Ông Kim Jong-un cùng các chuyên gia tên lửa và quan chức theo dõi một vụ phóng thửvũ khí |
Đề cao khoa học
Theo báo New York Times, khác với lãnh đạo tiền nhiệm lấy điện ảnh và nghệ thuật làm công cụ tuyên truyền, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã nâng khoa học lên như là một lý tưởng. Ông Kim luôn khuyến khích và không ngần ngại dành những lời tán dương cho các nhà khoa học Triều Tiên, coi họ như những người anh hùng nhân dân và biểu tượng cho sự tiến bộ của đất nước.
Ông Choi Hyun Kyoo, một chuyên gia cao cấp của Hàn Quốc hiện đang điều hành trang tin NK Tech chuyên cập nhật thông tin về các tiến bộ khoa học của Triều Tiên nói: “Chúng tôi chưa bao giờ nghe nói có chuyện ông Kim Jong -un trừng phạt các nhà khoa học. Ông ấy hiểu rằng, thử thách và sai lầm là một phần của khoa học”.
Những “trọng vọng” đặc biệt cho các nhà khoa học Triều Tiên được chính quyền đương nhiệm của Bình Nhưỡng dành cho các nhà tri thức phải kể đến là đại lộ 6 làn ở Bình Nhưỡng lấy tên là “Phố các nhà khoa học tương lai” cũng như các tổ hợp nhà ở hoành tráng được xây riêng cho các nhà khoa học, kỹ sư và gia đình của họ. Để nâng cao vị thế của lĩnh vực khoa học kỹ thuật, Triều Tiên cũng đã xây dựng và khánh thành một khu phức hợp có hình dáng mô phỏng hình nguyên tử hạt nhân để tôn vinh các thành tựu khoa học hạt nhân của nước này.
Cuối tháng 11 vừa qua, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong 15 gắn đầu đạn hạt nhân siêu lớn có khả năng tấn công toàn bộ lục địa Mỹ. Lầu Năm Góc cho hay, tên lửa Triều Tiên vừa phóng bay xa 1.000km, đạt độ cao đỉnh là 4.000km và bay trong khoảng 53 phút. Tên lửa mới của Triều Tiên ước tính có tầm bắn lên tới 13.000km và cũng bay lâu hơn đáng kể so với hai lần thử trước: 37 phút ngày 4/7 và 47 phút ngày 28/7. |
Các nhà khoa học còn được vinh danh như những người anh hùng quốc gia khi được xuất hiện rạng ngời trong những cuộc mít tinh quy mô lớn ngoài trời nơi nhận được sự cổ vũ của đông đảo dân chúng.
Mọi sinh viên khoa học xuất sắc đều được tạo điều kiện tham gia vào các dự án quân sự và được đãi ngộ tốt. Họ còn được phép sử dụng internet, phương tiện được ví như “mỏ vàng” ở Triều Tiên, dưới sự giám sát của các nhân viên an ninh đặc biệt.
Không chỉ tôn sùng những nhà khoa học, Triều Tiên từ lâu đã đầu tư vào việc tích lũy nền tảng khoa học cơ bản bằng cách nhập khẩu các tạp chí và báo khoa học từ Nhật Bản và gửi sinh viên học ở nước ngoài, bao gồm:
Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Đức. Bên cạnh việc học tập, những sinh viên này cũng có nhiệm vụ sao chép các tài liệu khoa học quý báu để mang về nước.
Đồng thời, theo New York Times, Triều Tiên còn tuyển dụng các nhà khoa học từ Liên Xô (cũ), với mức lương có thể lên đến 10.000 USD/tháng, ông Lee Yun-keol, một người đào tẩu từ Triều Tiên và hiện điều hành Trung tâm Thông tin chiến lược Triều Tiên ở Seoul, Hàn Quốc và nghiên cứu lịch sử chương trình hạt nhân Triều Tiên cho hay.
Sách lược chính trị
“Thông qua các vụ phóng tên lửa và việc đối đãi các nhà khoa học như những ngôi sao, ông Kim Jong-un cho người dân cảm nhận được về sự tiến bộ. Đó không chỉ là một dự án quân sự mà còn là một sách lược chính trị”, ông Lee Yun-keol nhận định.
Trong các bức ảnh của ông Kim Jong-un đã được công bố, nhà lãnh đạo Triều Tiên luôn thể hiện một cách “thân thiết” với nhóm nhà khoa học và các quan chức kiểu như: Ôm chầm lấy các chuyên gia, cõng một quan chức trên lưng.
Hơn thế nữa, ông Kim còn mời các chuyên gia tên lửa thuốc lá sau vụ phóng thử tháng trước, đặc quyền quá sức tưởng tượng tại đất nước này. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tôn trọng họ như những “người hùng” và cho họ vinh dự được “sủng ái” đặc biệt.
Các chuyên gia, nhà khoa học Triều Tiên dù được ông Kim Jong-un coi trọng nhưng họ không thể vượt qua được ảnh hưởng và quyền lực của ông. Mỗi nhà khoa học ở Triều Tiên, bất kể quan trọng như thế nào, đều phải tôn vinh và ghi nhận vai trò của lãnh đạo Kim khi đạt được bất kỳ thành công nào.
Và, đối với người dân Triều Tiên, lãnh đạo Kim Jong-un được xem như một “người cha”, vị Tổng Tư lệnh đáng kính của đất nước.
Như vậy, có thể thấy cách mà Triều Tiên đã và đang khẳng định quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân chính là nhờ Kim Jong-un đã khéo léo và biết cách sử dụng cũng như khích lệ năng lực của những nhà khoa học đến nỗi rất ít người mảy may nghi ngờ điều gì đằng sau sự “sùng bái” khoa học của Kim Jong-un.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận