Ngày 15/1, nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, trong cuộc họp mới đây với các sở, ngành chức năng, sau khi nghe báo cáo về phương án tài chính, quỹ đất thanh toán và thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước liên quan dự án giải quyết ngập do triều, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã có những chỉ đạo quyết liệt để gỡ vướng cho dự án.
Trăn trở vì dự án chưa thể tái khởi động
Theo đó, ông Bùi Xuân Cường đã giao Sở Tài chính có văn bản ý kiến về quy trình ngân sách TP (không sử dụng vốn đầu tư công) chuyển cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) thực hiện nghiệp vụ ủy thác cho vay dự án và khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện trong năm 2024, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Đồng thời, giao HFIC hoàn thiện quy trình tiếp nhận nguồn vốn ngân sách và ủy thác cho vay theo đúng đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 16258/SKHĐT-PPP ngày 25/12/2023 (nêu rõ các công việc cần thực hiện và thẩm quyền để thực hiện được quy trình giải ngân nguồn vốn ủy thác), gửi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư truớc.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (tổ trưởng tổ công tác) thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy tại Kết luận số 802-KL/TU ngày 17/11/2023. Theo đó, khẩn trương tổng hợp, hoàn chỉnh quy trình tiếp nhận nguồn vốn ngân sách TP ủy thác cho vay và dự thảo tờ trình của UBND TP báo cáo, đề xuất Ban cán sự đảng UBND TP (cần nêu rõ ưu, khuyết điểm của từng phương án đã trình, ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV), đề xuất phương án chọn; trình UBND TP trước ngày 10/1…
Trong hội nghị tổng kết công tác giải ngân đầu tư công năm 2023 (diễn ra sáng 13/1), ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM rất trăn trở về việc ông nhận giám sát dự án chống ngập nhưng không giải ngân được trong năm qua. Dù rất quyết tâm lựa chọn dự án và đẩy lên nhưng không thể vì vượt tầm, vượt thẩm quyền.
Trước đó, để giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đến dự án chống ngập này, Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM đã trình Ban thường vụ Thành ủy cho phép thực hiện một trong hai cơ chế.
Cụ thể, thành phố sẽ thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành song song cả bằng hình thức đất và bằng tiền phù hợp với lịch thanh toán đã thỏa thuận.
Đối với phần thanh toán bằng tiền, UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn Ngân hàng BIDV chưa thu nợ, tạo điều kiện để nhà đầu tư hoàn thành dự án.
Trên cơ sở đó, thành phố và nhà đầu tư tổ chức nghiệm thu, thanh toán phần còn lại theo đúng thỏa thuận hợp đồng và các phụ lục hợp đồng đã ký kết.
Một phương án khác được đưa ra là Công ty HFIC được nhận ủy thác quản lý nguồn vốn đầu tư; cho vay và thu hồi nợ… từ ngân sách Nhà nước.
Theo đó, thành phố sẽ ủy thác nguồn vốn ngân sách khoảng 1.800 tỷ đồng cho HFIC để đơn vị này cho nhà đầu tư vay thực hiện hoàn thành công trình. Sau khi công trình nghiệm thu, thành phố sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng hợp đồng BT đã ký và nhà đầu tư sẽ thanh toán nợ với Ngân hàng BIDV và Công ty HFIC.
Dự án đang "đắp chiếu" khi đã đạt khối lượng trên 90%
Theo Trungnam Group, đến nay, nhà thầu đã thi công đạt trên 90% khối lượng công việc. Trong đó, tại các hạng mục cống Bến Nghé đạt 97%, cống Tân Thuận đạt 93%, cống Phú Xuân đạt 90%, cống Mương Chuối đạt 93%, cống Cây Khô đạt 86%, cống Phú Định đạt 88% và tuyến đê bao đạt 85%.
Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện nhà điều hành tại các cống, nhà quản lý điều khiển trung tâm, hoàn thiện đường vận hành sau kè, nạo vét thảm đá gia cố lòng sông, cảnh quan cây xanh, lắp ráp các cửa van âu thuyền, hệ thống bơm, hệ thống điện nước, phòng cháy chữa cháy…
Theo tìm hiểu, hiện mỗi ngày dự án chống ngập này đang phải gánh thêm 1,46 tỷ đồng lãi phát sinh (tương ứng phát sinh tiền lãi khoảng 533 tỷ đồng/năm). Đến thời điểm này, dự tính tổng số tiền lãi phát sinh đã lên tới gần 1.700 tỷ đồng.
Vậy vì sao đã ký tiếp phụ lục hợp đồng nhưng không thể giải ngân? Đại diện Trungnam Group cho biết, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đề xuất UBND TP.HCM phương án xử lý đối với dự án.
Theo đó, BIDV đề nghị TP.HCM thanh toán cho Trungnam Group để trả toàn bộ nợ gốc và lãi quá hạn tại thời điểm trước khi BIDV giải ngân (phần lãi tính trên dư nợ áp dụng theo lãi suất 3%/năm). Trước khi giải ngân vốn vay, TP.HCM và Trungnam Group ký phụ lục hợp đồng gồm các nội dung như: Điều chỉnh tổng mức đầu tư, tiến độ hoàn thành dự án, xác định phần thanh toán đối với phần giá trị hợp đồng còn lại…
Theo Trungnam Group, dự án chưa bao giờ có lệnh dừng thi công nhưng không thể thi công vì không có tiền.
Để tiếp tục, Ngân hàng Nhà nước phải giải ngân hoặc TP.HCM cân đối nguồn vốn khác.
Với các giải pháp mà lãnh đạo TP.HCM đang đưa ra, nếu được chấp thuận, thời gian tới công trình sẽ tiếp tục được khởi động để về đích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận