Tổn thất 3% GDP vì tai nạn giao thông
Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, cứ 10 người thiệt mạng do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ trên thế giới thì có 1 trường hợp xảy ra tại Ấn Độ, trong khi lượng ô tô tại quốc gia này chỉ chiếm 1% lượng bán ra trên toàn cầu.
Năm 2020, tại Ấn Độ, đã có hơn 130.000 người thiệt mạng liên quan đến TNGT đường bộ. Khoảng 70% nạn nhân từ 18 - 45 tuổi và một nửa trong số họ là người đi bộ, đi xe đạp, xe máy.
Về kinh tế, mỗi năm, Ấn Độ tổn thất 3% GDP do thiệt hại trong các vụ tai nạn giao thông.
Ảnh minh họa 1 chiếc ô tô được trang bị 6 túi khí
Chính vì vậy, Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu giảm một nửa số trường hợp tử vong do TNGT đường bộ trước năm 2025 bằng các biện pháp nâng cao tính năng an toàn trên ô tô. Trong đó có quy định bắt buộc phải trang bị tới 6 túi khí với tất cả ô tô, dự kiến bắt đầu từ tháng 10/2022.
Tuy nhiên, kế hoạch trên vấp phải sự phản đối gay gắt của nhiều hãng xe, trong đó có hãng sản xuất ô tô hàng đầu Ấn Độ Maruti Suzuki.
Maruti Suzuki cho rằng, kế hoạch bắt buộc tất cả xe ô tô phải trang bị 6 túi khí sẽ đẩy giá thành sản xuất tăng cao, khiến thị trường xe ô tô cỡ nhỏ càng thêm khó khăn.
Chủ tịch công ty, ông RC Bhargava cho rằng, động thái này sẽ ảnh hưởng tới tệp khách hàng có thu nhập thấp khi họ không đủ khả năng chi trả vì giá xe tăng cao.
Hiện tại, Ấn Độ đã bắt buộc toàn bộ ô tô tại nước này phải trang bị 2 túi khí cho lái xe và hành khách ghế trước. Ước tính việc thêm 4 túi khí nữa sẽ làm tăng giá thành xe ít nhất 230 USD. Trong khi đó, chỉ có 8% hộ gia đình tại Ấn Độ đủ khả năng sở hữu ô tô và nhiều hộ gia đình chỉ đủ tiền mua dòng xe hatchback (xe đô thị, cỡ nhỏ) có giá trung bình chỉ khoảng 4.250 USD.
“Trong một số trường hợp, giá thành xe còn có thể cao hơn nữa do các công ty cần phải thay đổi cấu trúc xe để có thể bổ sung thêm túi khí”, ông Ravi Bhatia, Chủ tịch nhà cung cấp dữ liệu thị trường ô tô - JATO Dynamics tại Ấn Độ cho biết.
Tuy nhiên, theo một số nguồn tin của Reuters, Bộ Giao thông Đường bộ và Đường cao tốc Ấn Độ kiên quyết với kế hoạch trên và đang thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô đồng ý với quy định mới. Theo ước tính của Bộ này, 4 túi khí bổ sung chỉ có giá không quá 90 USD.
Chưa kể, nhu cầu ô tô cỡ nhỏ tại Ấn Độ hiện đang giảm mạnh do giá cả tăng cao vì thuế, giá vật liệu thô, giá xăng tăng và nhiều người muốn mua ô tô không thể mua nổi. Những người có khả năng mua xe thì lại muốn mua các loại xe sedan hoặc xe thể thao đa dụng. Maruti Suzuki ước tính nhu cầu xe hatchback trên thị trường đã giảm 25% trong 4 năm qua.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ cũng lên tiếng yêu cầu Bộ xem xét lại vì hiện chưa có quốc gia nào trên thế giới bắt buộc có túi khí bên xe.
Giảm tính năng an toàn để hạ giá thành?
Global NCAP, nhóm giám sát độc lập về an toàn ô tô có trụ sở tại Anh, từng thử nghiệm độ an toàn của ô tô sản xuất tại Ấn Độ từ năm 2014. Kết quả 5 mẫu ô tô cỡ nhỏ phổ biến nhất Ấn Độ - chiếm 20% tổng lượng ô tô bán ra trên thị trường đều không vượt qua các bài kiểm tra va đập. Trong số này có các mẫu xe của các hãng Tata, Ford, Volkswagen và Hyundai.
Từ đó tới nay, Global NCAP đã thử nghiệm hơn 50 mẫu xe. Kết quả cho thấy các mẫu xe của Tata và Mahindra đã lọt vào trong nhóm an toàn nhất.
Tata Nexon, mẫu SUV 5 chỗ ngồi, là mẫu ô tô do Ấn Độ sản xuất đầu tiên được xếp hạng an toàn 5 sao trong hạng mục bảo vệ hành khách.
Năm 2020 đã xảy ra hơn 360.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ tại Ấn Độ
Tổng thư ký Global NCAP Alejandro Furas chỉ ra, trong khi các hãng xe Ấn Độ đã và đang dần nâng cao tiêu chuẩn an toàn, một số hãng xe nước ngoài lại chưa đạt tiêu chuẩn an toàn tại Ấn Độ dù thực chất họ đã vượt các tiêu chuẩn này ở các thị trường quốc tế khác.
Ông cho rằng, có thể các hãng xe nước ngoài lại đang giảm bớt các tính năng an toàn đối với xe sản xuất cho thị trường Ấn Độ để hạ giá thành thấp hơn.
Do đó, ngoài đề xuất về túi khí, Chính phủ Ấn Độ cũng có kế hoạch lập nhóm giám sát an toàn ô tô Bharat NCAP nhằm giới thiệu hệ thống xếp hạng an toàn ô tô với các mức đánh giá từ 1 - 5 sao, dựa trên kết quả thử nghiệm va đập cũng như các công nghệ an toàn khác.
Chuộng mẫu mã, thờ ơ chuyện an toàn
Nhà báo chuyên mảng ô tô Kushan Mitra chỉ ra, bên cạnh một chiếc xe đạt chuẩn an toàn, còn một yếu tố vô cùng quan trọng nữa là trình độ người lái. Theo ông, “người Ấn Độ lái xe không cẩn thận, họ không có ý thức quan tâm tới vấn đề an toàn. Con trai tôi đi học ở một trường mầm non cao cấp nhưng chỉ có 10% trẻ em được cha mẹ đưa tới trường bằng ô tô có sử dụng ghế ngồi cho trẻ”.
Ông chỉ ra, trẻ em thường ngồi trên đùi bố mẹ, hành khách ngồi ghế sau thường không thắt dây an toàn, tình trạng đi nhầm làn đường, đi ngược chiều khi tắc đường là thường xuyên xảy ra. Chưa kể tình trạng lái xe vượt quá tốc độ, uống rượu lái xe là thường thấy… Mức độ chấp hành luật lệ giao thông còn thiếu và yếu.
Đồng quan điểm trên, ông Vinkesh Gulati, Chủ tịch một hiệp hội về ô tô cho rằng, người dân Ấn Độ chú ý nhiều tới các tiện ích như ghế ngồi bọc da, chống nắng, radio khi chọn mua ô tô hơn là tới các tính năng an toàn. Tuy nhiên, nhận thức về vấn đề này đang dần cải thiện, dù vẫn còn chậm.
Ấn Độ là thị trường xe hơi lớn thứ 4 thế giới, với doanh số hàng năm khoảng 3 triệu chiếc nhưng rất “nhạy cảm” về giá (khi giá tăng lập tức nhu cầu sẽ giảm). Nhìn chung xe hơi trên thị trường này thường có giá trung bình 10.000 - 15.000 USD. Hãng xe Maruti Suzuki chiếm lĩnh phần lớn thị phần thị trường xe hơi Ấn Độ. Phần lớn cổ phần của hãng là do Suzuki Motor và Hyundai Motor nắm giữ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận