Giáo dục

Trẻ nghiện game, chán học có thể không phải vì lười mà do bệnh lý này

21/04/2021, 01:00

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ lười học, mê game nhưng cha mẹ cũng cần chú ý tới một số yếu tố chủ quan như bệnh lý.

img

Con cái mê game trên điện thoại là vấn đề đau đầu của các bậc phụ huynh. Tại sao trẻ “dính” vào những thứ này lại không thể tự thoát ra được? Một mặt, có thể xuất phát từ việc trẻ không có khả năng chống lại sự cám dỗ, dễ dàng bị thế giới ảo cuốn hút. Mặt khác, trẻ bỗng dưng nghiện game có thể là do bệnh lý.

Từ học sinh giỏi, trẻ bỗng dưng nghiện game

Một số phụ huynh cho biết, con của họ vốn dĩ ngoan hiền, học giỏi, bỗng nhiên bị cuốn vào thế giới game mãi không dứt ra được, điều này thật khó hiểu.

Linh Linh là một nữ sinh trung học, học lực của em thuộc top đầu trong lớp. Để có bảng điểm trong mơ, cha mẹ thường bắt em học thêm nhiều môn khác nhau.

Sau giờ lên lớp, em được mẹ chở thẳng tới lớp học thêm, chỉ được nghỉ một chút thời gian ít ỏi vào cuối tuần. Ngoài giờ học, thời gian của em chỉ để ngủ mà không thể làm bất kỳ điều gì khác.

Vì học quá nhiều, Linh Linh bị thiếu ngủ trầm trọng và hình thành thói quen ăn quá nhiều khi bị căng thẳng. Khi cân nặng tăng vọt, em tiếp tục sống trong tự ti và không dám giao tiếp với người khác.

Sau đó, em bị ám ảnh bởi các trò chơi trực tuyến. Đối với em, thế giới trong game giống như một nơi nuôi dưỡng tinh thần, không ai biết em là ai. Đây là nơi mà em có thể tìm lại sự tự tin của chính mình.

Sau đó, Linh Linh không muốn đi học, chỉ muốn ở nhà vùi đầu chơi game. Tình hình trở nên nghiêm trọng, cha mẹ tịch thu điện thoại và ép em đến trường.

Em chọn cách cực đoan nhất là tự tử nhưng may mắn được cứu. Khi tâm trạng lên tới đỉnh điểm, em thường trùm chăn la hét, chui xuống gầm giường hay làm nhiều hành vi bất thường khác.

Tại sao đứa trẻ đang học tập tốt, nhưng lại bỗng nhiên mê game không dứt ra được. Một số chuyên gia cho biết, hầu hết những đứa trẻ trong hoàn cảnh này đều bị chịu áp lực từ nhà trường và cha mẹ, chúng mắc các chứng trầm cảm ở các mức độ khác nhau.

"Cha mẹ không bao giờ hiểu con muốn gì"

Tiểu Lý vốn là con ngoan trò giỏi trong mắt mọi người, nhưng cậu đã nghỉ học 2 năm vì mắc chứng trầm cảm khi mới 17 tuổi. Khi tìm đến bác sĩ điều trị, Tiểu Lý nói rằng, cậu bị một áp lực vô hình điều khiển, không muốn tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, cảm giác như có ai đó muốn nhốt mình vào góc tối, không thể di chuyển.

Tiểu Lý cảm thấy cuộc sống thật tẻ nhạt và buồn chán nên không muốn đi học nữa, chỉ muốn ở nhà không làm gì cả. Thậm chí, kể cả hành vi ăn uống để duy trì sự sống, cậu cũng chẳng quan tâm.

Có một lần, Tiểu Lý hét vào cha mẹ mình: “Tại sao cha mẹ lại đưa con đến thế giới này mà không có sự đồng ý của con. Mẹ chưa bao giờ biết con thực sự muốn gì”.

img

Có rất nhiều điều khiến Tiểu Lý bị trầm cảm, bao gồm cả tính cách và áp lực cuộc sống, nhưng phần lớn nguyên nhân bắt nguồn từ môi trường nơi cậu lớn lên.

Ngay từ khi còn nhỏ, trong ấn tượng của Tiểu Lý, cha mẹ cậu lúc nào cũng bận rộn với công việc và ít khi về nhà, mọi thứ đều do người giúp việc làm. Khi cậu vào tiểu học, cha mẹ sắp xếp trường nội trú, cậu chỉ về nhà mỗi tuần một lần.

Ở trong trường, gặp phải chuyện gì không vui, cậu cũng chẳng biết kể cùng ai, tất cả mọi thứ đều phải tự mình xử lý. Chính vì những lý do đó, từ nhỏ cậu đã hình thành thói quen không thích giao tiếp với cha mẹ mình.

Tiểu Lý bắt đầu tìm cách xây dựng mối quan hệ xã hội của riêng mình. Vì sợ người khác không thích mình, cậu không dám tử tế với ai và cũng không dám bộc lộ bất cứ cảm xúc cá nhân nào. Cậu sợ cô đơn và không có bạn bè.

Vì lý do này, cậu đặc biệt quan tâm đến ý kiến ​​của những người xung quanh, một lời nói từ người khác có thể ảnh hưởng đến cậu cả ngày.

Có lẽ vì thế, khi tìm đến game, một thế giới ảo nơi mọi người chẳng biết ai là ai, cậu có thể tìm thấy niềm vui cho mình.

Bệnh trầm cảm ngày càng trẻ hóa

Khi nghe đến từ trầm cảm, nhiều người sẽ nghĩ chẳng bao giờ sẽ xảy ra đối với một đứa trẻ tiểu học. Thế nhưng trên thực tế, bệnh trầm cảm ngày càng trẻ hóa, không chỉ các bà mẹ sau sinh mới bị trầm cảm mà người lớn gặp nhiều áp lực trong công việc cũng sẽ bị trầm cảm.

img

Các báo cáo liên quan cho thấy: Tỷ lệ phát hiện bệnh trầm cảm ở trường tiểu học khoảng 10%, trung học cơ sở khoảng 30%, trung học phổ thông cao nhất khoảng 40%.

Nếu con bạn đột nhiên không thích học, không thích cười, không thích tiếp xúc với người khác, đột ngột giảm khả năng tập trung, khả năng hiểu, trí nhớ, tự thu mình trong phòng không nhìn thấy mọi người và chỉ muốn chơi game, điều đó chỉ ra cảm xúc của chúng đang có vấn đề, có thể bị trầm cảm.

Có nhiều yếu tố góp phần gây ra tình trạng này như áp lực thi vào trường chuyên lớp chọn. Ngoài ra, có thể thiếu sự giao tiếp tình cảm giữa cha mẹ và con cái, do ảnh hưởng của môi trường gia đình. Cha mẹ bận rộn kiếm tiền phụ và hiếm khi có thời gian lắng nghe ý kiến ​​của con cái.

Bên cạnh đó, trẻ em hầu hết được nuông chiều trong quá trình lớn lên. Chúng chưa trải qua những thăng trầm trong quá trình trưởng thành và không có khả năng chống chọi với căng thẳng khi gặp vấn đề. Vì vậy, một số điều cực đoan sẽ xảy ra.

Vì vậy, cha mẹ phải học cách trở thành người bạn tốt với con cái, cách lắng nghe những suy nghĩ thực sự của chúng, làm thế nào để trẻ mạnh mẽ hơn và có khả năng chống chọi với áp lực trong cuộc sống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.