4.700 tỷ đồng lập hãng hàng không Vinpear Air
Để có thể "cất cánh", trước hết, Vinpearl Air sẽ cần cái "gật đầu" của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không.
Sau bước này, Vinpearl Air sẽ tiếp tục phải nộp hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không tới Cục Hàng không VN.
Bộ GTVT sẽ là cơ quan ra quyết định cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ đáp ứng các điều kiện vềvốn; phương án đảm bảo có tàu bay khai thác tổ chức bộ máy; phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định tại Nghị định 89/2019 vừa được Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92 quy định về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực vận tải hàng không dân dụng và Nghị định 30/2013 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung có hiệu lực từ 1/1/2020.
Ngay cả khi có được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Vinpearl Air vẫn sẽ cần có thêm chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) và triển khai các công tác cụ thể liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng vừa trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Vinpearl Air với quy mô 6 tàu bay trong năm đầu tiên.Trung bình mỗi năm, Vinpearl Air sẽ đưa vào khai thác thêm 6 tàu bay, đạt 30 tàu vào năm 2024.
Tổng vốn đầu tư dự án lên tới 4.700 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, chiếm 27,66% tổng vốn đầu tư. Vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác là 3.400 tỷ đồng, chiếm 72,34%.
Dự kiến Vinpearl Air sẽ hoàn thành các thủ tục và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật để chính thức đưa vào vận hành, khai thác bay thương mại trong tháng 7/2020.
Theo hồ sơ dự án, dự kiến khi bắt đầu hoạt động, Vinpearl Air sẽ đồng thời thuê khô (thuê không có tổ lái) và thuê ướt (thuê có tổ lái) tàu bay. Từ năm 2022, Vinpearl Air sẽ đa dạng hoá các nguồn cung tàu bay và phương thức sử hữu như: thuê mua, mua thuê lại cũng như thuê ướt bổ sung mùa vụ.
Vinpearl dự kiến sử dụng CHK quốc tế Nội Bài làm sân bay căn cứ và dự kiến đỗ tàu bay qua đêm trong năm đầu khai thác tại Nội Bài, Cam Ranh, Cát Bi, Đà Nẵng và Vân Đồn.
Trước đó, cho ý kiến về dự án, Bộ GTVT khẳng định quy mô đội tàu bay như đề xuất của Vinpearl Air là phù hợp với Quyết định 236 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030.
Bộ GTVT cũng khẳng định kế hoạch của Vinpearl Air là sự phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng cho năm 2020. Tuy nhiên, với giai đoạn sau năm 2020, đề nghị nhà đầu tư lưu ý việc CHK quốc tế Nội Bài sẽ hết vị trí đỗ trong thời gian tới trong khi CHK quốc tế Tân Sơn Nhất không còn vị trí đỗ tàu bay, slot khai thác trong giai đoạn đến năm 2022 để có phương án bố trí đội tàu bay qua đêm cho phù hợp.
Có lãi từ năm 2023
Một thông tin đáng chú ý trong báo cáo kết quả thẩm định dự án vận tải hàng không Vinpearl Air của Bộ KH-ĐT là dự án có thời gian hoàn vốn 5-6 năm; dự kiến bắt đầu có lãi từ năm 2023.
Sau khi đi vào hoạt động, dự án vận tải hàng không Vinpearl Air dự kiến sẽ mang lại cơ hội việc làm trực tiếp cho khoảng 500-600 lao động từ thời điểm giữa năm 2020 và tăng lên khoảng 2.200-2.300 lao động vào năm 2023-2024, chưa kể các việc làm gián tiếp thông qua các hoạt động kinh tế, du lịch, đào tạo.
Vinpearl Air cũng sẽ giúp đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp (theo thuế suất 20%) khoảng 1.000 tỷ đồng/năm vào cuối kỳ tính toán của kế hoạch 5 năm (2024.
Hồ sơ dự án có đánh giá sơ bộ các yếu tố rủi ro tác động đến dự án như biến động của chính sách vĩ mô, lãi suất cho vay, biến động tỷ giá, biến động chi phí nhiên liệu; đồng thời, có đánh giá về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm dịch vụ cung ứng.
Theo Bộ KH-ĐT, các nội dung đánh giá về hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án như nêu trên mới ở mức sơ bộ, các dữ liệu đầu vào mới là giả định. Việc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ hết vị trí đỗ trong thời gian tới và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất không còn vị trí đỗ tàu bay, slot khai thác trong giai đoạn đến năm 2022 sẽ có ảnh hưởng nhất định tới hoạt động kinh doanh của dự án. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của dự án còn có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố rủi ro khác.
Do đó, Bộ KH-ĐT đề nghị Công ty cổ phần Hàng không Vinpearl Air cần tính toán kỹ về hiệu quả đầu tư dự án trên cơ sở phân tích, dự báo đầy đủ các yếu tố có khả năng tác động tới hoạt động của dự án. Trường hợp được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong giai đoạn tiếp theo, Vinpearl Air cần thực hiện rà soát sự phù hợp năng lực hạ tầng của sân bay căn cứ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với tiến độ khai thác; Xây dựng kế hoạch khai thác các đường bay trong nước và quốc tế linh hoạt, phù hợp với năng lực, thực tiễn tại các cảng hàng không dự kiến khai thác, bảo đảm có đủ slot cho máy bay phù hợp với mô hình khai thác; Đánh giá cụ thể hơn tác động của dự án đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của Khu vực với mục tiêu góp phần phát triển du lịch cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập.
Vinpearl Air cần rút kinh nghiệm từ bài học thực tiễn của một số hãng hàng không đang khai thác để xây dựng phương án kinh doanh hợp lý, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận