Nghi can người Trung Quốc lập đường dây đưa 1,3 tấn ketamin giấu trong 52 bao tải sang Việt Nam bằng đường bộ, chờ cơ hội chuyển đi nước thứ ba. Vụ án được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) triệt phá thành công, thu giữ số lượng ma túy lớn nhất từ trước đến nay.
Bí ẩn trong nhà kho chứa 100 tấn xi măng
Chia sẻ với PV Báo Giao thông sau khi phá án thành công, đại diện ban chuyên án kể, đầu tháng 8/2023, qua kênh hợp tác quốc tế, nhà chức trách Đài Loan (Trung Quốc) cung cấp nguồn tin về hai đối tượng sang Việt Nam tình nghi lợi dụng tàu đánh cá để buôn lậu hàng hóa có thể là ma túy qua tuyến đường biển.
Nhận được thông tin trên, với sự nhạy bén và kinh nghiệm đấu tranh khám phá các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, các cán bộ Cục C04 nhanh chóng tập trung lực lượng xác minh, làm rõ hành tung của hai đối tượng này.
Đầu tháng 9/2023, trinh sát phát hiện họ cùng 4 đối tượng khác nhập cảnh vào Việt Nam. Trong đó, nổi lên đôi nam nữ nghi giữ vai trò cầm đầu nhóm nhập cảnh. Khi đến Việt Nam, họ đặt khách sạn, thuê xe, phiên dịch để đi lại và hoạt động dưới vỏ bọc của những chủ doanh nghiệp.
Kiên trì đeo bám, trinh sát nhận thấy các đối tượng còn thuê một nhà kho rộng ở quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. Sau đó, họ mua 100 tấn xi măng mang về tập kết tại kho hàng này.
Chỉ vài ngày sau khi nhà xưởng hoàn tất, 6 đối tượng lặng lẽ xuất cảnh về Trung Quốc. Các thành viên ban chuyên án vẫn bí mật theo dõi chặt chẽ nhà kho chứa 100 tấn xi măng kể trên và phát hiện, nhóm đối tượng này còn thuê một nhà kho tại Thái Bình.
Ngày 20/9, hai đối tượng chính trong nhóm thuê nhà kho nhập cảnh trở lại Việt Nam. Từ sân bay, họ thuê xe đến thẳng kho hàng tại Hải Phòng và chỉ đạo bốc dỡ các bao tải lạ được cất giấu từ trước trong kho xi măng. Nhận định thời cơ đến, Cục C04 và các lực lượng quyết định phá án.
Đánh án trên biển lẫn đường bộ
Sáng 22/9, hàng trăm cảnh sát thuộc Cục C04 và lực lượng cảnh sát biển, hải quan đột kích kho hàng ở quận Hồng Bàng. Tại đây, lực lượng đánh án bắt giữ hai đối tượng và một số người liên quan, đồng thời thu giữ 30 bao tải chứa tổng cộng 750kg ketamine.
Cùng thời điểm trên, ban chuyên án khám xét nhà kho tại Thái Bình, nơi các đối tượng thuê để cất giấu ma túy trước khi mang sang Hải Phòng.
Mở rộng vụ án, Cục C04 phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ Phạm Duy Khánh (35 tuổi, lái xe khách giường nằm xuyên cửa khẩu). Khám xét khẩn cấp chiếc xe giường nằm, cảnh sát thu giữ thêm 22 bao tải chứa 550kg ketamine được giấu trong bình xăng giả và giường nằm của khách.
Quá trình phá vụ án này, Cục C04 và các đơn vị còn thu giữ chứng cứ điện tử cho thấy, hồi tháng 6/2023, các đối tượng đã vận chuyển trót lọt khoảng 500kg ma túy ketamine qua cảng Cát Lái. Hiện C04 đang phối hợp với nhà chức trách Đài Loan tiếp tục làm rõ vụ này.
Trong số đối tượng bị bắt giữ có Liêu Chí Hoài (43 tuổi, quốc tịch Trung Quốc). Quá trình đấu tranh, cảnh sát xác định Hoài chính là kẻ cầm đầu. Cũng từ lời khai của Hoài và tài liệu điều tra, Cục C04 đã dựng được chân dung, thủ đoạn, cung đường hoạt động trên đường bộ lẫn đường biển của đường dây sản xuất, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia này.
Theo thành viên ban chuyên án, Liêu Chí Hoài tốt nghiệp đại học và có kiến thức về hóa học. Anh ta sống như vợ chồng với một nữ đối tượng người nước ngoài, cũng là người cùng Hoài nhập cảnh vào Việt Nam.
"Vài năm trước, Hoài và các đối tượng thành lập nhà máy sản xuất thuốc điều trị Covid-19 ở nước ngoài, rồi lợi dụng việc này nhập khẩu tiền chất để sản xuất ma túy", đại diện ban chuyên án cho biết.
Vốn hiểu biết sâu về hóa học, Liêu Chí Hoài chỉ đạo toàn bộ quá trình nhập khẩu tiền chất, điều chế sản xuất ra ketamine. Ma túy thành phẩm sau đó được tài xế Phạm Duy Khánh mang cất giấu rất tinh vi trong thùng xăng giả trên xe khách, tuồn qua cửa khẩu để vận chuyển bằng đường bộ đưa vào Việt Nam.
Từ Hà Tĩnh, các đối tượng đưa hàng cấm len lỏi qua các cung đường, trước khi hàng được tập kết tại nhà kho ở Thái Bình rồi chuyển ra Hải Phòng để vận chuyển sang nước tiếp theo bằng đường biển.
"Các đối tượng lợi dụng tuyến đường biển của Việt Nam, vận chuyển ma túy để đưa ra nước thứ ba tiêu thụ. Hàng cấm chủ yếu được vận chuyển qua cảng Đình Vũ, Hải Phòng và cảng Cát Lái ở TP.HCM", thành viên ban chuyên án kể.
Khi đến các cảng, ma túy sẽ được ngụy trang lẫn trong những gói hàng cà phê, giấu vào thùng container rồi vận chuyển. Để theo dấu đường dây này, trinh sát C04 phải mất nhiều ngày đêm lênh đênh trên biển.
"Đánh án ma túy trên biển cũng rất khó khăn và gian nan. Giữa biển nước mênh mông, nhưng các trinh sát vẫn kiên trì phối hợp với cảnh sát biển theo dõi", thành viên ban chuyên án nhớ lại.
Chiêu thức ngụy trang ma túy của ông trùm
"Ở nước ngoài, 1kg ketamine có thể được bán với giá 1 tỷ đồng", đại diện Cục C04 tham gia phá án tiết lộ. Đó là lý do mà Liêu Chí Hoài và 6 đối tượng khác trong đường dây sẵn sàng dùng nhiều thủ đoạn, chiêu thức tinh vi hòng qua mắt lực lượng chức năng.
Một trong số đó là chi tiết Hoài khai đã chỉ đạo đồng bọn dùng thủ thuật "ẩn mình" cho chất ma túy trên đường vận chuyển. Cụ thể, sau khi cho ra ma túy thành phẩm, Hoài dùng một loại hóa chất phủ lên, nên khi cảnh sát bắt giữ, không phát hiện ra đây là ma túy.
Khi ma túy đến tay khách hàng, các đối tượng dùng một chất hóa học khác để xóa bỏ lớp phủ đó, làm cho tinh chất ketamine nổi lên. "Đây là thủ đoạn rất mới và tinh vi mà cảnh sát phát hiện được thông qua vụ án này", đại diện ban chuyên án tiết lộ.
Sau khi khởi tố Liêu Chí Hoài và 6 bị can, Cục C04 xác định trong 1 năm qua, đường dây này đã nhập khẩu 64 loại tiền chất, hóa chất, dung môi với số lượng gần 9.000 tấn để sản xuất lô ma túy trị giá hơn 5,7 triệu USD.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận