Chính trị

Trách nhiệm từ những lá phiếu chọn nhân sự vào Trung ương

20/01/2021, 06:22

Những người cầm lá phiếu trên tay phải luôn ghi nhớ rằng người mà họ bầu ra sẽ thay mặt họ quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước.

img

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh

Từ ngày 25/1 đến ngày 2/2 tại Hà Nội, 1.587 đại biểu sẽ tập trung tại Hà Nội tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, được toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Báo Giao thông có cuộc trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng xung quanh vấn đề lựa chọn nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa mới, cũng như trách nhiệm của các đại biểu dự đại hội thông qua mỗi phiếu bầu.

Đặt quyền lợi của tập thể lên trên hết

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Đại hội Đảng là dịp chỉnh đốn đội ngũ, sàng lọc cán bộ”, “không để những “con lươn”, “con trạch” chui vào bộ máy của Đảng, Nhà nước”. Theo ông, trách nhiệm của người bỏ phiếu và người được bầu quan trọng thế nào?

Quá trình làm công tác nhân sự để chuẩn bị cho đại hội đã được Đảng chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu. Điều này được thể hiện từ cuối năm 2018, Trung ương đã thành lập các tiểu ban, trong đó có tiểu ban nhân sự và quy hoạch cho từng vị trí cụ thể. Hội nghị Trung ương 13 chốt danh sách đề cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, đến Hội nghị Trung ương 14 chốt danh sách đề cử bầu Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Hội nghị Trung ương 15 Thông qua danh sách đề cử 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa XIII.
Quá trình làm công tác nhân sự kỹ lưỡng, khách quan và công tâm như vậy sẽ sàng lọc một danh sách những đồng chí xứng đáng nhất để đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Tôi tin rằng, với những quy trình kỹ lưỡng như vậy, đại hội nhất định sẽ bầu ra một đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, từ đó đưa đất nước phát triển.
PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc (Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng)


Vừa qua, Đảng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng về công tác nhân sự cho đại hội. Quy trình được thực hiện 5 bước, thể hiện sự khoa học và khách quan, dân chủ. Việc chuẩn bị rất kỹ như vậy sẽ giúp hạn chế, tránh được những bài học đáng tiếc về công tác cán bộ như đã từng xảy ra. Từ đó, có được danh sách những người ưu tú nhất đề cử bầu vào Ban chấp hành Trung ương, Ban bí thư, Bộ Chính trị.

Để bầu ra Ban chấp hành Trung ương với những thành viên ưu tú, thể hiện kết tinh trí tuệ của Đảng thì những đại biểu đi dự đại hội có vai trò quyết định không nhỏ. Bởi, chính những đại biểu dự đại hội là người bầu ra Ban chấp hành Trung ương.

Những người cầm lá phiếu trên tay phải luôn ghi nhớ rằng, người mà họ bầu ra sẽ thay mặt họ quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Những lá phiếu bầu nhỏ bé nhưng giá trị và trách nhiệm rất lớn lao, bởi đó là sự ủy thác, ủy nhiệm quyền lực của Đảng, của nhân dân cho đại biểu đi dự đại hội.

Chính vì lẽ đó, khi thực hiện quyền bầu cử của mình, mọi đại biểu dự đại hội phải đặt quyền lợi của tập thể lên trên hết, phải lựa chọn kỹ càng, bầu ra những người ưu tú, đủ đức, đủ tài, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Có ý kiến cho rằng, nhân sự đã được chuẩn bị kỹ lưỡng rồi thì không phải suy nghĩ nhiều. Soi chiếu theo các nguyên tắc tổ chức của Đảng, quan điểm của ông thế nào? Cách suy nghĩ này nguy hiểm ra sao thưa ông?

Những suy nghĩ đó là không chính xác và không đúng với nguyên tắc tổ chức của Đảng. Cách suy nghĩ này theo kiểu nhân sự đã được chuẩn bị, được lựa chọn rồi, “ván đã đóng thuyền” rồi, thì ý kiến của mình chẳng thay đổi gì, nên cứ ỷ lại, trông chờ, bỏ mặc cho cấp ủy trong lựa chọn nhân sự, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đại hội.

Tôi cho rằng đó chỉ là những suy nghĩ của những phần tử phản động, thiếu tinh thần xây dựng. Chắc chắn đây không phải là suy nghĩ của tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân ta.

Những đại biểu đi dự Đại hội Đảng XIII đều được lựa chọn từ niềm tin, sự ủy thác của các đảng viên từ cơ sở. Do đó, việc lựa chọn ai và không chọn ai là quyền của mỗi đại biểu, dựa trên những nhận định công tâm, khách quan của đại biểu.

Tuy nhiên, lá phiếu khi bầu cử là trách nhiệm cao cả của đảng viên, nhưng không có nghĩa với lá phiếu trên tay, cùng những quyền được quy định, đảng viên muốn làm thế nào cũng được. Lá phiếu là biểu hiện cụ thể của quyền lực, nhưng nó phải trong khuôn khổ, như con tàu chỉ chạy trên đường ray.

Chúng ta luôn khẳng định mỗi đại biểu tham dự đại hội cần phải đề cao trách nhiệm hơn nữa trong phiếu bầu của mình. Trách nhiệm này nên được hiểu thế nào, được quy định cụ thể ra sao, thưa ông?

Đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng là một vinh dự, nhưng cũng là một trọng trách. Trước khi đặt niềm tin vào ai thông qua lá phiếu, cần phải có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về con người đó. Muốn làm được như vậy, các đại biểu cần phải tập trung thời gian đọc văn kiện, đọc tiểu sử, quá trình công tác của ứng viên bầu vào các vị trí quan trọng. Từ đó, sáng suốt lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài vào Trung ương.

Kỳ vọng lớn vào nhân sự Trung ương khóa mới

img

Hội nghị Trung ương 15 đã thông qua danh sách nhân sự đề cử bổ sung lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, bổ sung một số nhân sự Ủy viên Trung ương khoá XII, nhân sự Bộ Chính trị khoá XII thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khoá XIII

Theo ông, làm thế nào để ngăn lợi ích nhóm, phe cánh, cục bộ trong bỏ phiếu? Các quy định hiện nay đã đầy đủ, chặt chẽ hay chưa?

Theo quy định của Điều lệ Đảng, mỗi kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đều phải xây dựng quy chế làm việc, quy chế bầu cử. Trước kỳ đại hội lần này, Trung ương đã thảo luận kỹ về nội dung, quy chế làm việc, chú trọng để tránh tình trạng tiêu cực có thể xảy ra.

Tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 14 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh Quy chế làm việc và Quy chế bầu cử tại Đại hội XIII của Đảng, trong đó đề nghị kiên quyết khắc phục tình trạng tiêu cực, không lành mạnh như: Gặp gỡ, trao đổi và vận động vì lợi ích cá nhân tại đại hội, nếu phát hiện phải kỷ luật nghiêm.

Với những quy chế chặt chẽ và tinh thần, ý thức của các đại biểu đi dự đại hội, khó có thể xảy ra tình trạng lợi ích nhóm, phe cánh, cục bộ trong bỏ phiếu tại Đại hội Đảng.

Theo ông, còn tình trạng bỏ phiếu thiếu trách nhiệm, buông xuôi, giữ mình cho tròn trịa, bỏ phiếu a dua, bè cánh, không có chính kiến sẽ để lại hệ lụy thế nào?

Trong bầu cử mà đại biểu không có trách nhiệm thì dẫn đến nhiều hệ quả. Hệ quả nghiêm trọng nhất là không bầu ra được những người ưu tú mà ngược lại, để lọt người không đủ đức, đủ tài.

Bài học từ hơn 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý vi phạm trong nhiệm kỳ XII vẫn còn đang nóng hổi. Từ đó, chúng ta thấy được rằng cần phải phát huy dân chủ, trí tuệ, tâm huyết của mỗi đại biểu, mỗi đại biểu phải sáng suốt, dám đấu tranh, từ đó đi đến quyết định đúng đắn bằng lá phiếu của mình.

Có cách nào ràng buộc trách nhiệm của những người bỏ phiếu với sự lựa chọn của mình hay không?

Sở dĩ Đảng ta là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động là do Đảng được tổ chức một cách khoa học. Điều rất quan trọng, đảng viên thực hiện quyền của mình nhưng phải trong khuôn khổ những quy định chặt chẽ của Điều lệ Đảng, thống nhất từ chi bộ đến Ban Chấp hành Trung ương. Đảng lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Đảng viên thực hiện quyền bầu cử bằng lá phiếu của mình nhưng phải chấp hành đúng nguyên tắc tập trung dân chủ.

Những trao đổi thẳng thắn, dân chủ, khách quan trong đại hội thì nên được khuyến khích. Để có được như vậy thì vai trò của vị trưởng đoàn rất quan trọng. Đòi hỏi những vị trưởng đoàn phải là những người mẫu mực, liêm chính. Thấy những chuyện “vận động không lành mạnh”, “ủng hộ anh, ủng hộ em nhé” là phải nhắc nhở, chỉnh đốn và báo cáo với đại hội.

Ông kỳ vọng gì về Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư được bầu ra tại đại hội kỳ này?

Tôi tin tưởng rằng sau khi Đại hội lần thứ XIII tổ chức xong thì Đảng ta sẽ có được đội ngũ cán bộ có đủ đức và đủ tài. Đây sẽ là những người thực sự tiêu biểu để lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới, thời kỳ mà đất nước có những cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không hề nhỏ.

Niềm tin này dựa trên những cơ sở vững chắc bởi công tác cán bộ chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc của Đảng được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và khoa học. Đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, trình độ cao, kinh qua nhiều vị trí trước khi được giới thiệu bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.