Nghèo cũng uống, giàu cũng uống
TNGT luôn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Mỗi ngày, TNGT cướp đi 21 sinh mạng và làm gần 40 người bị thương tật vĩnh viễn suốt đời, mang đến những nỗi đau không gì bù đắp nổi cho gia đình, người thân và cộng đồng. Đằng sau những con số đó là nỗi đau không thể đo đếm của biết bao gia đình.
Nguyên nhân dẫn đến TNGT chủ yếu liên quan đến 3 yếu tố cơ bản, gồm cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải và yếu tố con người. Trong đó, theo tôi yếu tố con người là cốt lõi. Điều này được minh chứng bởi một số liệu khác từ Ủy ban ATGT Quốc gia, nguyên nhân của các vụ TNGT chủ yếu xuất phát từ hành vi của con người, chiếm hơn 60%. Trong đó, những hành vi vi phạm phổ biến có thể kể đến như chuyển hướng không chú ý, vi phạm làn phần đường, làn đường, vi phạm tốc độ, sử dụng rượu bia.
Có thể thấy, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2017, Việt Nam tiêu thụ 305 triệu lít rượu và 4,1 tỷ lít bia, đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á và thứ 3 châu Á chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc, đứng thứ 29 trên thế giới. Với vị trí này, Việt Nam được đánh giá là một trong những “cường quốc” về tiêu thụ rượu bia và những con số về tỷ lệ sử dụng rượu bia sẽ còn tăng lên khiến nhiều người phải giật mình.
Bên cạnh đó, thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 3 triệu người đã thiệt mạng trong năm 2016 do uống quá nhiều rượu bia. Khoảng 1/3 các trường hợp tử vong liên quan tới bia rượu là do tai nạn xe hơi, chấn thương hoặc tự hủy hoại bản thân do say rượu bia. Khoảng 1/5 số người tử vong do mắc các bệnh về tiêu hóa và tim mạch. Nhiều người lạm dụng rượu bia phải đối mặt với các bệnh truyền nhiễm, rối loạn tâm thần và ung thư.
Người Việt có đủ cái cớ để uống với nhau một ly đến vài lít. Từ sinh nhật, họp lớp, thăng chức, ma chay, hiếu hỉ đến đổ mái, xây nhà cho tới việc mừng thằng bạn vừa ra viện sau chầu nhậu bí tỷ tự đâm vào gốc cây cũng uống. Họ uống từ sáng tới đêm, dù chỉ là một đĩa ớt, vài ba quả chuối xanh đến mâm cao cỗ đầy, yến tiệc sang trọng. Nghèo cũng uống mà giàu lại càng uống nhiều hơn. Chẳng thế mà các công ty bia rượu trong và ngoài nước liên tục công bố kết quả kinh doanh luôn ở mức vượt chỉ tiêu nhiều lần năm trước.
“Kẽ hở” trong hệ thống luật
Cộng đồng mạng đang có những khẩu hiệu lan truyền tích cực, các cơ quan chức năng đang tổ chức những cuộc hội thảo chuyên đề nhằm chia sẻ, tìm cách xử lý và giảm thiểu vấn nạn bia rượu đang len lỏi khắp mọi mặt của đời sống. Chẳng đâu xa, nếu chính chúng ta hay tự răn mình trong mỗi cuộc vui, biết điểm dừng vì đằng sau mỗi cái chạm ly là gia đình, là xã hội. Nếu không giữ được tỉnh táo, chúng ta sẽ tự biến mình thành “ma men”, có thể gây tội ác bất cứ khi nào chúng ta không tỉnh táo.
Điều đáng nói, mặc dù để lại nỗi đau dai dẳng cho cả nạn nhân, gia đình nạn nhân và nỗi lo lắng trong cộng đồng, nhưng việc xử lý những vụ TNGT gây thương vong lớn liên quan đến rượu bia lại chưa thực sự đủ tính răn đe và có “sức nặng”.
Nhiều người cho rằng, cần phải xử lý hình sự đối với người uống rượu bia gây TNGT. Trước đây, Bộ luật Hình sự 1999 quy định khắt khe về hành vi, hậu quả đối với người vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên, sau khi sửa đổi, Bộ luật Hình sự 2015 hiện hành lại có phần nới lỏng và giảm nhẹ hơn rất nhiều.
Cụ thể, theo quy định tại Bộ luật Hình sự 1999 và Thông tư liên tịch số 09/ 2013 giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về ATGT gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ (từ 31% trở lên), tài sản của người khác (từ 70 triệu đồng trở lên) là có thể bị xử lý hình sự.
Vậy nhưng theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, TNGT gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác phải từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản của người khác từ 100 triệu đồng trở lên thì mới bị xử lý hình sự.
Tôi cho rằng, TNGT đang diễn biến ngày càng phức tạp, việc làm nhẹ đi trách nhiệm pháp lý mà người gây tai nạn phải gánh chịu là điều bất cập, không đủ sức răn đe. Thực tế có rất nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, gây tổn thất lớn về sức khỏe, tài sản, tinh thần... nhưng cơ quan chức năng lại không khởi tố hình sự chỉ do không có người tử vong hay tỉ lệ thương tật của nạn nhân dưới 61%... Đó là một trong những bất cập hay có thể gọi là “kẽ hở” trong hệ thống luật pháp hiện hành.
Luật sư Đoàn Văn Hướng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Mỗi tuần trao 4 giải thưởng hấp dẫn
Bạn đọc có thể tham gia diễn đàn dưới nhiều hình thức như gửi bài, ảnh, video, chia sẻ câu chuyện của chính mình hoặc cung cấp ý tưởng, kinh nghiệm, giải pháp để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ngăn chặn hành vi sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Các tác phẩm đạt chất lượng, được đăng tải trên Báo Giao thông sẽ được hưởng nhuận bút theo quy định của Báo. Nơi nhận tác phẩm tham gia diễn đàn: Trụ sở Báo Giao thông, số 2 đường Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội; Email: thang.nguyen; Điện thoại đường dây nóng: 0914709.
Mỗi tuần Ban tổ chức sẽ trao: 1 giải Nhất tuần trị giá 2 triệu đồng + 2 mũ bảo hiểm đạt chuẩn có gắn logo Báo Giao thông; 1 giải Nhì trị giá 1 triệu đồng + 2 mũ bảo hiểm; 2 giải Khuyến khích mỗi giải 2 mũ bảo hiểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận