Xã hội

Trải lòng của cựu “Đệ nhất Phó thủ tướng Fulro”

22/07/2023, 06:07

Nahria Ya Duck từng một thời được mệnh danh là “con hùm xám” trong lực lượng Fulro khi giữ chức “Đệ nhất Phó thủ tướng”.

Theo tiếng gọi chính nghĩa, ông trở về với đồng bào, quê hương và trở thành một cán bộ đầy nhiệt huyết.

Trò chuyện với Báo Giao thông, ông nhắc đến vụ việc tại Đắk Lắk vừa qua và bày tỏ, tất cả những người bị lôi kéo, xúi giục bởi âm mưu thâm độc sớm muộn cũng sẽ phải hối hận, ăn năn.

Âm mưu thâm độc của thế lực thù địch

img

Ông Ya Duck từng giữ chức “Đệ nhất Phó thủ tướng” trong lực lượng Fulro, sau này trở thành cán bộ nhiệt huyết khi trở về với chính nghĩa.

Cuộc tấn công của những kẻ khát máu với sự chỉ đạo của tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài vào trụ sở chính quyền và công an hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) sáng 11/6 vừa qua là hành vi man rợ, mất nhân tính. Khi đón nhận thông tin vụ việc này, ông có suy nghĩ gì?

Lúc đó, tôi đang chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Ban đầu, mọi người không cho tôi biết, nhưng ra viện về đến nhà, hay tin, tôi buồn quá, tiếp tục ngã bệnh và phải vào điều trị tại Bệnh viện huyện Đơn Dương. Thực sự tôi cảm thấy bị sốc, thấy những người đó đã quá dại dột.

Qua báo chí, truyền thông, tôi thấy họ là những người còn khá trẻ. Họ dại dột, theo sự lôi kéo của một số thành phần phản động, nên có những hành động bột phát. Tôi tin họ cũng như tôi ngày trước, rồi cũng ăn năn, hối hận.

Chúng ta không ngạc nhiên với những luận điệu của bọn xấu do kẻ thù giật dây, nhưng thật sự buồn lòng khi một bộ phận đồng bào đã bị chính kẻ thù của mình lôi kéo vào âm mưu thâm độc của chúng.

Mỗi khi ra Hà Nội họp Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Nahria Ya Duk đều tích cực đóng góp ý kiến xây dựng, hiến kế cho Đảng, Nhà nước và các tổ chức đề ra chính sách, quy định khả thi phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế ở vùng sâu, vùng xa, quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Bà Rơ Chăm H’Yéo, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam


Một thời được mệnh danh là “con hùm xám” trong lực lượng Fulro, “Đệ nhất Phó thủ tướng”, lý do gì khiến ông lầm đường lạc lối, là do tự nguyện hay bị xúi giục?

Tôi mới bị tai biến nhẹ nên cũng quên nhiều lắm. Tôi tốt nghiệp đại học quốc gia tài chính tại Sài Gòn vào năm 1962 hay 1963 gì đó.

Với kết quả học tập xuất sắc, tôi được chính quyền chế độ cũ điều về giữ chức Trưởng ty tài chính kinh tế Vũng Tàu, rồi tham gia phiên dịch trong các cuộc thương thuyết do ông Y Bham Enuol (1923-1975, dân tộc Ê Đê, sinh trưởng tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, một trong những người lập ra tổ chức Fulro - PV) với đại diện chính quyền Sài Gòn.

Khi đó, cán bộ của chế độ Mỹ - ngụy luôn khẳng định chính quyền của họ sẽ lãnh đạo các dân tộc Tây Nguyên, họ bảo vệ đồng bào chúng tôi, họ chỉ cần chúng tôi nghe lời họ, làm theo họ.

Nhưng tôi rất buồn khi thấy quyền bình đẳng, công bằng, dân chủ của đồng bào Tây Nguyên khi ấy không được bảo đảm. Tôi học giỏi, làm đến trưởng ty tài chính mà họ vẫn gọi tôi là “thằng người thượng”.

Khi tôi về quê ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, người dân đồng bào K’ho của tôi vây kín nhà tôi để hỏi, mà như hỏi tội: “Mày học giỏi, mày làm cán bộ dưới đồng bằng, ở nhà chúng tao đói ăn, mày có mang lại miếng cơm cho chúng tao không? Mày làm gì cho đồng bào hết cái đói đi?”. Tôi buồn, suy nghĩ gần một năm trời.

Rồi mọi chuyện tiếp theo diễn ra thế nào?

Đến năm 1965, tôi gặp ông Y Bham Enuol - người sáng lập và lãnh đạo tổ chức Fulro, và tôi đã theo Fulro từ đó. Tôi tham gia phong trào “Mặt trận thống nhất đấu tranh của các sắc tộc bị áp bức” do Y Bham Enuol phát động.

Tổ chức Fulro này có trụ sở chính tại Phnom Penh (Campuchia) và California (Hoa Kỳ), có chủ trương đấu tranh cho quyền tự quyết của các sắc tộc thiểu số, thực hiện chiến tranh du kích nhằm ly khai vùng Tây Nguyên ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Fulro ra đời với tên gọi “Mặt trận thống nhất đấu tranh của các sắc tộc bị áp bức”. Nghe hấp dẫn quá, khiến tôi nghĩ đó là lý tưởng và hăm hở bước theo. Đâu ngờ, đó là sự lừa mị bịp bợm của các thế lực phản động. Tôi đã không nhận ra thực dân, đế quốc muốn dùng Fulro làm công cụ thực hiện mưu đồ xấu ở Tây Nguyên.

Khi Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, để thỏa hiệp, ông ta đã cho thành lập Bộ Sắc tộc với mục đích lấy người Tây Nguyên cai trị người Tây Nguyên, một trò lừa bịp, mị dân. Tôi được thủ lĩnh Fulro phái về tham gia bộ máy của ngụy quyền Sài Gòn và trở thành Trưởng ty Sắc tộc tỉnh Tuyên Đức…

Trở về với chính nghĩa

img

Ông Ya Duck trò chuyện với phóng viên Báo Giao thông.

Vậy khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, ông đã ở đâu, làm gì?

Suốt thời gian đó tôi bị khủng hoảng tinh thần. Ở đâu người ta cũng nói đến cuộc trả thù đẫm máu của cộng sản. Đảng giải phóng miền Nam nhưng có giải phóng được tất cả đồng bào Tây Nguyên hay không? Trong khi đó, những kẻ xấu liên tục mua chuộc, lôi kéo. Tôi đã tiếp tục vào rừng để tham gia Fulro trong một tâm trạng như thế.

Tôi đã lặn lội trong rừng từ huyện Đơn Dương lên huyện Lạc Dương để nhận chức “đại tá, tư lệnh” sư đoàn Bidoup của lực lượng Fulro, rồi sau đó được thăng chức Tư lệnh vùng 4.

Năm 1978, sau một cuộc tham gia đảo chính trong nội bộ Fulro, tôi trở thành một trong những người đứng đầu lực lượng này khi được phong “Đệ nhất Phó thủ tướng” phụ trách chính trị, ngoại giao.

Ông Ya Duk rất gần gũi và thân thiết, có uy tín với đồng bào Tây Nguyên. Cách ông nói về các chính sách của Đảng và Nhà nước mộc mạc và hấp dẫn. Ông cũng rất tích cực đóng góp ý kiến xây dựng hệ thống chính trị và vận động nhân dân đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau làm kinh tế, giữ gìn trật tự - an ninh, ATGT ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thiết, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương


Khi làm công tác ngoại giao tôi dần nhận ra rằng, cái cách đấu tranh của Fulro tàn ác quá, nhưng tôi không tìm ra được lối thoát. Fulro ở trong và ngoài nước tung hô, phong tặng tôi các danh hiệu “Người hùng số 1 cao nguyên”, “Hùm xám Tây Nguyên”, “Chúa sơn lâm”... nhưng tôi vẫn buồn. Lúc ấy, tôi không dám thổ lộ với ai về suy nghĩ của mình. Nói ra họ giết tôi liền.

Thời đó, tôi biết quá ít thông tin nên bị mắc sai lầm nghiêm trọng.

Sau những năm tháng sống chui lủi trong rừng, tôi tìm đường trốn ra nước ngoài để nhờ sự viện trợ, nhưng bị Ban chuyên án F101 của Công an Lâm Đồng phát hiện.

Năm 1980, tôi cùng nhiều thuộc hạ bị bắt tại sông Tùng Nghĩa, thuộc xã Phú Hội, huyện Đức Trọng. Được sự tha thứ của nhân dân, của chính quyền, tôi quyết định đoạn tuyệt quá khứ, quyết tâm làm lại cuộc đời bằng cách về với chính nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Sau những năm tháng sóng gió, khi trở về, ông đã vượt qua những mặc cảm, tự ti để chuộc lại lỗi lầm cách nào?

Đau xót, day dứt với những lỗi lầm, tôi thề độc với bản thân và cam kết với chính quyền địa phương không bao giờ tái phạm, đồng thời, cầu xin các cơ quan chức năng cho cơ hội đi vào rừng lập công chuộc tội.

Khi đó, ông Trịnh Lương Hy đang là thiếu tá, trưởng công an huyện Đơn Dương thuyết phục tôi ra làm công tác mặt trận.

Lúc đó, tôi phát hoảng vì nghĩ rằng làm mặt trận nghĩa là lại ra chiến trường, lại máu chảy đầu rơi, tên bay đạn lạc, khói lửa tàn khốc… Đến khi hiểu ra và nhận nhiệm vụ, tôi toàn tâm, toàn ý với công việc.

Trong công tác tuyên truyền, tôi sử dụng vốn tiếng Anh, tiếng Pháp và các thứ tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên để phanh phui các chiêu thức lừa phỉnh của Fulro, kêu gọi các nhóm Fulro đang ẩn nấp trong rừng núi ra đầu thú, trở về với chính nghĩa, với vợ con, với dân làng. Với uy tín của tôi, hàng trăm người theo Fulro đã giác ngộ, lần lượt buông súng đầu hàng, trở về với cách mạng.

Năm 1983, tôi được giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng. Đây là bước ngoặt lịch sử trong cuộc đời nên tôi càng cố gắng học hỏi, vận động, tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Anh thấy đó, gia đình tôi có nhà cao cửa rộng, con cái có công ăn việc làm ổn định, có cuộc sống hạnh phúc viên mãn như hôm nay là do sự nỗ lực phấn đấu của nhiều người, là nhờ vào sự che chở của bà con, nhờ sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước.

Mong cuộc sống của đồng bào ngày càng ấm no

Từng là đại biểu Quốc hội, cán bộ MTTQ tỉnh Lâm Đồng, khi còn công tác, ông đã có những hiến kế, góp ý gì để tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung và đối với đồng bào Tây Nguyên nói riêng?

Thực sự tham gia công tác mặt trận hay trở thành đại biểu Quốc hội, tôi đã có điều kiện để phát huy hết những khả năng của mình vì tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc, no ấm của đồng bào.

Tôi không thể nhớ hết đã nói và làm những gì, nhưng trước sau không gì khác, đó là mong muốn cuộc sống của đồng bào ngày càng tốt đẹp hơn.

Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách chăm lo cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên để họ có cuộc sống ngày càng ấm no. Theo ông, để làm tốt hơn nữa việc này, cần có thêm những chính sách gì?

Trên đường đến đây anh thấy đó, dọc đường vào xã Ka Đô quê tôi, những con đường thênh thang đã được đổ bê tông, đổ nhựa.

Những ngôi nhà khang trang xen kẽ nhau. Anh sẽ khó nhận thấy đâu là nhà người Kinh, đâu là nhà người đồng bào Tây Nguyên. Buôn làng sống chan hòa, yêu thương nhau, không còn cảnh quanh năm thiếu đói, cái nghèo cũng đang lùi xa.

Điều tôi mong mỏi nhất là công tác tuyên truyền chính sách pháp luật, phổ biến kiến thức cho đồng bào cần làm tốt hơn nữa.

Và muốn như vậy thì trước hết cán bộ ở cơ sở phải thực sự gần đồng bào, hiểu đồng bào. Khi đã có nhận thức đúng đắn, chắc chắn một bộ phận đồng bào sẽ không còn nhẹ dạ, cả tin, để kẻ xấu lôi kéo vào những mưu đồ thâm độc của chúng.

Cảm ơn ông!

Ông Nahria Ya Duk là người dân tộc K’ho, sinh năm 1940 tại xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Năm 1965, ông tham gia lực lượng Fulro, đến năm 1979, được thăng cấp chuẩn tướng và cử làm phó thủ tướng thứ nhất đặc trách nội an và ngoại giao của Fulro.

Sau khi buông súng trở về với chính nghĩa, ông được vận động làm công tác mặt trận. Ông từng là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân tộc - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIII, thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.