Khuôn viên Thiền viện uy nghi, tĩnh lặng - Ảnh: Tấn Việt |
Đến với Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sông nước hữu tình, tiếng chuông chùa ngân vang trong khung cảnh mây trời mơ mộng.
Thoát phố thị, chan hòa cùng thiên nhiên
Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) những năm trở lại đây thu hút lượng lớn du khách tham quan, nhất là dịp đầu năm, lễ Tết. Từ Đà Nẵng ngược ra phía Bắc theo QL1 khoảng 60km, du khách sẽ thấy một trụ đá chỉ đường vào Thiền viện nằm ngay bên QL1. Men theo con đường bê tông quanh co, khúc khuỷu dài 9km sẽ thấy một bãi đậu xe. Du khách di chuyển ra hồ Truồi, lên đò hướng thẳng ra Thiền viện.
Đi đò qua hồ Truồi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những áng mây trắng bồng bềnh soi bóng nước trong vắt. Theo hướng đi đò, phía bên phải là tượng Phật Thích Ca lộ thiên đang ngồi thiền trên hòn đảo nhỏ. Bức tượng đá cao 24m, nặng 1.500 tấn được đúc bằng đá. Xa xa tầm mắt, nằm trên ngọn Linh Sơn cuối dãy Bạch Mã là các công trình phủ mái ngói đỏ của Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.
Bước lên 172 bậc tam cấp được đúc bằng bêtông, du khách sẽ thấy cổng Tam quan hiện ra cao vút, uy nghi trên nền trời xanh. Cổng Tam quan cao 11m, rộng 10,5m trên có mái ngói che trụ và bánh xe chuyển pháp luân - biểu trưng tiêu biểu của nhà Phật. Đứng dưới cổng Tam quan, trước mắt du khách là các công trình kiến trúc của Thiền viện được xây dựng, sắp đặt hài hòa trong quần thể gồm: Tổ đường, chính điện, lầu chuông, tháp xá lợi... giữa cánh rừng nguyên sinh xanh rờn.
Cùng dòng Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Bạch Mã cũng có chính điện (Đại Hùng Bảo điện) thờ Tam tổ Phật. Đại hùng Bảo điện có diện tích trên 400 m2, cao 14m được xây dựng theo kiến trúc chung của đạo Phật. Nổi bật giữa chính điện là tượng Phật tổ đang ngồi tu niệm dưới gốc cây bồ đề. Khu vực tổ đường thờ Tổ sư Đạt Ma của thiền phái Trúc Lâm được xây dựng sau chính điện giữ nguyên vẻ uy nghi, tĩnh lặng.
Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mãẩn hiện giữa cây rừng - Ảnh: Tấn Việt |
Đến tham quan Trúc Lâm Thiền Viện phong cảnh sơn thủy hữu tình, mái chùa cổ kính; hoa văn họa tiết tịnh, trang nhã, nơi đây còn phảng phất mùi hương trầm thoát tục. Nghe tiếng chuông thiền ngân vang lan tỏa trên sóng nước hữu tình, du khách cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái.
Trên đường đi, du khách được giới thiệu về những nét đẹp của con người, cảnh vật nơi đây qua những truyền thuyết về Linh Sơn - Núi Truồi mà từ lâu đã đi vào ca dao xứ Huế. Ngược hồ Truồi, Bạch Mã là thảm rừng xanh với những loài động, thực vật phong phú còn được bảo tồn cẩn trọng.
Băng rừng về với thiền định
Đại đức Thích Tâm Hạnh, Trụ trì Thiền viện cho biết, trong một lần đi tìm đất xây Thiền viện, đứng trên đỉnh Bạch Mã nhìn xuống hồ Truồi, vị sư quyết định sẽ xây Thiền viện giữa khung cảnh sơn thủy hữu tình, bao quanh là hồ Truồi với làn nước trong xanh in bóng những tầng mây.
Từ TP Huế, du khách theo QL1 về hướng Nam khoảng 40km. Đến biển chỉ dẫn đường vào Thiền viện, du khách men theo con đường bêtông dài 9km đến bến thuyền. Giá vé đi thuyền ra Thiền viện là 22 nghìn đồng. Tại đây có rất ít hàng quán, không khí luôn giữ nguyên vẻ thanh tịnh, yên ắng. |
Tháng 3/2006, Thiền viện được khởi công xây dựng trong điều kiện khó khăn vì cách trở đường vận chuyển. Các tăng ni, phật tử cùng nhân công phải vận chuyển từng viên đá, bao ximăng lên đò đưa ra nơi xây dựng. Đến ngày 20/2/2008, Thiền viện hoàn thành với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của Giáo hội và Phật tử. Tuy mới hình thành, Trúc Lâm Bạch Mã đã nhanh chóng trở thành một danh lam mới ở Cố đô Huế.
Theo Đại đức Thích Tâm Hạnh, Thiền phái Trúc Lâm được Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và đạo Phật. “Thiền vốn là tâm. Dù khi phát triển mạnh mẽ, hay có lúc như đã chìm mất đi, Thiền vẫn luôn là nguồn sống của hết thảy các loài hàm thức. Cũng vậy, dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử từng một thời vang bóng từ thế kỷ XIII, rồi lại như ngủ yên suốt gần 7 thế kỷ. Hôm nay, mạch nguồn ấy đã đến lúc hiển hiện, tắm mát cho mọi người”, Đại đức Thích Tâm Hạnh nói.
Xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã chính là khơi dậy tinh thần cao quý của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tại danh thắng Bạch Mã, mang lại lợi lạc hơn nữa cho những người hữu duyên ở vùng đất Cố đô giàu truyền thống văn hóa này.
Theo vị sư Trụ trì, Thiền viện ở độ cao 1.450m so với mặt nước biển, cách biển Đông 5km đường chim bay, du khách sẽ được đón hai luồng gió từ đất liền và biển. Với nền nhiệt độ thường từ 190C - 210C, Bạch Mã được xem là một trong những vùng có khí hậu lý tưởng.
Vì là cái rốn giữa Trường Sơn, giao lưu giữa hai miền Nam - Bắc, nên nguồn động vật và thực vật ở đây rất phong phú. Cảnh sắc lại không kém phần ngoạn mục. Đứng từ ngọn Trì Giang hay từ cầu Lương Điền, hoặc nhìn từ Ngự Bình - Huế, Bạch Mã hiện ra trong mây trắng lững lờ có dáng như hình con ngựa hiện rõ, vì thế mà gọi Bạch Mã. Với người Tây phương, Bạch Mã được xem như là mặt trời.
Đại đức Thích Tâm Hạnh cho biết: “Bạch Mã là chốn núi rừng u tịch, có khí hậu mát mẻ, trong lành, là nơi thích hợp cho việc tu thiền. Những ai hữu duyên về Bạch Mã, thấy cảnh núi rừng thanh vắng, khí hậu mát mẻ trong lành, nếu muốn dừng chân nghiên tầm tu tập, mong rằng, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã sẽ là nơi giúp quý vị toại nguyện”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận