Đây là hạng mục cuối cùng để hoàn thiện một nhánh của cầu vượt này. Dự án xây dựng cầu vượt thép tại nút giao đường Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (Q. Gò Vấp) được thiết kế có dạng hình chữ N, bao gồm 3 nhánh cầu. Tổng mức đầu tư khoảng 504 tỷ đồng.

Ông Trịnh Linh Phương, Phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 3 (chủ đầu tư) thuộc Sở GTVT TP.HCM cho biết, giai đoạn mới khởi công, dự án gặp rất nhiều khó khăn do phải thi công các hạng mục hạ tầng như: Điện, nước, cáp ngầm. Xong được hạng mục này, tiến độ công trình được đẩy nhanh hơn. “Thời gian qua, chúng tôi bố trí 3 ca làm liên tục, mỗi ca có 50 công nhân, kỹ sư làm việc để đến ngày 30/6 hoàn thành một nhánh cầu phía đường Hoàng Minh Giám qua Nguyễn Thái Sơn, sớm tiến độ 2 tháng so với kế hoạch. Hai nhánh còn lại đang chờ mặt bằng của Bệnh viện 175 bàn giao, đơn vị sẽ hoàn thiện trong năm nay”, ông Phương nói.

Trên tuyến Võ Văn Kiệt, dự án đầu tư xây dựng một nhánh cầu vượt Nguyễn Văn Cừ (Q.1), đơn vị thi công cũng đang hối hả để hoàn thành đưa vào sử dụng trước ngày 30/6. Các hạng mục còn lại như: Cây xanh, đèn chiếu sáng, đường ven kênh sẽ hoàn thành trước ngày 30/8. Dự án khởi công ngày 29/11/2016, thi công trong 12 tháng, so với kế hoạch công trình hoàn thành sớm hơn 5 tháng.

Tại dự án xây dựng cầu vượt nút giao Trường Sơn, trước cổng vào sân bay Tân Sơn Nhất, anh Trần Văn Hải, một công nhân cho biết, thời gian cao điểm thi công có khó khăn hơn do lượng người qua lại trên tuyến đường này đông, đơn vị thi công phải cắt cử người điều tiết, cảnh báo an toàn. Tuy nhiên, các hạng mục chính được tập trung thi công vào ban đêm nên tiến độ vẫn đảm bảo. Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (chủ đầu tư) khẳng định, dự án sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6, vượt tiến độ 2 tháng theo chỉ đạo của UBND TP. Hiện nay, công trình đã xong các hạng mục móng, cọc, bệ và đang tiến hành lao lắp các dầm thép, đơn vị thi công kiểm soát tiến độ hàng ngày. Để đẩy nhanh tiến độ, có thời điểm đơn vị huy động cả 100 công nhân, kỹ sư trên công trường.

“Thi công tại điểm “nóng” nhất về ùn tắc giao thông của TP.HCM, chúng tôi phải phối hợp với CSGT, thanh niên xung phong hỗ trợ khi xảy ra ùn ứ. Hơn nữa, công trình được lắp camera quan sát nên khi thấy giao thông quá đông, chúng tôi sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng phân luồng, điều tiết để không ảnh hưởng đến phương tiện đi lại”, ông Ninh nói.

Cầu vượt trên đường Trường Sơn có hình chữ Y, gồm một nhánh dẫn vào nhà ga quốc tế dài hơn 300m, một nhánh dẫn vào nhà ga quốc nội dài hơn 150m, tổng mức đầu tư 242 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình được xây dựng theo lệnh khẩn cấp để giải quyết ùn tắc giao thông tại điểm “nóng” về ùn tắc trước sân bay Tân Sơn Nhất.

Chuẩn bị khai trương tuyến buýt đường sông đầu tiên

Ngoài 3 dự án cầu vượt được UBND TP.HCM ưu tiên vốn đầu tư nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe, dự án tuyến buýt đường sông đầu tiên cũng đang được gấp rút triển khai để chia sẻ gánh nặng ùn tắc cho đường bộ. Dự án tuyến buýt đường sông do Công ty TNHH Thường Nhật lên ý tưởng và nghiên cứu trình UBND TP từ năm 2010. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, dự án bị trì hoãn kéo dài gần 7 năm dẫn đến vốn đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 58 tỷ đồng đã đội lên 128 tỷ đồng.

Chia sẻ về dự án này, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật cho biết: “Khi mới triển khai, dự án gặp rất nhiều khó khăn, có những thời điểm tưởng như không thể làm được do vướng mắc về thủ tục pháp lý. Nhưng đây là dự án mà chúng tôi rất tâm huyết và nỗ lực triển khai đến cùng. Đến thời điểm này, mọi việc đều sắp hoàn thiện để cuối tháng 6 sẽ khai trương tuyến số 1”.

Theo chủ đầu tư, tuyến số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) dài gần 11km được trang bị 10 tàu với sức chứa khoảng 80 hành khách/tàu, có máy điều hòa, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, giá vé 15.000 đồng/lượt, dự kiến 30 phút xuất bến một chuyến. Tuy nhiên, tùy vào thời gian cao điểm, thấp điểm để bố trí tàu phục vụ hành khách hợp lý hơn.

Ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý Giao thông đường thủy (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, dự án cơ bản hoàn tất các thủ tục, nhà đầu tư đã chuẩn bị xong về bến bãi. Khi hai tuyến xe buýt đường sông đưa vào khai thác, sẽ góp phần giảm tải giao thông đường bộ và tăng khả năng phát triển du lịch đường sông. Đây là hai tuyến đường thủy sẽ thu hút người dân, học sinh, sinh viên từ các khu vực dân cư dọc các tuyến kênh, rạch tại các bến có tàu buýt đi qua. Đồng thời, sẽ thu hút khách du lịch quốc tế muốn khám phá TP.HCM trên phương tiện thủy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.