Tài chính

Triển vọng cho Techcombank

07/06/2018, 17:04

Ông Barry Weisblatt, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phân tích, Chứng khoán Bản Việt nhận định về triển vọng Techcombank.

Barry

Ông Barry Weisblatt, Giám đốc Bộ phận Nghiên Cứu và Phân Tích, Chứng khoán Bản Việt nhận định về triển vọng Techcombank

Đánh giá của ông về triển vọng ngành Ngân hàng Việt Nam nói chung?

Chúng tôi có quan điểm khá tích cực về triển vọng của ngành Ngân hàng Việt Nam.

Tăng trưởng tín dụng năm 2017 là khá ổn định đạt 18% và điểm đáng chú ý là mức tăng trưởng này không tập trung vào 2 tuần cuối cùng của năm để đạt mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mà duy trì tăng trưởng ổn định trong cả năm 2017.

Ngoài ra, chúng tôi đang nhận thấy sự chuyển hướng tập trung sang cho vay bán lẻ, mang lại một số tác động tích cực. Đầu tiên, lợi suất cao hơn từ các tài sản bán lẻ giúp giữ tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng chúng tôi theo dõi ổn định đạt 2,9% dù chi phí huy động gia tăng. Thứ hai, chúng tôi nhận thấy thu nhập ngoài lãi (NOII) có mức đóng góp đáng kể hơn trong lợi nhuận các ngân hàng. NOII tăng từ 12% tổng thu nhập từ HĐKD (TOI) lên 18% trong 2 năm qua trong danh mục các ngân hàng chúng tôi theo dõi, nhờ vào mức tăng 3 chữ số của khoản mục này tại số các ngân hàng.

Phần lớn diễn biến này đến từ việc triển khai các sản phẩm mới, như bancasurrance (ngân hàng kế hợp bảo hiểm). Cung cấp dịch vụ Ngân hàng Giao dịch cho các khách hàng bán buôn (DN lớn) và SME (DN vừa và nhỏ) cũng là yếu tố dẫn dắt tăng trưởng chính. Tỷ lệ vốn hóa hiện vẫn khá thấp trong một số trường hợp và việc áp dụng Basel II vào năm 2020 sẽ là thách thức cho một số ngân hàng, nhưng quá trình xử lý nợ xấu hiện đang có tiển triển tốt, đặc biệt là tại các Ngân hàng TMCP quốc doanh và chúng tôi nhận thấy các ngân hàng đang gần hoàn thành xử lý xóa nợ VAMC.

Vậy còn triển vọng cho Techcombank?

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (TCB) ghi nhận một số chỉ số sinh lời cao nhất trong danh mục các công ty chúng tôi theo dõi. TCB ghi nhận tỷ lệ ROA (tỷ số lợi nhuận trên tài sản) 2,6% trong 12 tháng qua, so với mức 0,9% của trung bình các ngân hàng trong nước và tỷ lệ ROE (tỷ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) 27,7% so với mức trung bình 14,9% các ngân hàng trong nước.

Chúng tôi dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận 50% cho TCB năm 2018 phần lớn do tăng trưởng cho vay 20% và tăng trưởng cho vay mua nhà 35% (vốn có mức sinh lời cao) từ mảng PFS (bán lẻ) của ngân hàng. Ngoài ra, thu nhập phí của TCB đã tăng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 69,5% trong giai đoạn 2015-2017, mức tăng ấn tượng trong bối cảnh tỷ trọng cao của thu nhập phí trong TOI của ngân hàng.

TCB cũng kiểm soát tốt chi phí. Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) 29% tính đến hiện tại là mức thấp nhất trong số các ngân hàng chúng tôi theo dõi (dù con số này bao gồm cả khoản mục bất thường). Trong khi đó, ngân hàng đã duy trì bảng cân đối kế toán lành mạnh. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) 12,7% là cao hơn nhiều so với mức quy định tối thiểu và giữ tỷ lệ nợ xấu ở dưới 2% với chính sách cấp tín dụng thận trọng.

Theo ông, đâu là các thế mạnh cạnh tranh của TCB?

Chúng tôi cho rằng thế mạnh lớn nhất của TCB là mảng cho vay mua nhà. Các khoản vay mua nhà chiếm 69% danh mục cho vay bán lẻ của TCB so với mức 35% của trung bình nhóm ngân hàng TMCP Tư nhân, TCB đã tăng thêm 8.000 tỷ đồng (350 triệu USD) dư nợ cho vay mua nhà trong năm 2017 và chiếm 16% thị phần. Chúng tôi cho rằng mảng kinh doanh cho vay mua nhà của TCB sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2018 khi đối tác “hệ sinh thái” chính, Vingroup, sẽ mở rộng sang thị trường “cao cấp phổ thông” với các dự án VinCity.

Cho vay mua nhà là một bước đi thông minh để tăng trưởng mảng cho vay tại Việt Nam khi được hưởng phương thức xỷ lý tỷ trọng rủi ro thuận lợi hơn so với các khoản vay trực tiếp cho chủ đầu tư BĐS và do đó cần lượng vốn thấp hơn. Dĩ nhiên, Việt Nam đang trải qua giai đoạn tăng trưởng tốt của thị trường BĐS trong hơn 5 năm qua và chúng tôi tin rằng diễn biến này sẽ vẫn tiếp tục, đặc biệt là trong phân khúc khách hàng “cao cấp phổ thông” ít nhất là một vài năm tới. Chúng tôi cũng ước tính rằng trong năm 2016, tổng cho vay bán lẻ chỉ chiếm 4,7% GDP của Việt Nam, so với con số 16% của Thái Lan, do đó dư địa tăng trưởng của mảng này vẫn còn rất lớn.

Một lĩnh vực chủ chốt khác của TCB là mảng kinh doanh bancasurrance. Trong năm 2017, TCB đã ký hợp 15 năm với Manulife. Hợp đồng này là tương tự các ngân hàng khác, như Dai-ichi Life và Sacombank cũng như AIA và VPBank. Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam có tỷ lệ thâm nhập còn khá thấp.

Theo Frost & Sullivan, trong năm 2016, phí bảo hiểm nhân thọ chỉ chiếm 1% GDP của Việt Nam, so với mức lần lượt 3,2% và 3,7% tại Malaysia và Thái Lan. Ngoài ra, Frost & Sullivan cũng báo cáo bancasurrance hiện chỉ chiếm 2% bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam so với mức 35% hoặc cao hơn ở các quốc gia khác. Với diễn biến này, chúng tôi kỳ vọng thu nhập phí thuần của TCB từ bancasurrance sẽ tăng với CAGR 70% trong giai đoạn 2017-2020 (kể khả khi không tính phí trả trước liên quan đến thỏa thuận bancassurance độc quyền với Manulife) và gia tăng tỷ lệ đóng góp đáng kể cho tổng thu nhập phí.

Ngoài ra, TCB cũng có một vài mảng kinh doanh đáng chú ý khác. Bộ phận Ngân hàng Giao dịch của TCB đóng góp 33% thu nhập phí thuần (không tính khoản mục bất thường) với sự tập trung vào tăng trưởng mảng SME. Đội ngũ ngân hàng đầu tư của TCB là những người dẫn đầu trong thị trường Trái phiếu Doanh nghiệp (TPDN) của Việt Nam. Và thu nhập phí từ thẻ tín dụng đã tăng 22% năm 2017 khi tỷ lệ thẻ hoạt động (active) cải thiện từ 62% lên 70%. Chúng tôi cho rằng tỷ lệ này có thể đạt 85% vào năm 2020 trong khi tổng số lượng thẻ phát hành sẽ tăng với CAGR 12% giai đoạn 2017-2020.

Những rủi ro mà TCB đối mặt?

Cho vay mua nhà là một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của TCB và thị trường BĐS thường mang tính chu kỳ. Một giai đoạn đi xuống của thị trường BĐS có thể ảnh hưởng đến nhu cầu vay mua nhà và làm giảm giá trị Tài sản đảm bảo (TSĐB) đối với các khoản vay hiện hữu.

Nhưng chúng tôi cho rằng rủi ro này có thể được kiểm soát. Đầu tiên, chúng tôi ghi nhận lượng giao dịch cao -  đặc biệt là trong phân khúc cao cấp phổ thông trong thị trường BĐS. Các chuyên viên phân tích ngành BĐS của chúng tôi khá lạc quan cho rằng xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục. Dù vậy, dù Việt Nam có thị trường BĐS khá sôi động trong vòng 5 năm qua, chúng tôi chưa ghi nhận những mức tăng giá BĐS quá cao ở phần lớn các khu vực, do dó chúng tôi cho rằng giá trị BĐS chưa bước vào vùng rủi ro.

Trong khi đó, đối tác hệ sinh thái lớn nhất lớn nhất của TCB, Vingroup, đang dần chuyển hướng từ nhóm khách hàng cao cấp sang nhóm khách hàng cao cấp phổ thông. Điều này sẽ tạo ra một nhóm khách hàng mới cho TCB. Ngân hàng sẽ cần cẩn trọng để điều chỉnh chính sách cấp tín dụng để phản ánh sự thay đổi hành vị của nhóm khách hàng mới. Dù vậy, chúng tôi cho rằng khoản đầu tư XDCB 324 triệu USD vào Công nghệ Thông tin (CNTT) đến năm 2021 là một chỉ báo tốt cho các nỗ lực đầu tư vào quản lý rủi ro của TCB.

Các thách thức mà TCB cần giải quyết?

Nhiều ngân hàng trong nước đang đối mặt với các trở ngại đáng kể về tỷ lệ NIM hiện tại do chi phí huy động giá tăng. TCB ghi nhận cơ cấu chi phí vốn thuận lợi do gia tăng tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) từ 20,6% lên 24,1% trong 3 năm qua. Nhằm đạt được dự báo của chúng tôi, ngân hàng sẽ cần tiếp tục gia tăng tỷ lệ CASA lên 35% vào năm 2020. Chúng tôi cho rằng mục tiêu này có thể đạt được khi đẩy mạnh: phân khúc khách hàng “phổ thông” mục tiêu thông qua kênh bán hàng số cho mảng PFS (bán lẻ) và nghiệp vụ ngoại hối và kiều hối dành cho mảng dịch vụ ngân hàng.

Thương vụ IPO và niêm yết của TCB đã thành công như thế nào?

Thương vụ IPO của TCB đã gặt hái được thành công to lớn. Tổng nhu cầu lượng đặt mua của các NĐT đạt 3,5 tỷ USD, cao hơn 15,8 lần quy mô lượng chào bán 225 triệu USD cho các NĐT chủ chốt (cornerstone investors), do đó có nhiều NĐT đã không mua được cổ phiếu nào. Trong khi phần lớn nhu cầu đến từ các NĐT Châu Á.

Chúng tôi cũng ghi nhận sự tham gia lớn từ các NĐT Mỹ và EMEA (khu vực châu Âu, Trung Đông và Châu Phi). Dù vậy, do sự thành công của đợt chào bán này nên đã làm kín room dành cho NĐT nước ngoài tại TCB vào thời điểm niêm yết và các NĐT trong nước thường ít quan tâm tham gia vào các cổ phiếu vừa niêm yết vì chưa đủ điều kiện cho vay ký quỹ, khiến giá cổ phiếu giảm sàn trong phiên giao dịch đầu tiên.

Sau khi giảm điểm trong các phiên đầu tiên, ông đánh giá thế nào về triển vọng giá cổ phiếu TCB?

Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm tích cực về giá trị trong dài hạn của TCB. Chúng tôi đã công bố báo cáo lần đầu dành cho TCB với khuyến nghị giá mục tiêu 153.000 đồng/CP trong 12 tháng tới. Mức giá này tương ứng với tỷ lệ P/B (giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách) xấp xỉ 3,5 lần, được chúng tôi cho là hợp lý so với các ngân hàng khác tại Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi cũng ghi nhận yếu tố hỗ trợ ngắn hạn cho các NĐT trong nước. Ngày 14/06/2018, TCB sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường nhằm trình cổ đông thông qua việc chia cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 200% (1 cổ phiếu hiện hữu nhận 2 cổ phiếu mới). Điều này sẽ làm tăng vốn điều lệ của ngân hàng từ 11,65 nghìn tỷ đồng lên 35 nghìn tỷ đồng và sẽ cải thiện thanh khoản giao dịch cho cổ phiếu TCB.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.