Nhà nước quản lý, đấu thầu chọn đơn vị vận hành
Chiều 17/7, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, lãnh đạo TP đã có công văn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thẩm định và xem xét nội dung kiến nghị của Sở GTVT về việc đầu tư 250 tỷ đồng ngân sách xây 34 cổng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm để góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông.
Cũng theo Văn phòng UBND TP.HCM, đề xuất lần này khác ở điểm Dự án sẽ do Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư chứ không phải doanh nghiệp tư nhân...
Theo Sở GTVT TP.HCM, mục đích giao dự án trên cho một đơn vị của TP.HCM làm chủ đầu tư, quản lý theo quy định là để sau khi thực hiện xong dự án sẽ tổ chức đấu thầu thuê đơn vị vận hành, khai thác và nguồn thu sẽ nộp về cho ngân sách TP.
Mô hình này phù hợp kinh nghiệm quốc tế đã triển khai ở một số nước như Singapore, Thụy Điển, Anh (việc thu phí do cơ quan nhà nước thực hiện và chỉ thuê doanh nghiệp vận hành hệ thống).
Theo Sở GTVT TP.HCM, dự án đề xuất các trạm thu phí được xây tại quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10.
Vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng.
Cách này sẽ tạo thành vành đai khép kín khu vực trung tâm thành phố, và một số trục giao thông chính bên ngoài đang thường xuyên kẹt xe.
Sau 2021, ô tô vào trung tâm qua cổng nộp phí không phải dừng xe?
Dự kiến, việc thu phí chỉ áp dụng đối với ô tô đi vào trung tâm, không thu chiều ra; không thu phí xe máy.
Dự án do Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư, thực hiện từ nay đến năm 2021, bao gồm các cổng thu phí được thiết kế đa làn, không dừng, và một trung tâm điều hành kết nối các cổng, xử lý thông tin và điều hành việc thu phí.
Đề xuất lần này của Sở GTVT căn cứ vào đề xuất của Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD), sau nhiều lần được các cơ quan phản biện.
Trước đó, năm 2010, UBND TP.HCM chấp thuận đề xuất của ITD về dự án tổ chức thu phí ô tô vào khu trung tâm. Hai năm sau đề án chính thức được trình UBND TP.HCM nhưng sau đó bị ngưng vì gặp nhiều ý kiến phản đối.
Theo đề án lúc đó, mức đầu tư của toàn dự án khoảng 1.200 tỷ đồng, trong đó mua sắm thiết bị là hơn 1.000 tỷ, gồm 36 cổng thu phí tự động sẽ được xây xung quanh khu vực hạn chế trên các tuyến đường bao quanh quận 1, 3 và vùng giáp ranh với quận 5, 10. Các tuyến đường này bao gồm: đường 3/2, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên (giao với đường Cách Mạng Tháng 8) và tuyến đường Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Cổng sẽ lắp các thiết bị tính phí và camera chuyên dụng để nhận dạng các loại xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận