Hôm nay (30/7), Bộ GTVT ký hợp đồng BOT với Tập đoàn Đèo Cả và liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn trao hợp đồng BOT cho liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo
Đàm phán kéo dài do nhiều khó khăn, vướng mắc
Ông Lê Kim Thành - Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) cho biết, đây là dự án cuối cùng trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện theo hình thức PPP được Bộ GTVT ký hợp đồng với nhà đầu tư. Bởi, trước đó trong tháng 5 - 6/2021, Bộ GTVT đã ký hợp đồng với nhà đầu tư của hai dự án Nha Trang - Cam Lâm và Diễn Châu - Bãi Vọt.
Ông Thành cho biết, dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5km, giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư quy mô 6 làn xe, nền đường rộng 32,35m. Trước mắt, dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Điểm nhấn của dự án là xây dựng hầm Núi Vung dài 2,2 km, lớn thứ 4 cả nước sau hầm Hải Vân, Đèo Cả, Cù Mông với quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14m.
Theo ông Thành, dự án có tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 3.786 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu khoảng 1.030 tỷ đồng, vốn vay khoảng 2.756 tỷ đồng); nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 4.199 tỷ đồng.
“Dự án triển khai sẽ khắc phục các tồn tại của các dự án BOT trước đây như: Đảm bảo lựa chọn cho người sử dụng, mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ được xác định ngay từ ban đầu sẽ giảm rủi ro cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án”, ông Thành nói.
Ông Phùng Tiến Thành - Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là dự án cuối cùng trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông thực hiện theo hình thức PPP được ký kết hợp đồng bởi những lý do khách quan.
“Việc đàm phán kéo dài hơn các dự án khác bởi Bộ GTVT và nhà đầu tư cùng thương thảo một cách chi tiết để thống nhất tháo gỡ những vấn đề vướng mắc bất cập, đúc kết từ kinh nghiệm của Tập đoàn Đèo cả đã từng thực hiện hoặc tư vấn tháo gỡ các vướng mắc tài chính và thủ tục pháp lý tại các dự án, điển hình như: Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vân Đồn - Móng Cái… Quan điểm nhất quán của chúng tôi là ký kết hợp đồng để thực hiện được”, ông Thành nói.
Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn vật liệu khan hiếm và biến động giá bất thường của các loại vật tư như sắt thép, cát, đá các loại mà trước khi đấu thầu nhà đầu tư không lường hết được. Ngoài ra, nhà đầu tư còn gặp khó khăn trước yêu cầu của các tổ chức tín dụng phải có bảo lãnh doanh thu mà hợp đồng này không được áp dụng.
Để triển khai dự án đảm bảo hiệu quả, ông Thành đề nghị sau khi ký kết hợp đồng, Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn tất bàn giao hồ sơ thiết kế theo đúng quy định của hợp đồng; bàn giao đầy đủ mốc mạng và phạm vi GPMB cũng như mặt bằng sạch cho nhà đầu tư; hỗ trợ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án làm việc với địa phương trong công tác cấp phép mỏ vật liệu trên địa bàn dự án đi qua,…
Tập đoàn Đèo Cả đã và đang triển khai thành công hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn: Hầm đường Đèo Cả, hầm Hải Vân 2, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận,… (Trong ảnh: Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn do Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư được hoàn thành, đưa vào khai thác đầu năm 2020)
Dự án tiết kiệm hơn 891 tỷ đồng vốn ngân sách
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, thông qua đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư, dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã tiết kiệm được hơn 891 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước. “Chúng ta không chỉ huy động được nguồn vốn tư nhân mà còn giảm được nguồn vốn ngân sách đầu tư vào dự án. Đây là điều rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đánh giá.
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, kết cấu hạ tầng luôn phải đi trước một bước, nếu chúng ta chỉ trông chờ vào vốn ngân sách, không dựa vào kinh tế tư nhân sẽ rất khó để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.
“Chính phủ và Bộ GTVT đang quyết tâm thực hiện nhiệm vụ có 3.000km cao tốc vào năm 2025 và có 5.000km cao tốc vào năm 2030. Nếu chúng ta không huy động nguồn lực xã hội, không hoàn thiện thể chế để đẩy mạnh đầu tư theo hình thức PPP, chắc chắn không thể hoàn thành mục tiêu đặt ra”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói và đánh giá cao năng lực, kinh nghiệm của đại diện nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả khi đã và đang triển khai thành công nhiều dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn như: Hầm đường Đèo Cả, hầm Hải Vân 2, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận,…
“Bộ GTVT sẽ luôn sát cánh, đồng hành cùng nhà đầu tư để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện từ công tác bàn giao hồ sơ thiết kế, bàn giao cọc giải phóng mặt bằng và làm việc với chính quyền địa phương giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu thi công để triển dự án đảm bảo hiệu quả tốt nhất”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Chỉ dùng vốn ngân sách đầu tư hạ tầng là thất bại
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là phương thức cơ bản để huy động nguồn lực của các nhà đầu tư tư nhân để cùng Nhà nước phát triển cơ sở hạ tầng. “Nếu Nhà nước chỉ dùng vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng là chính sách thất bại”, ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, áp dụng hình thức PPP để huy động vốn của toàn dân cùng tham gia đầu tư các dự án trọng điểm sẽ là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế. Trong tương lai, hình thức PPP sẽ là chủ lực trong phát triển hạ tầng, vốn ngân sách chỉ đóng vai trò vốn mồi.
“Theo kế hoạch của Chính phủ đến năm 2030, cả nước có 5.000km đường cao tốc. Trong 20 năm qua, chúng ta mới làm được gần 1.200km, trong khi 10 năm tới phải làm gấp 3 lần 20 năm trước đó, đây là áp lực rất lớn. Để hoàn thành mục tiêu để ra, chúng ta bắt buộc phải huy động vốn tư nhân nhiều hơn nữa, cùng với đó là ban hành các cơ chế chính sách khơi thông cho tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào các dự án PPP”, ông Lộc nói.
“Hôm nay, Bộ GTVT và nhà đầu tư ký kết hợp đồng cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo theo hình thức PPP. Trong bối cảnh này, việc ký kết hợp đồng không chỉ có ý nghĩa là đầu tư một công trình giao thông mà đây còn là sự kiện để cổ vũ, thúc đẩy xu hướng đổi mới về cách thức huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng đất nước”, ông Lộc chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận